Người trẻ sôi nổi bình luận về xu hướng kết hôn sau tuổi 30

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tới 62% bạn trẻ lựa chọn kết hôn sau tuổi 30 vì vẫn còn nỗi lo cơm áo gạo tiền; 18% bạn trẻ cho rằng kết hôn muộn vì chưa tìm được đối tượng phù hợp. Liệu thế hệ trẻ đang dần định hình những suy nghĩ mới về độ tuổi kết hôn và biến kết hôn muộn thành một xu thế?

Số liệu trên được trích dẫn từ một khảo sát nhanh trên fanpage VTV24 với hơn 400 nghìn bạn trẻ trả lời. Hay, trong nghiên cứu về "Xu hướng kết hôn ở Việt Nam và khu vực Đông Á: Hai thập niên nhìn lại" của Trần Thị Minh Thi (Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, 2022), trong 4 năm trở lại đây số lượng kết hôn giảm liên tiếp, trong đó hai năm 2020 - 2021 có số cuộc kết hôn thấp nhất.

Bàn về xu hướng kết hôn muộn sau tuổi 30, nhiều người trẻ đã sôi nổi bình luận và đưa ra các ý kiến khác nhau trên fanpage khảo sát.

Bạn Nguyễn Thu Hà bày tỏ: "Mình chọn kết hôn muộn vì muốn trải nghiệm nhiều hơn nữa. Người trẻ thường chưa thể chịu trách nhiệm cho việc duy trì một gia đình (từ kinh tế gia đình, chăm sóc gia đình nhỏ rồi đến họ hàng gia đình chồng). Bây giờ, chúng mình ưu tiên cho bản thân hơn là việc chịu trách nhiệm cho một bên khác. Miễn là cảm thấy hài lòng với cuộc sống đang có thì đều tốt cả. Kết hôn nên là khi mình chọn để hạnh phúc, chứ không vì bị bắt buộc".

Người trẻ sôi nổi bình luận về xu hướng kết hôn sau tuổi 30. Ảnh minh họa: Internet

Người trẻ sôi nổi bình luận về xu hướng kết hôn sau tuổi 30. Ảnh minh họa: Internet

Còn bạn Đào Ngọc Khánh Linh nhìn nhận: "Dù đã kết hôn và có con nhưng tôi phải thừa nhận, tài chính là vấn đề trở ngại rất lớn đối với nhiều người trẻ. Nay, thu nhập không chạy đua nổi với chi phí đắt đỏ. Vì vậy, thay vì hỏi vì sao các bạn chưa kết hôn, mình nghĩ nên có những chính sách giải quyết vấn đề mất cân bằng giữa thu nhập và chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn thì phần nào sẽ giúp các bạn trẻ cảm thấy yên tâm hơn khi lập gia đình, có con".

Đồng quan điểm, bạn Duyên Trần cũng bình luận: "Người trẻ bây giờ chịu quá nhiều áp lực, đến tiền tiêu xài cho bản thân đôi khi còn không đủ. Việc chi tiêu cho cả một gia đình, đặc biệt là gia đình có con nhỏ cực kỳ tốn kém. Vì thế, việc kiếm tiền để chi tiêu thôi còn áp lực, chứ chẳng bao giờ mơ nghĩ đến mua nhà mua xe nếu không có ông bà, cha mẹ hỗ trợ. Chắc đó cũng là một nguyên nhân lớn ảnh hưởng lên tâm lý chưa muốn kết hôn của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nam".

Tham gia bình luận, bạn Loan Võ nêu quan điểm rằng: "Mình 26 tuổi, xung quanh ai cũng giục mình lấy chồng. Nhưng hằng tháng bản thân mình có quá nhiều khoản phải chi, ngoài khoản chi tiêu cá nhân, mình còn tiền thuốc, tiền khám bệnh, tiền bảo hiểm... Thu nhập của mình nhiều khi lo cho mỗi bản thân còn bấp bênh.

Mình lớn lên trong gia đình thuần nông, bố mẹ suốt ngày cãi nhau vì áp lực kinh tế. Nên thật sự, thời điểm này mình chưa dám nghĩ tới chuyện lập gia đình. Giờ ai cũng khuyên lấy chồng đi đã rồi về cùng nhau gây dựng, nhưng khi bản thân chưa cảm thấy đủ vững vàng (nhất là về kinh tế) thì mình chưa tính đến".

Nói về việc chưa tìm được đối tượng phù hợp, bạn Hoang Dung đưa ra ý kiến: "Để tìm được một nửa hoàn hảo chúng ta sẽ phải gặp những mảnh ghép chưa hoàn hảo, những mảnh ghép cho chúng ta biết thế nào là tổn thương, là mạnh mẽ, là buồn bã, là học cách tự yêu chính mình trước tiên, rồi người ấy sẽ xuất hiện thôi...".

Còn bạn Nguyễn Khánh Chi nhận thấy: "Ở cơ quan mình, mình là người trẻ nhất. Mình chọn tăng ca (OT) 6/7 ngày 1 tuần. Mình thì bình chân như vại, mình chưa thấy muốn có chồng lắm. Phần vì mình yêu công việc, muốn dành thời gian trống để bồi đắp thêm các kỹ năng cần thiết. Phần vì do đặc thù công việc, mình tiếp xúc khá nhiều người, nghe được nhiều chuyện buồn trong tình yêu, nên mình lại giảm hứng thú hay chủ động đi tìm người yêu.

Mình quan niệm, chạy tình thì tình theo, nên biết đâu trong “cuộc sống deadline”, mình lại tìm được ai đó giúp mình có những “nhịp thở” đều đặn hơn, cân bằng hơn… trong cuộc sống hối hả này…".

Theo Diệu Nhi (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng làng Sur A (xã Ia Ko) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe sinh sản với chị Rơ Mah Beh (thứ 2 từ phải sang). Ảnh: Q.T

Chư Sê đẩy mạnh truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới

(GLO)- Sau hơn 3 năm triển khai Dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, hoạt động tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Chư Sê đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Người trẻ ngày càng mất tập trung?

Người trẻ ngày càng mất tập trung?

Nhiều ý kiến cho rằng trong thời đại công nghệ số, khi thông tin tràn lan và dễ dàng tiếp cận, khả năng tập trung của người trẻ ngày càng giảm dần. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và làm việc mà còn tác động đến chất lượng cuộc sống.
Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Phạm Diệu Linh (30 tuổi) đã quyết định về miền quê tại tỉnh Sơn La làm vườn và lập nghiệp. Tại đây, chị thuê một mảnh vườn gần 1.000 m2, sau đó tự thiết kế, trồng trọt, biến nơi đây đẹp tựa các phim về đồng quê ở châu Âu để sống chậm với thiên nhiên.
Đừng vội nản lòng

Đừng vội nản lòng

(GLO)- Ai trồng cây cũng mong đến ngày hái quả. Người ta khi làm việc gì cũng đều mong gặt hái được kết quả. Điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi. Vậy nên, đừng vội nản lòng khi kết quả mình mong đợi chưa đến.