Tại tọa đàm "Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho thanh thiếu niên Việt Nam", nằm trong khuôn khổ của Hội trại "Thanh niên Việt Nam: Làm chủ ngoại ngữ - Bản lĩnh hội nhập" năm 2024 do T.Ư Đoàn tổ chức, các bạn liên tục đặt câu hỏi cho diễn giả đến… vượt quá thời lượng của chương trình gần 1 tiếng đồng hồ; một đại biểu khi được MC mời đặt câu hỏi đã tỏ ra rất vui sướng bày tỏ: "May quá, cuối cùng em cũng đã được hỏi". Hay một đại biểu đến từ tỉnh Quảng Bình đã tận dụng cơ hội để ngỏ lời tha thiết mời các diễn giả tài năng về với quê hương của mình… Tất cả các bạn đều rất quan tâm và đau đáu về việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, hội nhập quốc tế.
Tự tin hội nhập, vươn mình ra thế giới
Phát biểu khai mạc Hội trại "Thanh niên Việt Nam: Làm chủ ngoại ngữ - Bản lĩnh hội nhập" năm 2024, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Phó chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN, cho biết trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trở thành một yêu cầu hết sức quan trọng và bức thiết đối với thanh niên Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, năm 2018, T.Ư Đoàn ban hành Đề án "Nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu niên Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2022" và sau đó là Chương trình "Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030".
Anh Lâm cho biết kể từ khi được đưa vào triển khai, nhiều nội dung phong phú đã được tổ chức. Và Hội trại "Thanh niên Việt Nam: Làm chủ ngoại ngữ - Bản lĩnh hội nhập" năm 2024 là một nội dung nổi bật trong các chương trình đó.
"Tôi tin tưởng rằng thông qua hoạt động 2 ngày tới, các bạn đại biểu thanh niên sẽ có cơ hội giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm học ngoại ngữ của mình, qua đó lan tỏa được tinh thần học tập, rèn luyện tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung, tự tin hội nhập, vươn mình ra thế giới. Tôi hy vọng rằng, thông qua việc tham gia hội trại, toàn bộ gần 100 đại biểu sẽ trở thành một cộng đồng, kết nối với nhau bằng tình bạn, bằng tri thức và quan trọng nhất là bằng khao khát lan tỏa tinh thần rèn luyện ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi toàn quốc", anh Nguyễn Tường Lâm nhận định.
Chỉ có ngoại ngữ, đã đủ để hội nhập ?
Tại tọa đàm, anh Trần Tuấn Đạt (36 tuổi), nghệ danh là Thầy Beo U.40 (MC song ngữ; người sáng tạo nội dung; KOL nổi tiếng; nguyên Phó trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM), chia sẻ về bí quyết giúp bản thân có được hành trình từ khi cuốn hộ chiếu đầu tiên của anh là không có dấu mộc nào cho đến hiện tại đã thay đổi gần 40 cuốn. Anh Đạt kể ngay từ năm nhất ở Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, anh đã cảm thấy may mắn vì bước vào môi trường mà mọi người đều rất giỏi. Cũng chính vì thế, anh biết mình cần phải làm những gì trong bước đường tiếp theo.
"Học Khoa Quan hệ quốc tế, mọi người có giải quốc gia, đạt huy chương vàng các kỳ thi Olympic tiếng Anh hay IELTS 8.5, 9.0 ở năm nhất là điều bình thường. Vì vậy mình cần thật sự nghiêm túc nhìn vào gương và nhìn ra những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để mỗi ngày khắc phục và tốt hơn một ít. Ngoài việc rất cố gắng, kiên trì, nỗ lực thì mình rất có kỷ luật với tất cả những kế hoạch, mục tiêu đã đặt ra", anh Đạt chia sẻ về động lực và bí quyết giúp anh có được như ngày hôm nay.
Trước câu hỏi của một đại biểu đến từ Hải Phòng về bí quyết học tốt ngoại ngữ, Thầy Beo U.40 kể anh thường xem những bài phỏng vấn của các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới hay thông tin của thần tượng bằng tiếng Anh, hay thậm chí là "hóng" các "drama" của thần tượng bằng tiếng Anh… Theo anh Đạt, như thế vừa có thể "đu" idol, có thời gian cho sở thích mà cũng tạo được thói quen tận dụng 24 tiếng đồng hồ một ngày một cách tốt nhất để học hỏi, trau dồi ngoại ngữ. Và đó cũng là cách mà anh Đạt đã áp dụng từ nhỏ đến bây giờ.
Với thắc mắc giỏi ngoại ngữ thì đã có thể hội nhập chưa, anh Đạt cho rằng ngoài ngoại ngữ thì một trong những điều giúp bản thân anh có thể đi được nhiều và xa như vậy xuất phát từ lòng tự hào khi là một công dân Việt Nam.
"Nếu lên mạng xã hội và tìm kiếm cụm từ "những chương trình giao lưu quốc tế cho công dân Việt Nam" sẽ có rất nhiều kết quả. Nên hãy tin rằng, nếu như các bạn mong muốn được tham gia các chương trình hội nhập như vậy, thì hãy xuất phát từ lòng yêu nước rằng mình muốn lan tỏa đất nước của mình đến với mọi người, từ đó bạn sẽ có rất nhiều sự chuẩn bị cho những chuyến đi và việc hội nhập của bản thân", Thầy Beo U.40 nhắn gửi.
Còn anh Nguyễn Mạnh Hào, Tổng giám đốc Hệ thống Anh ngữ quốc tế AMES, cho rằng bên cạnh ngoại ngữ, trong thời buổi công nghệ số, mọi khía cạnh đều có sự trợ xuất hiện của trí tuệ nhân tạo thì điều quan trọng nhất để người trẻ có thể hội nhập là kỹ năng làm việc, hợp tác giữa người và người.
"Nếu chúng ta có thể hợp tác và thấu hiểu được nhau thì tất cả mọi khó khăn đều vượt qua được. Chúng ta rất giỏi nhưng nếu không thể kêu gọi được người khác đồng hành, hỗ trợ thì cũng không thể thành công, vì năng lực của con người là có giới hạn. Rèn luyện kỹ năng mềm để làm sao chúng ta hợp tác với nhau là điều rất quan trọng, ngoài kỹ năng ngoại ngữ", anh Hào nhấn mạnh.
Thạc sĩ Hoàng Minh Thông, Tổ trưởng Tổ phát triển chương trình Đào tạo và đảm bảo chất lượng; Tổ phó Tổ tiếng Anh, Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhắn gửi đến các bạn trẻ: "Những thứ mà các bạn mong muốn, những điều mà chúng ta lo sợ sẽ không làm được, trong đó có năng lực ngoại ngữ thì cứ hãy bắt đầu làm từ những điều nhỏ nhất, nếu sai thì sửa, nếu vấp ngã thì đứng lên và tiếp tục những hành động tiếp theo".
Nội lực là điều rất quan trọng
Là bạn trẻ đại diện thanh niên Việt Nam tham gia rất nhiều chương trình giao lưu quốc tế, Võ Lập Phúc, thủ khoa kép Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể năm 2022 vinh dự khi được là 1 trong 2 đại diện thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ tham dự lễ tiếp kiến lãnh đạo cấp cao ASEAN. Chính từ cột mốc này đã mở ra cho Phúc rất nhiều cơ hội.
Nói về bí quyết nắm bắt cơ hội, Phúc nói: "Chúng ta học tiếng Anh và mong muốn có cơ hội tham gia hội nhập quốc tế, thì trước hết phải có tư duy, chuyển đổi về tư duy sẽ dẫn đến chuyển đổi hành động. Khi chúng ta ứng tuyển một chương trình nào đó về hội nhập quốc tế, AI có thể dùng từ giỏi hơn chúng ta nhiều, Google có thể đưa ra những thông tin thuyết phục hơn… điều gì khiến cho bài luận của bạn trở nên riêng biệt và khác biệt, đó chính là câu chuyện của cá nhân mình. Chỉ có câu chuyện và tư duy mới là thứ để chúng ta trở nên khác biệt". Đồng thời Phúc cho rằng không ai có thể vẽ đường biên của khát vọng và nỗ lực của mỗi chúng ta, chỉ có chúng ta mới vẽ được đường biên khát vọng đó cho riêng bản thân mình.
Làm chủ ngoại ngữ, bản lĩnh hội nhập xuất phát từ đâu? Theo Phúc, nội lực của chính mình là điều quan trọng nhất, nếu chúng ta không có nội lực, hay thực lực mà chỉ có những ước mơ và khát vọng rằng "tôi bản lĩnh, tôi tự tin hội nhập" thì cũng chỉ là viển vông. "Hội nhập quốc tế là khi chúng ta trau dồi nội lực của chính bản thân mình, vững vàng hơn, tự tin hơn để chúng ta khẳng định rằng tôi có thể", Phúc bày tỏ.
Điều đặc biệt mà Phúc muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là: "Chúng ta trau dồi ngoại ngữ, rèn luyện bản lĩnh hội nhập, đi nhiều, leo lên cao, bước đi xa cốt không phải để thấy bản thân mình giỏi như thế nào, ưu tú nổi bật ra sao. Mà đứng trên đỉnh cao đó là để thấy quê hương, đất nước của mình đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới, và rồi để định vị được tọa độ của bản thân mình đang ở đâu. Như vậy học tiếng Anh nhiều, đi hội nhập nhiều phải xuất phát từ lòng yêu nước".
Cũng tại chương trình, Phúc bật mí hiện tại ngoài châu Nam Cực thì anh chàng có bạn bè ở đủ các châu lục trên thế giới. Mọi người ai cũng trầm trồ vì chia sẻ này của Phúc, và anh chàng bật mí: "Xuất phát điểm của mình không phải là vì giỏi nên làm bạn được nhiều người. Tôi giỏi không có nghĩa tôi sẽ kết nối được nhiều người, mà câu chuyện của mình có được bạn bè trên khắp nơi trên thế giới, tự tin hội nhập vì mình tôn trọng sự khác biệt của bạn, mình thấy trong sự khác biệt của chúng ta thật đẹp và chúng ta thấy xứng đáng để trao cơ hội để cùng tồn tại, cùng đa dạng, phát triển và trở nên tốt hơn".
Theo Nữ Vương (TNO)