Trấn biên nơi "đệ nhất khắc nghiệt" của Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bỏ lại sau lưng những vạt dã quỳ xôm xốp sau khi đã tiết hết nhựa sống cho những cánh hoa vàng rực giữa đông, chúng tôi có mặt trên đường 14C để đến với đồn biên phòng xa nhất của Gia Lai tiếp giáp với tỉnh Đak Lak và nước bạn Campuchia. 2 ngày trải nghiệm cùng những người lính trấn biên trên vùng phên giậu Ia Mơr (huyện Chư Prông) đã để lại trong tôi những ấn tượng thật đặc biệt.



Mặc dù nhận được sự hướng đạo rất tích cực của anh bạn đồng nghiệp nhưng phải mất gần 1 buổi di chuyển bằng ô tô, chúng tôi mới đến được Đồn Biên phòng Ia Lốp. Đang là mùa khô Tây Nguyên nên đoạn quốc lộ 14C qua địa bàn huyện Chư Prông lởm chởm đất đá và ngầu bụi. Trong cái nắng hanh hao giữa trưa nơi vùng biên viễn, Đồn Biên phòng Ia Lốp hiện ra trước mắt chúng tôi như một dấu chấm nhỏ giữa bạt ngàn rừng khộp.

Trên đường tuần tra…

Thời điểm cuối năm bộn bề công việc nên đón chúng tôi chỉ có Thiếu tá-Phó Đồn trưởng Phạm Văn Thanh. Sau bữa cơm trưa với những món “cây nhà lá vườn” do đơn vị tăng gia, chúng tôi tranh thủ đến thăm đội công tác tại chốt suối Đen, suối Pa và cột mốc số 40.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp kiểm tra cột mốc 40. Ảnh: D.L
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp kiểm tra cột mốc 40. Ảnh: D.L



Lúc chúng tôi ghé thăm, cán bộ, chiến sĩ trong đội đang làm nhiệm vụ trên đường tuần tra, chỉ có Thiếu úy Trần Đức Quân trực tại chốt. Trong ngôi nhà ván vắng vẻ nhưng được sắp xếp khá ngăn nắp, Quân vừa rót nước mời khách vừa báo cáo rất lưu loát về tình hình nội-ngoại biên. Theo Quân, sở dĩ gọi là suối Đen bởi vì nước suối có màu đen nhánh, không thể sử dụng được. Mặc dù chúng tôi ngồi trò chuyện hàng giờ đồng hồ nhưng quan sát thấy tịnh không một bóng người qua lại. Hỏi Quân có buồn không, anh liền bảo: “Công việc mà, hơn nữa em cũng quen rồi!”. Hỏi ra mới biết, Quân là con trai của Đại tá Trần Thanh Bình-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Là “con nhà lính” nên từ nhỏ Quân đã quen với lối sống tự lo, tự lập. Sau khi tốt nghiệp, Quân xung phong nhận nhiệm vụ tại nơi xa xôi và khó khăn nhất. Với người lính quân hàm xanh trẻ tuổi này, ngoài thời gian sinh hoạt chung tại Đồn, ngày Tết đồng nghĩa với việc phải liên tục di chuyển trên đường tuần tra, trực ban hoặc xuống địa bàn vận động quần chúng.

Chia tay đội công tác chốt suối Đen, chúng tôi men theo con đường tuần tra biên giới đến thăm đội công tác chốt suối Pa. Khác với tuyến quốc lộ 14C, vào mùa này, đường tuần tra đẹp như một dải lụa vắt hờ qua bờ vai thôn nữ. Dọc hai bên đường là những thảm cỏ đuôi chồn ánh lên màu phớt hồng lung linh trong gió thảo nguyên.

Trên đường đi, chúng tôi gặp một tổ tuần tra đang làm nhiệm vụ. Trong số ấy, tôi đặc biệt chú ý đến chàng Trung úy người dân tộc Jrai có vóc người rắn rỏi và làn da sạm nắng. Anh là Siu Luân, quê ở xã Ia Glai, huyện Chư Sê. Luân cho biết: Anh làm nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Ia Lốp đã nhiều năm. Vợ con anh đang sinh sống tại huyện Krông Pa. Vì đặc thù công tác nên mỗi năm anh chỉ về thăm vợ con vài lần. Thảng hoặc, vợ mới bồng con lên thăm chồng một lần vì đường sá xa xôi, cách trở. Mặc dù hoàn cảnh gia đình không mấy thuận lợi vì vợ chưa có việc làm nhưng năm nào Luân cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong lúc nghỉ mát bên bờ suối Pa, tôi hỏi: “Năm nay, em có về ăn Tết cùng gia đình không?”. Luân cười hiền khô: “Em cũng chưa biết nữa. Chắc xung phong ở lại trực Tết thôi anh à”. Chỉ 10 phút trò chuyện, tổ công tác của Luân vội chào tạm biệt chúng tôi để tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Trong ánh hoàng hôn biên giới, bóng các chiến sĩ xa dần, xa dần, trước khi lẩn khuất vào bạt ngàn cánh rừng phía trước…

Tết ở nơi “đệ nhất khắc nghiệt”

Trên đường ra thăm cột mốc 40, tôi tranh thủ trò chuyện cùng Thiếu tá Phạm Văn Thanh về tình hình đơn vị. Với anh Thanh, đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng vùng Ia Mơr này có thể tóm gọn trong một từ: Khắc nghiệt! Vào mùa khô, lâu nay, vùng đất này vẫn được mệnh danh là “đệ nhất nóng”. Nóng như vốc than trong lò, như “nở hoa” con mắt! Khí hậu nóng bức, cộng với nước bị nhiễm vôi và đất đai bạc màu nên điều kiện sinh hoạt, tăng gia sản xuất gặp vô vàn khó khăn. Mùa khô gặp khó khăn bao nhiêu thì mùa mưa càng cơ cực, nguy hiểm bấy nhiêu. Phó Đồn trưởng dẫn chứng: Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua, sông Ia Lốp cuồn cuộn chảy, khu vực các đội công tác bị cô lập hoàn toàn, nước dâng lên tới 2 m làm ngập úng hết diện tích tăng gia sản xuất của đơn vị.

 Trên đường tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: D.L
Trên đường tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: D.L



Bên cạnh yếu tố tự nhiên khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ ở đây còn gặp không ít khó khăn vì ở xa khu dân cư. Trên địa bàn Đồn phụ trách chỉ có khu dân cư suối Khôn và làng Ring nhưng cách xa hàng chục cây số, khoảng cách đến Đồn Biên phòng Ea Hleo (tỉnh Đak Lak) hơn 15 km, trong khi đó phía nước bạn không có dân cư. “Cái khó ló cái khôn”, để tự túc nguồn thực phẩm, những năm qua, đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất và trở thành một trong những mô hình điểm của lực lượng Biên phòng toàn tỉnh. Thời điểm chúng tôi ghé thăm, đơn vị đã gầy dựng được 70 con bò, 1,2 ha ao cá, 1 ha rau xanh, gần 2 ha điều, 2 ha mì, hơn 70 con heo nuôi thả tập trung và đàn gia cầm hàng trăm con.

Ở nơi “đệ nhất khắc nghiệt” nên cái Tết của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp cũng khá đặc biệt. Trước Tết, các đoàn khách từ Trung ương đến các buôn làng quan tâm thăm hỏi, tặng quà và chúc Tết đơn vị. Không khí những ngày áp Tết vì vậy vô cùng rộn ràng, tấp nập, nồng ấm tình quân dân. Ở chiều ngược lại, Đảng ủy-Chỉ huy đơn vị cũng cử cán bộ, chiến sĩ đến thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo và ăn Tết cùng dân làng. Đêm Giao thừa năm nào đơn vị cũng tổ chức chương trình văn hóa văn nghệ, hái hoa dân chủ… nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhân lên niềm phấn chấn, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
*
...Trời nhập nhoạng tối, bên dòng Ia Lốp, chúng tôi tạm biệt Thiếu tá Thanh cùng cán bộ, chiến sĩ ở đây để tiếp tục chuyến hành trình biên giới cuối năm. Lướt qua những cánh rừng khộp thâm u trong chiều hanh hao gió, trong tôi chợt dâng lên tình cảm thật khó tả đối với những người lính trấn biên cả trên đất liền lẫn biển đảo xa xôi. Bởi lẽ, họ dường như không có cái Tết đoàn viên!

 DUY LÊ





 

Có thể bạn quan tâm

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

(GLO)- “Kết nối tình nguyện-cháy mãi nhiệt huyết của tuổi trẻ“ là phương châm hoạt động của nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau hơn 2 năm thành lập, nhóm không chỉ mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn là nơi các thế hệ cán bộ Đoàn gắn kết, “truyền lửa“ tình yêu với Đoàn.
Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

(GLO)- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung được các đơn vị trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Trong đó, mô hình “Vườn rau em chăm“ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn và khơi dậy tình yêu lao động trong học sinh.
Đôi vũ công đặc biệt

Đôi vũ công đặc biệt

(GLO)- Đến với khiêu vũ một cách tình cờ, đôi vận động viên (VĐV) Trần Nam Dũng-Lê Phương Thảo đã từng bước khẳng định vị thế ở môn thể thao đầy tính nghệ thuật này. Tấm huy chương bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi cùng tâm huyết của các vũ công.
Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

(GLO)- Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các phác đồ chữa trị mới, giúp người dân sớm phát hiện và điều trị ung thư tại chỗ. Một trong số đó là hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Tình nguyện mùa đông“ năm 2022 và “Xuân tình nguyện“ năm 2023. Trong 2 ngày (23 và 24-12), tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa và xã An Thành, huyện Đak Pơ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Ấm áp mùa đông“ năm 2022.
Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

(GLO)- Sau khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027) thành công tốt đẹp, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã đồng loạt tổ chức “Ngày thanh niên cùng hành động“. Trong đó, Gia Lai là 1 trong 7 điểm cầu được lựa chọn tổ chức cấp trung ương. Chuỗi hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

(GLO)- Sáng 18-12, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ phát động thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên (YEA). Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói“ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai và tỉnh Yên Bái.
Chung tay giúp trẻ em nghèo

Chung tay giúp trẻ em nghèo

(GLO)- Đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì chiếc áo ấm hay những đồ chơi tự chế rất có ý nghĩa. Thấu hiểu điều đó, chương trình “Áo ấm cho em“ đã trao tặng những chiếc áo ấm cùng những phần quà ý nghĩa cho trẻ em ở 2 huyện Ia Pa và Chư Păh (tỉnh Gia Lai).