
Em Nguyễn T.N. (lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho biết: Mơ ước của em là trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Hùng Vương. Gia đình cũng rất kỳ vọng ở em nên từ đầu kỳ nghỉ hè, em đã bắt đầu lao vào ôn luyện với lịch học dày đặc, thậm chí nhiều bữa không kịp ăn để đến lớp. “Nỗi lo không đậu trường chuyên luôn ám ảnh tâm trí khiến em bị đau đầu, mất ngủ, thậm chí còn bị đau dạ dày”-em N. tâm sự.
Còn với em Trần Hoàng N. (lớp 11, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Ia Grai), áp lực tâm lý lại đến từ vấn đề khác. Em cho hay: “Gần đây, mỗi khi lên mạng xã hội, em thấy bàn luận rất sôi nổi về việc AI sẽ lấy đi cơ hội việc làm của rất nhiều người. Bởi vậy, em cũng cảm thấy lo lắng, sợ rằng sau này học xong sẽ không xin được việc làm. Nhưng nếu không học thì mọi thứ còn tệ hơn. Những suy nghĩ như vậy cứ lẩn quẩn trong đầu khiến em luôn bất an”.
Là giáo viên, người viết có dịp tiếp xúc, trò chuyện với nhiều học trò. Không ít học sinh tâm sự đang phải chịu quá nhiều áp lực từ việc học hành, thi cử, các mối quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội cũng như việc dạy dỗ từ gia đình, nhà trường. Là lứa tuổi nhạy cảm nên các em rất dễ bị tác động tâm lý dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng quá mức.
Có rất nhiều yếu tố làm gia tăng những căng thẳng tâm lý ở trẻ. Sự kỳ vọng của gia đình hoặc của chính bản thân vừa là động lực để các em vươn lên, song cũng vừa tạo nên những áp lực nặng nề. Sức ép phải đậu trường chuyên, đại học tốp đầu khiến nhiều em lao vào học ngày, học đêm, lo lắng triền miên và có quá ít thời gian nghỉ ngơi, ăn uống không đủ chất gây ra những rối loạn cơ thể. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ rối loạn lo âu.
Ngoài ra, sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè, từ tình bạn đến tình yêu; xung đột, đổ vỡ trong các mối quan hệ cũng là những yếu tố dễ dẫn đến stress, thậm chí trầm cảm. Một số em ở lứa tuổi này có biểu hiện rối loạn hành vi như: nói dối, trộm cắp, bỏ học, bỏ nhà đi qua đêm…
Mỗi đứa trẻ đều có thể gặp những vấn đề riêng, có những áp lực vô hình phải gánh chịu. Vì thế, sự quan tâm sát sao từ người lớn là cần thiết, nhất là việc động viên trẻ nói ra vấn đề của mình và tìm cách giải quyết. Người lớn tôn trọng trẻ, cha mẹ làm bạn cùng con, thầy cô đồng hành với học trò, cùng kiến tạo một môi trường sinh hoạt, học tập lành mạnh, hạnh phúc là gốc rễ để giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó cũng cần thiết kế một chương trình giáo dục đồng bộ, vừa sức xuyên suốt các cấp học, làm sao để “ngày mai đi thi, hôm nay trẻ vẫn có thể đi đá bóng, giúp cha mẹ việc nhà” như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh về quản lý dạy thêm, học thêm vừa qua.
Hiện nay, tại các trường học đều có tổ tư vấn tâm lý hoạt động thường xuyên. Đây là nỗ lực của ngành Giáo dục nhằm hỗ trợ tâm lý tốt nhất cho học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện ở trường phổ thông. Việc kiện toàn và đưa vào hoạt động một cách thực chất các tổ tư vấn tâm lý này sẽ giúp nắm bắt kịp thời diễn biến tâm lý của học sinh, từ đó có những hỗ trợ hiệu quả và tích cực hơn.
Bên cạnh đó, gia đình cũng cần dành thêm nhiều thời gian cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội, phong trào thể dục thể thao… giúp trẻ hình thành một lối sống tích cực và lành mạnh. Việc tham gia các phong trào nên hướng đến mục đích giải trí, rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần chứ không nên nặng về thi thố và tìm kiếm thành tích.
Giáo dục trẻ bằng trí tuệ và tình thương là hạt giống gieo trồng hạnh phúc. “Trường học hạnh phúc-giờ học hạnh phúc” là phong trào thi đua sôi nổi của các trường học hiện nay nhằm hướng tới mục tiêu đào tạo một thế hệ thanh niên có sức khỏe, trí tuệ, tâm hồn, đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu. “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”-tin chắc rằng điều đó sẽ sớm thành hiện thực.