Sản xuất 573 loại sữa bột giả, 'tội ác chứ không chỉ đơn thuần là hám lợi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ trong 4 năm, nhóm bị can thành lập 11 công ty để sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột giả, phân phối ra thị trường và thu về gần 500 tỉ đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can để điều tra về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai người có vai trò cầm đầu là Hoàng Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma) và Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood).

Theo cáo buộc, trong 4 năm từ 2021 đến nay, nhóm bị can thông qua nhiều pháp nhân để sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả các loại ra thị trường, thu lợi bất chính gần 500 tỉ đồng.

Hàng ngàn hộp sữa bột giả các loại bị thu giữ để phục vụ điều tra. ẢNH: CA
Hàng ngàn hộp sữa bột giả các loại bị thu giữ để phục vụ điều tra. ẢNH: CA

"Ma trận" sữa bột giả

Cơ quan điều tra xác định, Hoàng Mạnh Hà, Vũ Mạnh Cường cùng đồng phạm đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột, dành cho rất nhiều đối tượng: người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng, phụ nữ có thai…

Nhóm bị can quảng bá sản phẩm chứa các chất như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó…; nhưng thực tế đều không có, thay vào đó là một số chất phụ gia. Về chất lượng, các dòng sữa bột này đạt dưới 70% mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

Đáng chú ý, để mở rộng thị trường tiêu thụ, ngoài 2 công ty do mình đứng tên làm giám đốc, bị can Cường và Hà còn liên doanh, liên kết dưới hình thức góp cổ phần với nhiều người khác, thành lập ra 9 công ty khác chuyên phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Theo dõi tin tức về vụ án, chị Hà (trú tại Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), đang nuôi con nhỏ 5 tuổi, phải thốt lên rằng hành vi của các bị can "là tội ác chứ không đơn thuần chỉ là hám lợi".

Người phụ nữ bày tỏ sự choáng váng trước quy mô sản xuất sữa bột giả, từ số lượng nhãn hiệu, số lượng công ty tham gia phân phối, phạm vi khách hàng, cho đến doanh thu. Với "ma trận" sữa giả như vậy, người tiêu dùng không biết đâu mà tránh.

"Đang bị tiểu đường, suy thận mà uống phải sữa bột giả thì bệnh tình sẽ ra sao. Bà mẹ mang thai uống sữa giả không chỉ ảnh hưởng đến mình mà cho cả đứa trẻ trong bụng. Thật không dám tưởng tượng", chị Hà bức xúc.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, dẫn quy định tại bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến tù chung thân, tùy thuộc vào số lượng hàng giả (tương đương với hàng thật, quy ra tiền) và tính chất, mức độ nguy hiểm.

Và không chỉ cá nhân, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này còn áp dụng với cả pháp nhân thương mại, trong đó phạt tiền từ 1 - 18 tỉ đồng hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Quang Linh Vlog và Hằng Du mục quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ kém chất lượng. ẢNH: T.H
Quang Linh Vlog và Hằng Du mục quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ kém chất lượng. ẢNH: T.H

Bán hàng giả online, đề xuất phạt đến 15 năm tù

Chế tài đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm đã cơ bản đảm bảo tính răn đe. Thế nhưng, vì hám lợi, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn bất chấp vi phạm.

Với sự phát triển của mạng xã hội, hình thức bán hàng trực tuyến đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Nhiều người nổi tiếng (Facebooker, Tiktoker…) được các nhãn hàng tìm đến như một kênh truyền thông hiệu quả để quảng bá, rao bán sản phẩm.

Hoạt động này nở rộ là vậy, song hành lang pháp lý và chế tài khi có vi phạm dường như chưa đủ sức nặng, khiến nhiều vụ việc bát nháo xảy ra. Điển hình như trường hợp Quang Linh Vlog và Hằng Du mục (đã bị khởi tố, bắt tạm giam) liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ.

Tại dự án bộ luật Hình sự sửa đổi đang được xây dựng, cơ quan soạn thảo - Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định phạt tù đối với hành vi bán hàng giả trực tuyến.

Theo đó, điều 193 dự thảo quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà "hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên" thì bị phạt tù 5 - 10 năm.

Tương tự, điều 192 của dự thảo về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, cũng bổ sung quy định người nào thực hiện hành vi này mà "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 tài khoản đến dưới 2.500 tài khoản theo dõi" thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 2 tỉ đồng, hoặc phạt tù 1 - 5 năm.

Nếu "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 2.500 tài khoản đến dưới 12.500 tài khoản theo dõi" thì bị phạt tù 5 - 10 năm. Nếu "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 12.500 tài khoản theo dõi trở lên" thì bị phạt tù 10 - 15 năm.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy ủng hộ đề xuất của Bộ Công an, cho rằng quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh hình thức bán hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử ngày càng được ưa chuộng.

"Người sử dụng nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là các trường hợp nổi tiếng, có nhiều tài khoản theo dõi, phải nâng cao ý thức trách nhiệm hơn. Nếu quảng cáo bất chấp, vô tội vạ, hậu quả pháp lý sẽ rất bất lợi", luật sư phân tích.

Theo Tuyến Phan (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Chặn thuốc giả lên 'chợ mạng'

Chặn thuốc giả lên 'chợ mạng'

Khi một viên thuốc không rõ nguồn gốc dễ dàng được rao bán trên mạng chỉ bằng vài dòng quảng cáo và một đoạn video 'review' nhiều lượt thích, điều bị xâm phạm không chỉ là sức khỏe của người tiêu dùng mà còn là niềm tin bị đánh tráo, trách nhiệm bị bỏ trống.

Làm giàu đừng bất nhẫn

Làm giàu đừng bất nhẫn

(GLO)- Có những người làm giàu được cả xã hội nể phục, bởi không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn góp sức để cộng đồng cùng phát triển. Họ chia sẻ lợi nhuận để làm công tác xã hội, giúp người nghèo, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Tạo giá trị mới cho trụ sở dôi dư

Tạo giá trị mới cho trụ sở dôi dư

Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, các địa phương trên cả nước đang gấp rút sắp xếp đơn vị cấp cơ sở và sáp nhập tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. 

Không phải lời xin lỗi nào cũng được tha thứ

Không phải lời xin lỗi nào cũng được tha thứ

(GLO)- Có những lời xin lỗi khiến người ta cảm động, song cũng có những lời xin lỗi mãi mãi không nhận được sự chia sẻ. Trường hợp của MC Bích Hồng-gương mặt từng quen thuộc trên sóng SCTV-là một ví dụ rõ ràng. Lời xin lỗi cô đưa ra không mang lại cảm thông mà chỉ khoét sâu thêm nỗi thất vọng.

Vì việc chọn người

Vì việc chọn người

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác, liên quan đến vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp.

Chuyển đổi công việc sau tinh giản

Chuyển đổi công việc sau tinh giản

Theo Bộ Nội vụ, quy mô công chức, viên chức dự kiến giảm 20%, tương đương 100.528 người (không tính viên chức y tế và giáo dục). Chủ trương tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước là đúng đắn.