Người trẻ đi học... nói

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, nhiều người trẻ có xu hướng tìm đến các lớp học luyện nói với mong muốn cải thiện kỹ năng này của bản thân.

Những lớp luyện nói vốn tưởng chỉ dành cho những đối tượng có định hướng làm phát thanh viên, biên tập viên truyền hình hay người dẫn chương trình chuyên nghiệp…, nay lại thu hút một lượng lớn học viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau và đa phần là người trẻ.

Người trẻ tham gia một lớp học nói.ẢNH: THỤC HIỀN
Người trẻ tham gia một lớp học nói.ẢNH: THỤC HIỀN

Lấy lại sự tự tin khi nói

Mai Phú Minh (25 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) hiện là tư vấn viên của một công ty tại TP.HCM. Đặc thù công việc của Minh là làm việc với khách hàng thông qua giao tiếp trực tiếp hoặc qua điện thoại.

Minh chia sẻ: "Mình là người ở tỉnh Thái Bình và bị mắc lỗi phát âm "n", "l". Đôi khi bị bạn bè trêu, mình thấy mất tự tin và trở nên rụt rè hơn trong giao tiếp. Bên cạnh đó, công việc của mình cũng đòi hỏi một giọng nói dễ nghe, tròn vành rõ chữ, nên lỗi phát âm này ảnh hưởng khá nhiều đến công việc. Vì vậy, giữa năm 2023, mình đã tìm hiểu và theo học một lớp luyện giọng tại TP.HCM".

Khóa học của Minh với học phí 2,5 triệu đồng, gồm 5 buổi, mỗi buổi kéo dài từ 1,5 - 2 tiếng. Trong đó, sẽ có các nội dung như sửa các lỗi: bẹt nguyên âm, nói lắp, quá nhanh, đớt hoặc bị dính chữ và luyện ngữ điệu để giọng trở nên cảm xúc hơn.

Nguyễn Hoàng Ngọc Anh học luyện nói để bản thân ngày một hoàn thiện hơn. ẢNH: THỤC HIỀN
Nguyễn Hoàng Ngọc Anh học luyện nói để bản thân ngày một hoàn thiện hơn. ẢNH: THỤC HIỀN

Sau khi học, Minh cảm thấy giọng nói của mình có sự cải thiện rõ rệt. Không chỉ biết cách điều chỉnh những từ ngữ bị ngọng, Minh thấy tình trạng hụt hơi khi nói dài, nói nhiều giảm hẳn và bản thân biết nhấn nhá hơn trong những câu chữ của mình. Từ đó, Minh lấy lại sự tự tin và mạnh dạn hơn khi giao tiếp. Nhờ vậy, công việc của Minh cũng có nhiều chuyển biến tích cực hơn.

Nguyễn Hoàng Ngọc Anh (27 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết cô là người có chất giọng miền Tây nên thường gặp lỗi phát âm bẹt. Mặc dù chưa gặp vấn đề gì trong công việc và cuộc sống với lỗi phát âm này, tuy nhiên cô nàng vẫn đăng ký một khóa luyện nói để khắc phục lỗi phát âm cũng như rèn luyện giọng cho hay, mượt mà và có sự thu hút hơn.

Đây cũng là một trong những mục tiêu mà các bạn trẻ hướng đến khi ghi danh vào những khóa luyện kỹ năng nói. Bên cạnh việc sửa lỗi phát âm, các bạn còn mong muốn cải thiện giọng sao cho nói khỏe, hay, truyền cảm hơn. Ngoài ra, các bạn sẽ học cách tự tin, phong thái đĩnh đạc, biết sắp xếp nội dung bài nói ngắn dài, đặt câu hỏi, tương tác và xây dựng phong cách cá nhân trong giao tiếp…

Một buổi học luyện nói. ẢNH: THỤC HIỀN

Một buổi học luyện nói.

ẢNH: THỤC HIỀN

Nhu cầu học nói ngày càng cao

Hiện nay, các cơ sở có 2 hình thức dạy luyện nói là trực tuyến và trực tiếp tại trung tâm. Các khóa học thường gồm 1 giáo viên và từ 1 - 10 học viên. Nội dung gồm có luyện cột hơi, phát âm, ngữ điệu, hướng người học sửa các lỗi như ngọng âm "l", "n" hay sai nguyên âm "e" thành "ie", "o" thành "oa"…, và một vài vấn đề gây khó chịu cho người nghe như nói quá nhanh, quá chậm, dính chữ, lắp...

Mỗi nội dung như thế, giáo viên sẽ chỉ ra phương pháp chỉnh sửa lỗi trực tiếp cho từng người dựa trên giọng nói của họ. Ngoài ra, còn có thêm khóa học nâng cao, hướng dẫn những kiến thức về giao tiếp, kỹ năng kết hợp giọng nói và ngôn ngữ hình thể, nói trước đám đông…

Chúng tôi đến lớp luyện nói tại đường Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) vào buổi học cuối cùng trong khóa học luyện giọng cơ bản với nội dung nhấn âm để tạo nhịp điệu cho câu nói. Lớp học có 10 học viên và 1 giáo viên hướng dẫn. Bắt đầu buổi học, giáo viên hướng dẫn giải thích lý do vì sao nên nói có trọng âm, nhấn nhá giọng để không bị nhàm chán và cuốn hút người nghe khi giao tiếp. Tiếp theo, các học viên thực hành những đoạn hội thoại theo chủ đề có sẵn và vận dụng kỹ năng này để kể về một câu chuyện của bản thân sao cho hấp dẫn nhất. Sau mỗi bài thực hành như vậy, giáo viên hướng dẫn sẽ chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của từng người để học viên điều chỉnh chất giọng của mình.

Học viên Nguyễn Thị Thảo Duyên (25 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay: "Trước đây, tôi thường gặp tình trạng hụt hơi khi diễn đạt câu dài và thấy mình nói chuyện chưa được cuốn hút. Vì vậy, tôi chưa tự tin lắm trong công việc cũng như cuộc sống hằng ngày khi giao tiếp. Sau 3 buổi học, tôi biết kiểm soát được hơi trong giọng nói, nhấn nhá trọng âm và cải thiện ngữ điệu khi phát âm…".

Ông Huỳnh Thiện Trung, Giám đốc Công ty TNHH Nói Connect (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết học viên học luyện nói thường trong độ tuổi từ 26 - 36 và dường như ngành nghề nào cũng có. Trong đó, chỉ khoảng 10% học để phục vụ công việc như lồng tiếng, dẫn chương trình và có tới 70% các bạn trẻ đi học nhằm cải thiện chất giọng giúp bản thân tự tin hơn trong giao tiếp.

Ông Trung nhận định: "Hiện nay người trẻ có sự quan tâm đặc biệt đến việc trang bị hoặc cải thiện kỹ năng của bản thân, trong đó có kỹ năng nói, để luôn sẵn sàng cho các cơ hội nghề nghiệp và từng bước xây dựng một phiên bản tốt nhất của chính mình. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc trang bị khả năng giao tiếp chuyên nghiệp với kỹ năng nói tốt chắc chắn sẽ là một "điểm cộng" lớn cho người trẻ ở bất kỳ vị trí công việc nào".

Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH định hướng và phát triển bản thân Quang Tâm Group (TP.HCM), cũng cho biết khi mở lớp luyện giọng, công ty hướng đến đối tượng là các bạn làm nghề coaching (khai vấn), livestreamer (người phát trực tiếp) hay những nghề nghiệp liên quan nhiều đến giọng nói. Tuy nhiên, sau 4 năm đào tạo, lớp luyện giọng ghi nhận rất nhiều bạn trẻ có nhu cầu chuyển hóa giọng nói để cải thiện bản thân chứ không chỉ phục vụ nghề nghiệp.

Theo Thục Hiền (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng làng Sur A (xã Ia Ko) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe sinh sản với chị Rơ Mah Beh (thứ 2 từ phải sang). Ảnh: Q.T

Chư Sê đẩy mạnh truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới

(GLO)- Sau hơn 3 năm triển khai Dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, hoạt động tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Chư Sê đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Người trẻ ngày càng mất tập trung?

Người trẻ ngày càng mất tập trung?

Nhiều ý kiến cho rằng trong thời đại công nghệ số, khi thông tin tràn lan và dễ dàng tiếp cận, khả năng tập trung của người trẻ ngày càng giảm dần. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và làm việc mà còn tác động đến chất lượng cuộc sống.
Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Phạm Diệu Linh (30 tuổi) đã quyết định về miền quê tại tỉnh Sơn La làm vườn và lập nghiệp. Tại đây, chị thuê một mảnh vườn gần 1.000 m2, sau đó tự thiết kế, trồng trọt, biến nơi đây đẹp tựa các phim về đồng quê ở châu Âu để sống chậm với thiên nhiên.
Đừng vội nản lòng

Đừng vội nản lòng

(GLO)- Ai trồng cây cũng mong đến ngày hái quả. Người ta khi làm việc gì cũng đều mong gặt hái được kết quả. Điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi. Vậy nên, đừng vội nản lòng khi kết quả mình mong đợi chưa đến.