Văn hóa

Infographic Trải nghiệm lễ hội dân gian Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phục dựng lễ mừng lúa mới giúp du khách đến với Lễ hội Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya có cơ hội trải nghiệm một trong những lễ hội dân gian độc đáo nhất của cư dân nông nghiệp Trường Sơn-Tây Nguyên.

dscf8065-5382.jpg

Nghi lễ văn hóa này được dân làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tái hiện vào sáng 9-11 tại sân nhà rông làng Ia Gri ngay dưới chân núi lửa Chư Đang Ya.

Người Bahnar mừng lúa mới

Để chuẩn bị cho lễ mừng lúa mới, người Bahnar làng Kon Sơ Lăl trải qua nhiều nghi thức. Trai gái được già làng phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các chàng trai chia thành nhiều nhóm lên rừng chặt tre, nứa làm vật dụng phục vụ nghi lễ. Nhóm phụ giúp già làng làm cây nêu, dàn cúng, kệ để đồ vật hiến tế. Nhóm khác chuẩn bị vật hiến sinh như heo, gà.

dscf7937.jpg
Niềm vui vào hội. Ảnh: MINH CHÂU

Trong khi đó, phụ nữ đeo gùi lên rẫy tuốt lúa, hái rau rừng. Những hạt lúa mới theo chân người về kho trên nhà rẫy, sáng sớm hôm sau mới được phụ nữ rước lúa về nhà rông của làng.

Tính cộng đồng của người Bahnar thể hiện rất rõ qua lễ hội. Cả làng nghỉ công việc một ngày, tập trung cho nghi lễ mừng lúa mới. Phụ nữ giã gạo, nấu cơm (gọi là cơm lúa mới). Còn các chàng trai chuẩn bị làm thịt heo, gà, lấy nước về phục vụ lễ hội. Tất cả sẵn sàng chuẩn bị cho nghi lễ quan trọng và thiêng liêng: lễ tạ ơn thần Lúa-biểu tượng của sự no đủ ngàn đời. Lễ vật dâng các vị thần linh gồm ghè rượu, thịt, gan gà, gan heo, cơm mới vừa nấu…

dscf7976.jpg
Phụ nữ giã gạo, nấu cơm gạo mới dâng lên các vị thần. Ảnh: MINH CHÂU

Người chịu trách nhiệm tâm linh cho lễ cúng lúa mới là già làng Khyơn. Ông đánh một trống, hú gọi dân làng. Đi quanh dàn cúng, vị già làng cất giọng: “Hỡi thần Lúa, thần Núi, thần Nước…Hôm nay, làng chúng tôi tổ chức lễ mừng lúa mới. Chúng tôi xin báo cho các thần về đây cùng ăn cùng uống. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, mời các thần về đây ăn gan gà, thịt gà, uống rượu ghè…Xin các thần phù hộ cho dân làng năm mới có nhiều bắp, lúa; mọi người được no ấm, khỏe mạnh, vui sướng hơn năm cũ”.

Sau khi khấn gọi các yàng, già làng Khyơn tiếp tục hướng về cội nguồn cất lời mời gọi ông bà tổ tiên cùng về chung vui với dân làng. Già làng không quên gửi gắm tâm tình của cộng đồng: “Xin ông bà tổ tiên hãy về đây ăn uống, chứng kiến, phù hộ cho dân làng mạnh như con trâu, nhanh như con sóc; người người khỏe mạnh không mắc bệnh tật, nhà nhà yên ổn. Xin ông bà tổ tiên giúp cho dân làng năm tới, lúa bắp nhiều hơn…”.

dscf8008.jpg
Con trai, con gái đều chung tay cho lễ hội. Ảnh: MINH CHÂU

Kết thúc nghi lễ, già làng uống ngụm rượu ghè đầu tiên, sau đó chuyền tay cho từng người già đến trẻ trong làng Kon Sơ Lăl. Khi tiếng hú dài của vị già làng vừa dứt, đội cồng chiêng làng Kon Sơ Lăl tiếp nối thanh âm gọi bầy bằng rộn rã tiếng chiêng cồng. Hội hè bắt đầu bằng những cang rượu hết vơi lại đầy quanh cây nêu, cùng những vòng xoang bất tận trong tiết trời đầu đông trên cao nguyên trong mùa lễ hội.

Trải nghiệm lễ hội Tây Nguyên

dscf8103.jpg
Du khách hòa mình vào lễ hội. Ảnh: MINH CHÂU

Không khí của những lễ hội dân gian Tây Nguyên tựa như một thức men làm say lòng người. Không ở đâu con người lại được sống chân thật và hồn nhiên như người Tây Nguyên sống trong lễ hội. Họ đặt xuống hết mọi thứ, cởi bỏ mọi ràng buộc, lo phiền về cuộc sống, nhẹ tênh đi vào cuộc hội. Tái hiện lại lễ mừng lúa mới của đồng bào Bahnar trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya đã mở ra một không gian hội hè như vậy để nhiều du khách có cơ hội được trải nghiệm tinh thần tự do, phóng khoáng mà cũng đầy dư vị của lễ hội dân gian Tây Nguyên.

Và không hổ danh là vùng đất của những “ma bùn” tí hon làm nên những màn tấu hề “vui hết nấc” trong các lễ hội, các em bé Kon Sơ Lăl có những màn hóa trang mãn nhãn. Các ma bùn góp vui cho cuộc hội bằng những cái lắc hông điệu nghệ, những tiếng hú gọi mời bước chân du khách rộn ràng nối rộng vòng xoang.

dscf8036.jpg
Những ma bùn góp sắc màu cho không gian hội hè. Ảnh: MINH CHÂU

Chị Võ Thị Thanh Thái-một du khách đến từ Bình Phước hòa nhịp rất nhanh cùng các nghệ nhân làng Kon Sơ Lăl trong những động tác uyển chuyển của điệu xoang truyền thống. Chị chia sẻ: “Tôi đến đây từ mấy ngày trước nên được trải nghiệm hầu hết các hoạt động, được tận hưởng không khí rộn ràng trước lễ hội. Được xem và trải nghiệm nghi lễ mừng lúa mới gắn với đời sống của đồng bào địa phương, tôi rất thú vị, rất đúng tinh thần hội hè. Vùng đất Chư Đang Ya này quá đẹp, hoa dã quỳ nở khắp nơi, bao phủ cả ngọn núi lửa và dãy núi xung quanh, nở trên khắp các cung đường. Có thêm những hoạt động văn hóa cho du khách trải nghiệm cùng bà con tạo cảm giác của lễ hội rất đúng nghĩa”.

Còn một nữ du khách lớn tuổi đến từ Đà Nẵng, bà Trịnh Thị Cẩm Lệ bày tỏ: “Giữa sự phát triển sôi động nhưng người dân ở đây vẫn giữ được những nghi lễ cổ truyền gắn với cây lúa thật là tuyệt vời. Tôi hy vọng người Tây Nguyên mãi giữ được bản sắc như vậy để không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của mình mà còn mang đến những trải nghiệm cho du khách bốn phương khi về cao nguyên trong lễ hội hoa dã quỳ này”.

dscf8094.jpg
Du khách trải nghiệm lễ hội dân gian Tây Nguyên tại Tuần lễ hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: MINH CHÂU

Tò mò tìm hiểu những đồ vật bà con làng Kon Sơ Lăl mang đến lễ mừng lúa mới, anh Võ Văn Đông-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh thích thú: “Có rất nhiều thứ lần đầu tiên tôi được trải nghiệm trong lễ hội, như việc các chàng trai chặt cây lồ ô bắt con sâu, hay cách họ dẫn nước về làng, cách họ làm cái kho lúa từ tranh tre rất chắc chắn mà chẳng cần đinh thép gì cả. Hình ảnh chàng trai ôm đàn goong tâm tình, người mẹ trẻ địu con giã gạo, hay gian bếp ám khói nhưng luôn nồng ấm… phần nào giúp chúng tôi hiểu hơn về đời sống đầy chất thơ của đồng bào Bahnar trên cao nguyên đại ngàn nắng gió”.

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: Huyền Trang

Gió qua sông…

(GLO)- Tôi ngồi trên một cù lao giữa thênh thênh sông nước miền Tây. Bốn bề ngăn ngắt màu xanh cây trái phủ sẫm cả một vùng. Con sông rộng mênh mông, phải nheo mắt mới nhìn thấy dáng phố xa xa khuất lấp sau những miệt vườn. Gió chênh chao lướt qua mặt sông.

Từ trái sang: 4 chị em người Bahnar Đinh Thị Hiền, Đinh Thị Hồng, Đinh Thị Hà, Đinh Thị Hương. Ảnh: M.C

Bốn chị em người Bahnar tâm huyết với văn hóa truyền thống

(GLO)- Cả 4 chị em gái trong một gia đình người Bahnar ở làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đều là thành viên nòng cốt của đội cồng chiêng nữ và câu lạc bộ dệt thổ cẩm của làng. Họ vừa là hạt nhân, vừa là chất xúc tác giúp cộng đồng giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa.

Lên núi trồng cây

Lên núi trồng cây

(GLO)- Tây Nguyên bước vào mùa khô với bầu trời trong vắt, gió lùa qua thảo nguyên và từng đám mây nhẹ trôi. Trên những đỉnh núi của cao nguyên bạt ngàn nắng gió, mùa xuân sắp chạm ngõ với tấm áo mới rạng ngời.

Bà Lê Thị Cẩm (tổ 1, phường Phù Đổng) chuẩn bị mứt gừng giao cho khách. Ảnh: Đ.L

Lưu giữ hương vị mứt truyền thống

(GLO)- Giáp Tết Nguyên đán, những người làm mứt truyền thống tại Trung tâm Thương mại Pleiku đang tất bật đẩy nhanh tiến độ sản xuất để phục vụ nhu cầu của người dân. Bao năm qua, họ vẫn gắn bó với nghề, lưu giữ hương vị mứt truyền thống, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Tác giả bên khối đá có nguồn gốc từ phế tích Chăm An Phú tại nhà thờ Phú Thọ. Ảnh: X.H

Phế tích Chăm ở An Phú: Bí ẩn vẫn còn nằm trong lòng đất

(GLO)- Phế tích Chăm ở xã An Phú (TP. Pleiku) được Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh khai quật khảo cổ học vào năm 2023 và năm 2024. Kết quả khai quật đã phác thảo diện mạo của một đền tháp Chăm cổ, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn chờ được khám phá.

Thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý

Phố núi tình thân

(GLO)- Pleiku đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Vẻ đẹp hoang sơ và tình cảm của con người nơi đây khiến không ít người tìm đến Pleiku như là một điểm dừng chân thú vị.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Hoài niệm Tết

(GLO)-Tết vừa gợi nên biết bao yêu thương nhưng cũng là nỗi lo của người lớn. Nhưng Tết hiện diện trong suy nghĩ của trẻ con thì khác, nó háo hức, chộn rộn trong tiếng cười, trong tiếng vỗ tay reo vui khi thấy mẹ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và mua bánh kẹo. Và, Tết luôn đầy màu sắc, đầy tiếng cười vui.

Xuân về khoe áo mới

Xuân về khoe áo mới

Tết đến, Xuân về ai cũng muốn mọi điều đều mới mẻ, tốt đẹp. Nên cùng với việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thì việc được quan tâm nhiều, háo hức nhiều là sắm sửa quần áo mới.

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Hoa mùa xuân

Hoa mùa xuân

(GLO)- Mùa này, trên khắp nẻo núi đồi, thung xa hay trong mỗi vườn nhà, những chồi non lộc biếc bắt đầu mởn xanh trong gió, rực rỡ đón chào năm mới.