Trăng quê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi sinh ra từ gốc rạ nên hai tiếng “nhà quê” nghe sao mà thân thương. Rồi lớn lên một chút, ra phố học, bạn bè ở trường cứ chê là “đồ nhà quê” khiến tôi ngỡ ngàng, tự nhìn lại mình, từ lời ăn tiếng nói, đi đứng xem có khác gì với các bạn ở phố không? Tất nhiên rồi, mọi cái ở phố đều xa lạ với tôi. Vậy nên tiếp cận với mọi thứ hiện đại, tôi đều phải hỏi để biết và làm quen với nó. Chỉ đơn giản là bật công tắc đèn neon hay điều khiển cái quạt điện trên trần của lớp học, tôi cũng lúng túng, nhìn bạn làm rồi mình bắt chước, vì ở quê quanh năm chỉ thắp đèn dầu và dùng chiếc quạt mo cau mỗi khi trời nóng nực. Huống chi, bạn bảo tôi có biết lái xe máy hay điều khiển kênh truyền hình ti vi…
Một hôm, thầy dạy văn của lớp cho làm bài tập: Phân tích câu ca dao “Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”. Thầy giáo ra đề xong rồi bảo học sinh ngồi yên lặng làm bài, không giải thích gì thêm. Còn thầy lên văn phòng, thỉnh thoảng mới quay lại thăm lớp. Độ nửa tiếng đồng hồ, tôi thấy lớp rất lặng yên, trật tự. Khi tôi đảo mắt nhìn quanh, ước chừng có đến hai phần ba các bạn đều cắn bút suy tư. Có đứa thì thào hỏi bạn bên cạnh: “Thế nào là “tát nước bên đàng”? Sao gọi là “múc ánh trăng vàng”? Tôi tranh thủ làm bài cho kịp giờ, mặc các bạn có làm được hay không. Một ý nghĩ vụt qua tôi, nếu bạn nào chưa từng thưởng ngoạn những đêm trăng quê, chưa nhìn thấy cảnh tát nước đêm trăng nơi đồng ruộng quê nhà thì khó mà cảm nhận, phân tích sâu và hay được. Hết giờ, bạn nào cũng phải nộp bài cho thầy nhưng trên khuôn mặt đa phần đều không vui với bài làm văn của mình. Có bạn thở ra ngao ngán: “Quá khó! Chẳng hiểu mô tê gì cả…”.
Minh họa: THỦY NGỌC
Minh họa: THỦY NGỌC

Vài hôm sau, thầy trả bài cho học sinh và khen bài làm văn của tôi là khá nhất, còn lại hầu hết các bạn đều đạt điểm trung bình trở xuống. Thầy bảo tôi đọc lại bài làm văn của mình cho cả lớp nghe và bắt đầu nhận xét, giảng giải thêm cho cả lớp hiểu, rút kinh nghiệm: Cái thần của câu ca dao trên nằm ở câu bát, đó là câu hỏi “Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”. Phải hiểu được hành động tát nước đêm trăng nơi thôn dã mới cảm nhận được hết cái đẹp, cái tình trong một không gian và hoàn cảnh cụ thể. Câu ca dao ngắn, tả ít mà gợi nhiều, giàu biểu cảm, diễn đạt được vẻ đẹp trầm lắng, chìm sâu rất thi vị, hữu tình. Chỉ có những ai đã từng thấm đẫm chất quê, yêu sâu sắc và nhạy cảm với vẻ đẹp thơ mộng của nơi hương đồng gió nội mới nhận ra tâm hồn, tình yêu của con người lao động chân chất đáng yêu… Kết luận của thầy giáo hôm ấy đã khiến tôi lâng lâng tự hào “Mình là người nhà quê”. Cả lớp lặng im, rồi nhìn tôi-thằng nhà quê-với cặp mắt đầy ngưỡng mộ.

Thời đi học, làng quê tôi vẫn còn chìm trong rơm rạ. Làng trên xóm dưới với khoảng 50 nóc nhà tranh tre nứa lá cách nhau cái miếu thổ thần và cây đa cổ thụ núp bóng bên những rặng tre già cùng con đường đất ngoằn ngoèo đầy bụi rậm, cây cối um tùm. Đêm đêm, nhà nào cũng leo lắt ánh đèn dầu. Vì thế, mỗi mùa trăng là những ngày hội của lũ trẻ chúng tôi. Người làng tôi tranh thủ những đêm trăng sáng để làm thêm công việc đồng áng như tát nước, gặt lúa, nhổ đậu… Dường như lao động vào những đêm trăng như vậy, họ không mệt nhọc mà còn phấn khích, đôi khi hưng phấn còn hát hò, đối đáp, chuyện trò vui đùa đến tận khuya mới chịu buông tay. Trai gái làng cứ đến mùa trăng là hẹn hò tâm sự. Có lẽ ánh trăng quê có sức hút và gợi cảm đối với những chàng trai, cô gái nơi thôn dã tìm đến với nhau. Những  đêm trăng đã làm cho tình yêu lứa đôi thăng hoa để rồi nó đơm hoa kết trái. Những lời hẹn ước dưới trăng dường như thiêng liêng và đẹp đẽ khiến họ gắn kết cả đời bên nhau nơi miền quê yên ả. Với tôi, ánh trăng quê nó diệu vợi và huyền ảo đến vô cùng. Ánh trăng quê đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi lớn lên với đầy ắp kỷ niệm nơi quê nhà. Khi lớn khôn và đi xa những mùa trăng mong chờ đã khiến tôi hụt hẫng và nuối tiếc một thời.
Đã bao năm rồi tôi không còn gặp lại ánh trăng quê của ngày xưa nữa. Có lẽ nào vầng trăng đẹp diệu vợi ấy đã không còn trở lại với quê tôi! Năm tháng đã đổi thay nhiều, làng tôi đã lên phố tự khi nào. Và câu ca mẹ tôi hát ngày xưa dường như không ai còn nhớ nữa: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”…
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.