"Trẻ hóa" các bệnh tim mạch: Giới trẻ đang tự làm hại mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Một ca phẫu thuật tim mạch tại Viện Tim mạch Quốc gia. Ảnh: BSCC
Ở Việt Nam hàng năm 30% số ca tử vong là do mắc các bệnh lý tim mạch. Nếu trước đây, bệnh tim mạch thường gặp ở những người cao tuổi thì nay, căn bệnh này đã khiến cho không ít các bạn trẻ phải gắn bó với thuốc điều trị, với bệnh viện. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra tình trạng này hoàn toàn có thể phòng tránh được, nếu như, giới trẻ có một lối sống lành mạnh hơn.
26 tuổi đã mắc nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim trước đây được biết đến là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện bệnh đang trẻ hóa với số lượng người trẻ mắc nhồi máu cơ tim ngày càng tăng cao.
Chia sẻ về những bệnh nhân trẻ tuổi, bác sĩ Võ Thành Nhân - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec - cho biết: “Chúng tôi đã từng tiếp nhận người bệnh mới chỉ 26 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim và rơi vào tình trạng nguy kịch khi đến bệnh viện. Nhồi máu cơ tim xảy ra ở tuổi 45 đã được đánh giá là trẻ, còn nếu dưới 35 tuổi mắc bệnh là rất trẻ. Cũng theo thống kê tại các bệnh viện lớn hiện nay cho thấy tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ đã đang tăng lên đến 10,5% và rất trẻ là 1,8%. Đây là những con số đáng báo động về mức độ trẻ hóa của bệnh nhồi máu cơ tim, cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh đối với giới trẻ hiện nay”.
Theo bác sĩ Nhân, nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim cấp gây những cơn đau thắt ngực và sau đó là hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử; chủ yếu do nguyên nhân xơ vữa động mạch vành. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân xoay quanh gây ra nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi. Trong đó chính chế độ sinh hoạt không khoa học, thiếu lành mạnh là nguyên nhân chủ yếu gây hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng và dẫn đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ. Tình trạng Stress này kéo dài khiến thần kinh căng thẳng, kéo theo nguy hại đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ tim mạch. Bệnh nhồi máu cơ tim ở người trẻ hoàn toàn có thể xuất phát từ nguyên nhân người bệnh thường xuyên stress, áp lực, căng thẳng...
Hơn nữa, thói quen ăn uống không lành mạnh, không đúng chế độ, dẫn đến béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây nên nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi. Đặc biệt, hút thuốc lá là thói quen xấu mà phần lớn người trẻ đều mắc phải, đặc biệt là nam giới. Hút thuốc lá không đơn thuần là gây hại cho phổi mà còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các cơ quan khác, trong đó có hệ tim mạch.
Nếu như nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi có thể diễn ra sau một quá trình dài, xơ vữa động mạch còn với người trẻ tuổi, chủ yếu bệnh do các sự hình thành huyết khối trong lòng động mạch gây ra từ stress, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm kéo dài. Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, nếu ở người già, xơ vữa động mạch diễn ra từ từ làm cơ tim có sự thích nghi nhất định với tình trạng thiếu máu cơ tim, nhưng điều này xảy ra với người trẻ lại khá nguy hiểm. Lòng động mạch của người trẻ trơn láng hơn, khi xuất hiện đột ngột các cục khối huyết làm tắc nghẽn máu nuôi tim thì không kịp thích nghi, dễ gây nguy hiểm hơn và tình trạng hoại tử cũng nhanh chóng hơn. Đặc biệt người trẻ lại thường rất chủ quan với bệnh nhồi máu cơ tim nên càng dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Giới trẻ cần thay đổi lối sống
Trao đổi về tình trạng đáng báo động này, PGS-TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia - cho biết: Số ca bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10-20% và ngày càng trẻ hóa. 10 năm trước, mỗi năm Viện Tim mạch Quốc gia làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân, trong năm 2018, Viện can thiệp tim mạch cho hơn 12.300 ca. Số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình 15% mỗi năm.
“Nếu như trước đây, bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên... thường gặp ở người cao tuổi, nhưng bây giờ thì các bệnh này có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào”- ông Hùng nói.
Đơn cử như mới đây, Viện Tim mạch Quốc gia tiếp nhận những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi 30, thậm chí là 20. Nhiều bệnh nhân trẻ cũng mắc các bệnh tim mạch và không ít người đã tử vong do nhồi máu cơ tim.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, ông Hùng cho rằng: Hiện nay, mô hình bệnh tim không lây nhiễm bị trẻ hóa bởi lối sống hiện đại theo xu hướng có hại cho sức khỏe như ăn thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu, mỡ cộng với tình trạng lười vận động, uống rượu, hút thuốc lá, căng thẳng... Đối tượng có nguy cơ thường gặp nhất là những người thừa cân, béo phì, vòng bụng lớn, có rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp và đặc biệt là ở bệnh nhân hút thuốc lá.
Đối với bệnh tăng huyết áp cũng vậy, hiện rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi 30-35 mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch và thậm chí là không ít trong số đó tử vong do nhồi máu cơ tim.
“Khi một người mắc bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khi còn trẻ tuổi như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch... thì đều ảnh hưởng tồi tệ đến tuổi thọ, sức khỏe nói chung cũng như chất lượng sống” - ông Hùng nói, đồng thời khuyến cáo “Chúng ta có thể hoàn toàn chủ động phòng ngừa được các bệnh tim mạch liên quan đến xơ vữa nói trên nếu chúng ta biết và chủ động thực hành chế độ luyện tập, sinh hoạt, ăn uống khỏe mạnh, dùng thuốc đều đặn (khi có chỉ định)”.
Thùy Linh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.