Tổng kết phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp cụm Tây Nguyên năm 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 27-11, tại Khách sạn Tre Xanh, UBND TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp gắn với xây dựng đô thị phát triển bền vững và thân thiện với môi trường năm 2020 của cụm đô thị Tây Nguyên.  
Dự hội nghị có ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; bà Nguyễn Thị Kim Sơn-Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam; ông Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku; ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku, Phó Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku cùng đại diện lãnh đạo các đô thị thuộc cụm Tây Nguyên…
Cụm các đô thị Tây Nguyên hiện có 9 đô thị thành viên gồm: TP. Đà Lạt (Cụm trưởng, tỉnh Lâm Đồng); TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak); TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai); TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum); TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng); TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đak Nông); thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đak Lak); thị xã An Khê và Ayun Pa (tỉnh Gia Lai). 
Trong những năm qua, hệ thống đô thị trên cả nước có bước phát triển mạnh về số lượng; quy mô, chất lượng đô thị ngày càng được nâng cao. Hệ thống đô thị quốc gia đã đóng góp trên 80% cho sự tăng trưởng của kinh tế cả nước. Đô thị ngày càng được khẳng định vai trò động lực của quá trình phát triển kinh tế đất nước và mỗi đô thị thật sự là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội của địa phương, vùng, khu vực trên cả nước.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Năm 2020, Hiệp hội đô thị Việt Nam đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “Xây dựng đô thị phát triển bền vững và thân thiện môi trường” tạo mục tiêu để các đô thị phát triển, có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của phát triển đó là kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Mỗi đô thị có một chiến lược và chính sách phát triển khác nhau nhưng nhìn chung, các đô thị trong cụm Tây Nguyên phát triển rất năng động, biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển; tạo ra sự liên kết giữa các đô thị có chung vùng địa lý, chung lợi ích và giúp nhau nhằm tạo nên đô thị hiện đại, văn minh, có bản sắc dân tộc của từng vùng miền và một cộng đồng đô thị có cuộc sống ngày càng tốt hơn, hoàn thiện và bền vững hơn. 
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, cụm đô thị Tây Nguyên còn có những khó khăn nhất định như: quy mô, mật độ dân số đô thị còn thấp; sự phát triển mạnh và nhanh của các đô thị đã tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái; thách thức về bảo tồn văn hóa, bản sắc Tây Nguyên; ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế. 
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đô thị đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong công tác xây dựng và quản lý đô thị tại địa phương. Đồng thời, đề xuất Hiệp hội đô thị Việt Nam cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, công chức đô thị; hỗ trợ các đô thị thành viên tham gia các hoạt động như: hội thảo chuyên đề đô thị thông minh, phát triển bền vững; đối thoại các chính sách về xây dựng đô thị; hội thảo khoa học, các lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, công chức được tổ chức tại Việt Nam cũng như tham quan học tập ở nước ngoài để cập nhật thông tin, nắm bắt thời cơ, chia sẻ kinh nghiệm hay về xây dựng, phát triển và quản lý tốt đô thị, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong nước và nước ngoài…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên phát biểu tại hội nghị. Quang Tấn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên khẳng định, thời gian qua, TP. Pleiku luôn giữ vững vai trò là đầu tàu, là địa phương nổi bật nhất của tỉnh trong tăng thu ngân sách, thực hiện đồng bộ quy hoạch, xây dựng và đầu tư phát triển đô thị. Qua đó, TP. Pleiku đã từng bước hoàn thiện các tiêu chí để được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I tại Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 22-1-2020. Trong đó, việc phát động phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp gắn với xây dựng đô thị phát triển bền vững và thân thiện với môi trường là hết sức cần thiết và ý nghĩa. 
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị, thời gian tới, các đô thị tỉnh Gia Lai nói chung, Đảng bộ TP. Pleiku nói riêng tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp của cụm đô thị Tây nguyên năm 2021. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ mới; phấn đấu tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xây dựng thành phố phát triển đúng tầm là đô thị loại I; tập trung làm tốt công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh thực hiện quy hoạch thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 gắn với thực hiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh trên địa bàn…
Dịp này, Hội đồng thi đua, khen thưởng cụm đô thị Tây Nguyên đã bình chọn 5 đô thị tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp gắn với xây dựng đô thị phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Theo đó, 3 đô thị gồm, TP. Đà Lạt, TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ được đề nghị Hiệp hội các đô thị Việt Nam tặng bằng khen; TP. Pleiku và TP. Kon Tum được đề nghị Bộ Xây dựng tặng bằng khen. Ngoài ra, hội nghị cũng thống nhất chọn đô thị đăng cai tổ chức hội nghị năm 2021 là TP. Bảo Lộc.
QUANG TẤN-TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.