Phố đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những tia nắng cuối cùng trong ngày đã tắt, màn đêm buông xuống, phố xá khoác lên mình chiếc áo mới dịu dàng hơn, bí ẩn hơn dưới ánh đèn. Pleiku về đêm mang một vẻ đẹp hiền hòa, bình yên cùng với bao điều khác lạ. Bên cạnh đó, những con người lặng lẽ về đêm đã góp phần tạo nên dáng vóc của một thành phố hiện đại.


Ánh đèn đường chỉ đủ chiếu sáng những con đường để người ta có thể thoải mái dạo chơi hoặc cần làm gì về đêm. Ánh sáng không lên đến những vòm cây phía trên cao. Vì vậy, trong màn đêm, những hàng cây mang dáng vẻ trầm mặc. Có lẽ chúng cũng đang nghỉ ngơi sau một ngày tích cực quang hợp đem ô xy nuôi sự sống cho con người. Trong những ngôi nhà vẫn còn sáng đèn, mỗi gia đình dường như đều đang dành những khoảng thời gian riêng cho mình sau một ngày mưu sinh vất vả.

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Phố đêm được đặc trưng bởi những chùm đèn màu giăng mắc trên những con đường chính, tạo cho nó một vẻ đẹp riêng, không thể có vào ban ngày dưới ánh mặt trời sáng rọi. Trong cái không khí mát dịu của đêm, từng tốp người dắt tay nhau đi dạo, cười nói vui vẻ. Nam thanh nữ tú chở nhau trên xe máy ngắm phố phường rồi cùng ghé vào những quán cà phê san sát trên nhiều con đường của Phố núi tìm cho mình phút giây thư giãn, một nơi yên tĩnh để tâm tình.

Ở thành phố nhỏ này, khoảng sau 9 giờ tối là đường sá trở nên vắng vẻ, chỉ còn vài em học sinh đi học thêm về muộn, những người có việc ra đường vội vàng trên xe máy. Phố đêm dường như trong trạng thái nghỉ ngơi. Nhưng bên cạnh vẻ rực rỡ tráng lệ của bao khách sạn, nhà hàng, quán cà phê hạng sang nhộn nhịp người ra vào là những con đường yên tĩnh mà ánh đèn đường vàng vọt và bóng đêm không che khuất được những con người lam lũ lặng lẽ với công việc mưu sinh quen thuộc.

Hình ảnh quen thuộc nhất trên đường phố về đêm là các công nhân môi trường. Tiếng chổi xào xạc, những công nhân trong bộ đồ bảo hộ tất bật, lặng lẽ với công việc thu gom rác thải. Khi phố xá trở nên sạch sẽ cũng là lúc họ kết thúc buổi làm việc trong mệt nhoài.

Và đây, trên nhiều con đường, những chiếc taxi vẫn đang nằm chờ khách. Tài xế tranh thủ ngủ trong xe, mong chờ một cuộc gọi để có thể kiếm thêm chút thu nhập cho gia đình. Trên con đường liên tỉnh, nơi những chuyến xe đêm trở về là rất nhiều người chạy xe ôm già có, trẻ có ngóng chờ khách trong niềm hy vọng mong manh.

Mưu sinh trong đêm còn là những hàng quán nhỏ, thường chỉ là chiếc xe đẩy với mấy bộ bàn ghế. Vị trí được chọn là những góc đường nơi có ánh đèn sáng hơn một chút, người qua lại cũng nhiều hơn. Pleiku nhỏ bé, lượng người về đêm không nhiều. Nhìn ánh mắt chờ đợi của họ, tôi thầm mong họ sẽ bán hết hàng sớm để về nghỉ ngơi. Thương nhất là những người già vẫn còn phải tìm kế sinh nhai về đêm trên những xe hàng rong như vậy.

Chợ đêm, một nét thu hút của Phố núi, nơi người ta có thể dễ dàng tìm thấy hầu như mọi thứ mình thích với giá rẻ. Người rảnh rang có thể dạo chợ đêm để thưởng thức những món ăn đặc trưng như bánh cuốn, nem lụi, bánh canh, bún cua, bánh xèo. Là chợ đầu mối, chợ đêm tập trung hàng hóa từ những nhà vườn vùng ven thành phố để chuyển đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong tỉnh. Những người mua bán ở đây không có đêm, niềm vui của họ là công việc trôi chảy thuận lợi.

Dưới ánh đèn đêm, thành phố vừa mang vẻ thanh bình, vừa bí ẩn. Bên cạnh vẻ phồn hoa, rực rỡ dưới ánh đèn màu, phố đêm của nhiều người là sự tiếp nối của cuộc mưu sinh. Mưu sinh vốn chẳng bao giờ dễ dàng lại càng trở nên nặng nề và lặng lẽ hơn khi ánh sáng đèn vàng vọt không đủ để làm mất đi cái bóng tối đang bao trùm lên mọi vật. Cuộc mưu sinh của những người nghèo trong đêm làm chúng ta không tránh khỏi có chút thương cảm. Nhưng công việc của họ là cần thiết cho sự sạch sẽ, tinh tươm, cho những nhu cầu phát triển của cuộc sống. Mong sao cuộc sống của họ sẽ đỡ nhọc nhằn hơn.

NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.