Không phẫn nộ sao được khi khối lượng sữa khổng lồ như thế đã được tuồn ra thị trường, vào các cửa hàng, chuỗi bán lẻ và đến tay người tiêu dùng trong một thời gian dài.
Với số lượng lớn như thế, đã có hàng vạn gia đình trở thành nạn nhân của những thứ sữa rởm được đóng trong những chiếc hộp hào nhoáng, với hàng loạt nhãn hiệu rất kêu, luôn bắt mắt và dẫn dụ người dùng bằng lời quảng cáo không thật.
Đúng là táng tận lương tâm khi những kẻ chủ mưu bất chấp tất cả để trục lợi.
Các dòng sữa này dành cho người bệnh, trẻ sinh non, bà mẹ mang thai… nên khi chúng không bảo đảm chất lượng sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đến sức khỏe của người dùng.
Hãy thử tưởng tượng những đứa trẻ sinh non, sức khỏe kém, suy dinh dưỡng nếu dùng lâu dài loại sữa này thì sẽ ra sao? Chúng có thể hủy hoại tương lai của đứa trẻ chứ đâu hề đơn giản là tốn tiền. Bà mẹ mang thai mà dùng sữa giả thì như thế nào? Thai nhi sẽ ra sao? Người bệnh đang vật vã, kiệt quệ vì chi phí y tế, dinh dưỡng mà gặp loại sữa này nữa thì… hậu quả thật khôn lường và không thể đo đếm được.
Gần 4 năm lưu hành, thu lợi 500 tỉ đồng, những kẻ này đã và đang sống phè phỡn trên nỗi đau đớn của người bệnh, giàu có trên sức khỏe của các bà mẹ và cả trẻ sơ sinh.
Từng ấy thời gian, những sản phẩm này dễ dàng tràn vào các thị trường từ Nam đến Bắc qua các hệ thống bán lẻ cùng với sự giúp sức của những người nổi tiếng tham gia quảng cáo và các TikToker.
Những người này là ai và tham gia quảng cáo với vai trò gì cần được các cơ quan chức năng sớm điều tra, xử lý để cảnh cáo vấn nạn cổ súy vô tội vạ cho các sản phẩm rởm đang ngày càng nhiều trên thị trường. Nên nhớ những người quảng cáo này là ăn chia trên sản phẩm bán được và được trả tiền thuê từ lợi nhuận của dòng sản phẩm bất chính này nên không thể vô can khi bỏ qua chất lượng mà cổ súy đưa sản phẩm đến người dùng. Họ là những người tiếp tay cho kẻ ác trục lợi người tiêu dùng.

Những dòng sản phẩm mới mà đặc biệt là thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 36 tháng tuổi luôn được pháp luật quy định nghiêm ngặt. Chỉ riêng sản phẩm sữa thôi, trước khi đưa ra thị trường, hồ sơ phải được nộp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định.
Điều kiện cấp gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm hoặc chứng nhận pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực phẩm; Bản công bố sản phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm; Phiếu kết quả kiểm nghiệm của sản phẩm trong vòng 12 tháng; Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm… Những thủ tục này liên quan đến nhiều cơ quan của các bộ, sở…
Thế nhưng, thật khó hiểu, những sản phẩm giả nguy hiểm này dễ dàng thông qua các cơ quan chức năng để có thể tung ra thị trường khá đơn giản. "Các cơ quan chức năng liên quan không biết, không có năng lực thẩm định hay vì lý do nào khác mà không ngăn chặn được sản phẩm này đến tay người tiêu dùng (!?). Ròng rã gần 4 năm lưu hành nhưng cả hệ thống kiểm soát an toàn, chất lượng thực phẩm cũng không hề hay biết cho đến khi lực lượng công an vào cuộc. Trách nhiệm này thuộc về ai? Tại sao có kẽ hở nguy hại như thế này? Hậu quả này giải quyết ra sao?... là vấn đề các cơ quan cần điều tra và có câu trả lời rõ ràng với dư luận.
Theo Gia Khang (NLĐO)