Tìm lại những anh hùng: Vàng A Sình trên đỉnh Ngài Chồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần đầu tiên chúng tôi ghé nhà ông là buổi chiều đầu năm 2020. Chạy xe 40 km từ TP.Lai Châu lên xã Phìn Hồ (H.Sìn Hồ, Lai Châu), đi bộ cả tiếng đồng hồ mới tới bản Ngài Chồ.

Hỏi nhà anh hùng Vàng A Sình, mấy đồng bào H'Mông chỉ căn nhà đầu bản và khoe: "Bản này may có ông anh hùng nên mới có đường bê tông xe máy, ống dẫn nước sạch".

Đầu năm 2024, lên lại bản Ngài Chồ gặp anh hùng Vàng A Sình, ông hào hứng: "Chuối cũng bắt đầu có giá. Mận cũng sắp ra quả. Năm nay, người dân của bản này có nguồn thu, không vất vả như ngày xưa rồi".

Vừa nấu cơm vừa bắn súng

Ngài Chồ nằm trên đỉnh núi cao gần 1.500 m thuộc dãy núi Pu Sam Cáp. Bao đời, người H'Mông ở Ngài Chồ bám núi để sống, hiếm lắm mới cắt rừng đi bộ cả ngày đường xuống Huổi Luông đổi muối, nên ai cũng quắt lại. Vàng A Sình sinh năm 1954, nhập ngũ tháng 10.1976 khi đã 22 tuổi. Đấy là năn nỉ mãi, bởi Sình lúc ấy chỉ 39 kg và cũng bởi từ khi lập nước 9.1945, bản Ngài Chồ chưa có ai nhập ngũ vào quân đội.

Sau khi huấn luyện tân binh, Vàng A Sình về Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Bộ đội địa phương H.Sìn Hồ (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu), đóng quân tại bản Pô Tô (xã Huổi Luông, H.Sìn Hồ). Chữ không biết, tiếng phổ thông chỉ bập bẹ, chỉ huy đơn vị đi quanh Sình mấy vòng, thở dài "lính tráng gì mà bé như cái kẹo", và đưa cậu xuống bộ phận hậu cần.

Gần 2 năm nuôi lợn, trồng rau, lấy củi… mãi đến cuối 1978, khi tình hình biên giới Việt - Trung căng thẳng, bộ đội tập trung đào đắp hầm hào công sự, trực chiến trên các trận địa, Sình mới được bổ sung vào tổ nuôi quân chuyên nấu và gánh cơm lên các điểm chốt - trận địa.

Anh hùng Vàng A Sình

Anh hùng Vàng A Sình

Rạng sáng 17.2.1979, pháo binh Trung Quốc ầm ầm đổ đạn sang đất Việt Nam, dọn đường cho bộ binh vượt qua biên giới (cụm mốc 61 hiện nay) tấn công điểm cao 1262 (khu vực ngã ba Pô Tô, trung tâm xã Huổi Luông, H.Sìn Hồ) do Đại đội 2 và 3 của Tiểu đoàn 2 chốt giữ.

Ngay từ những phút đầu, lực lượng ta đã bị thương vong nặng do pháo. Đến 8 giờ sáng, Đại đội 2 phải rút. Chỉ số còn lại của Đại đội 3 chốt giữ trên điểm cao 1262. Binh nhất Vàng A Sình xin ra chiến đấu, nhưng đại đội trưởng Nguyễn Văn Nhâm lắc đầu: "Thấp bé thì đi chuyển đạn".

Vừa mang đạn lên trận địa, đại đội trưởng Nhâm gọi Sình: "Giữ mũi phía sau, anh em hy sinh hết rồi" và giao 1 hòm lựu đạn. "Sợ thiếu, tôi bò ra chỗ lính địch, lấy được 14 quả lựu đạn nữa", anh hùng Vàng A Sình kể.

Buổi chiều 17.2.1979, binh nhất Vàng A Sình tập hợp được 3 chiến sĩ còn sống và dùng lựu đạn đánh chặn cho đồng đội rút. Hết đạn, ông lao mình xuống vách đá, quyết không để đối phương bắt sống. May mắn, ông mắc vào cành cây. Cả đêm ấy, ông tìm đường về hậu cứ. "Đại đội có 75 người, chỉ 15 người còn sống tìm được đường về", ông kể.

"Bé này là bé hạt tiêu"

Tháng 3.1979, khi đang đào công sự ở H.Phong Thổ (Lai Châu) thì binh nhất Vàng A Sình được gọi về Hà Nội báo cáo kết quả chiến đấu với thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Cứ tưởng xong sẽ được về, nhưng ông lại được đưa sang Gia Lâm, lên máy bay tới Điện Biên và mấy ngày trời ngồi xe U-oát qua cửa khẩu Tây Trang sang nước bạn Lào.

"Mình và 8 anh em dũng sĩ khác sang đấy nói chuyện, phổ biến kinh nghiệm chiến đấu cho bộ đội Lào, không phải đi chơi đâu", ông Sình cười, bảo vậy.

Bằng khen, giấy khen trên tường nhà anh hùng Vàng A Sình

Bằng khen, giấy khen trên tường nhà anh hùng Vàng A Sình

Một tháng trời đi khắp các đơn vị quân đội Lào, câu chuyện "phòng ngự - tiêu diệt địch trong điều kiện hầm hào công sự bị phá hủy" của binh nhất Vàng A Sình được quan tâm đặc biệt và tất nhiên, phải diễn đi diễn lại khiến ông than: "Lúc ấy hăng lên ném được cả trăm quả lựu đạn, giờ làm khó quá".

Ngày 20.12.1979, binh nhất Vàng A Sình được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Từ Mường Lay, ông đi bộ 4 ngày về thị xã Điện Biên Phủ dự đại hội mừng công của tỉnh Lai Châu.

Khi nghe xướng tên được phong anh hùng, ông không tin đó là mình, khiến cấp trên phải xuống kéo lên. Giữa các tướng lĩnh, sĩ quan và dũng sĩ, binh nhất Vàng A Sình chỉ cao đến gần vai mọi người khiến ai cũng ngạc nhiên "thiếu niên mà đã đi bộ đội?".

Thế nhưng, nghe thành tích và câu chuyện của ông, hết thảy mọi người xúm lại trầm trồ: "Nuôi quân mà đánh giặc giỏi. Bé này là bé hạt tiêu"…

Đi khắp bản làng

Được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhưng vẫn mù chữ nên đầu năm 1980, binh nhất Vàng A Sình phải khoác ba lô sang Yên Bái học chữ từ đầu tại trường văn hóa của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Yên Bái và Lào Cai). Tháng 9.1980, ông được phong hàm vượt cấp từ binh nhất lên chuẩn úy.

Anh hùng Vàng A Sình và người vợ

Anh hùng Vàng A Sình và người vợ

Năm 1983, Ban Chỉ huy Quân sự H.Sìn Hồ xin ông Sình về công tác bởi không có cán bộ người H'Mông. Giữa năm 1983, ông chuyển về H.Sìn Hồ, ngày thì làm trợ lý động viên tuyển quân của ban chỉ huy quân sự huyện, tối tiếp tục cắp sách tới lớp bổ túc văn hóa. Tháng 5.1983, ông được phong hàm trung úy.

Sìn Hồ những năm 80 của thế kỷ trước đi lại chỉ bằng đôi chân và vó ngựa, nên nhiệm vụ động viên tuyển quân của trung úy Sình khó nhiều bề. 21 xã trong huyện hoặc mãi trên đỉnh núi như Phăng Xô Lin, chui giữa rừng già như Nậm Cuổi hoặc tít tắp bờ sông Đà như Nậm Mạ, chỗ nào ông cũng đặt chân đến từng thôn bản. Mỗi chuyến công tác dằng dặc cả tháng. Xong công tác là phải đến lớp học bù chương trình bổ túc văn hóa lớp 6…

Vượt qua đói nghèo

Năm 1981, ông Vàng A Sình lấy vợ - bà Vương Thị Dóa và được bố mẹ cho mảnh đất nhỏ, tự chặt cây làm cột, cắt tranh làm nhà. Dựng xong căn nhà bé như cái chòi canh nương cho vợ ở xong, ông lại khoác ba lô đi học văn hóa, để lại cô vợ trẻ đêm nào cũng khóc vì sợ... nhà đổ.

Năm 1983, vợ chồng ông đã có 2 đứa con, càng khó khăn do ruộng ít, không người làm, mỗi ngày chỉ 2 bữa sắn ngô cầm hơi, nên ông xin bố mẹ cho vợ con về ở chung để mình yên tâm đi công tác tuyển quân các xã.

Đầu tháng 6.1988 rời khỏi quân đội, trung úy Vàng A Sình mang hết số tiền chế độ mua được 2 đám ruộng và lao vào khai hoang trong 2 năm mới được 2 mảnh nương trồng ngô. Từ sáng sớm đến đêm khuya, ông hùng hục trồng cấy, cuốc xới trồng đủ lúa ngô khoai sắn.

Đúng lúc cả nhà thoát khỏi cảnh đói thì cuối năm 1994, vợ ông mất vì bệnh nặng. Vợ mất khi 6 đứa con còn nhỏ, đứa út mới 1 tháng tuổi. May có bà Thao Thị Rùa hơn ông 2 tuổi cũng mất chồng, thương tình nên gắn kết nhau lại, giúp ông chăm sóc, nuôi nấng cả đàn con trưởng thành đến ngày hôm nay. Giờ chỉ 2 vợ chồng già sống bên nhau.

Anh hùng Vàng A Sình thăm, tặng quà học sinh mầm non điểm trường Ngài Chồ

Anh hùng Vàng A Sình thăm, tặng quà học sinh mầm non điểm trường Ngài Chồ

Chúng tôi dạm hỏi về những đóng góp cho địa phương, Anh hùng lực lượng vũ trang Vàng A Sình ngượng nghịu: Từ năm 1989 tham gia Mặt trận Tổ quốc của xã Tả Phìn, đến năm 2002 thì phải xin nghỉ vì "trụ sở xã cách bản xa quá, ngày nào cũng cuốc bộ cả chục cây số đi làm, có việc các thôn cũng toàn đi bộ, mỏi cái chân quá thôi". Nghỉ cán bộ xã thì làm trưởng bản cho đến 2018, ông Sình lại cười: "Chạy đi chạy lại, cũng mỏi rời cái chân"…

Dẫu ông Sình nói vậy, nhưng hỏi người dân Ngài Chồ, ai cũng bảo: "Già Sình làm được nhiều việc tốt", và bấm đốt tay kể: Những năm 1990, già Sình đã lặn lội cả tháng trời đào rãnh, ghép ống tre làm đường nước sạch dẫn về bản; đầu những năm 2000, thấy con đường mòn vào bản phải vượt đỉnh núi cao trơn trượt, già Sình cặm cụi mấy tháng liền cuốc đất làm đường tránh dưới chân dốc bằng phẳng, làm gương cho cả bản mang cuốc xẻng mở đường mới dễ đi như bây giờ…

Trước lúc chúng tôi rời Ngài Chồ, anh hùng Vàng A Sình kéo tuột xuống cuối bản, vào thăm điểm trường mầm non Ngài Chồ. Lấy trong túi vải ra mấy gói bánh kẹo, ông chia cho từng đứa trẻ, dặn các cháu chăm học.

Ông quay sang chúng tôi: "Hôm trước, mình vận động sửa lại điểm trường cho khang trang sạch đẹp. Giờ đang đi xin cái nhà vệ sinh cho trẻ, đây này!"…

Bật nắp hầm cứu dân

Anh hùng Đặng Văn Khoan sinh 1957, quê ở xã Đông Trà, H.Tiền Hải, Thái Bình. Khi hy sinh là chiến sĩ Công an H.Bát Xát, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai).

Sau khi tốt nghiệp trường hạ sĩ quan công an, Đặng Văn Khoan được phân công công tác tại Công an H.Bát Xát. Là cán bộ trinh sát phụ trách xã, ông đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, lặn lội tới từng bản làng xa xôi xây dựng cơ sở, vận động quần chúng. Đặng Văn Khoan đã làm rõ nhiều nguồn tin có giá trị, phục vụ cho công tác chống gián điệp, biệt kích, thám báo xâm nhập.

Phần mộ liệt sĩ Đặng Văn Khoan tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Bát Xát, Lào Cai (ảnh chụp năm 2017)

Phần mộ liệt sĩ Đặng Văn Khoan tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Bát Xát, Lào Cai (ảnh chụp năm 2017)

Ngày 17.2.1979, quân xâm lược ồ ạt đánh sang Bát Xát, ông đã dũng cảm chiến đấu góp phần chặn đứng nhiều đợt tấn công của địch. Trước tình thế hiểm nghèo, mặc dù bị thương nặng ở ngực, nhưng khi tính mạng đồng bào bị đe dọa, Đặng Văn Khoan đã dũng cảm bật nắp hầm bí mật, chiến đấu cứu dân và anh dũng hy sinh. Ngày 13.8.1980, liệt sĩ Đặng Văn Khoan được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Thân nhân liệt sĩ Đặng Văn Khoan (phải) hồi tưởng lại chuyện cũ

Thân nhân liệt sĩ Đặng Văn Khoan (phải) hồi tưởng lại chuyện cũ

Đè lựu đạn, cứu đồng đội

Anh hùng Nguyễn Bá Lại sinh năm 1949, quê ở H.Thái Thụy, Thái Bình. Khi hy sinh, là trưởng phòng kỹ thuật - trung đội trưởng tự vệ của Đoàn địa chất 305, Liên đoàn địa chất III, Tổng cục Mỏ và địa chất (nay là Liên đoàn địa chất Tây Bắc, Cục Địa chất, Bộ Tài nguyên - Môi trường).

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Bá Lại

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Bá Lại

Từ năm 1972 đến 1979, Nguyễn Bá Lại sống và làm việc ở Đoàn địa chất 305 vùng biên giới. Ngày 17.2.1979, quân xâm lược vượt qua sông Hồng, chiếm các điểm cao và bao vây khu vực Đoàn địa chất 305. Trung đội Nguyễn Bá Lại chiến đấu ở hướng chính diện, đẩy lùi nhiều đợt tấn công.

Khi địch ném lựu đạn vào hầm trú ẩn, Nguyễn Bá Lại lập tức nằm đè lên quả lựu đạn, nhận sự hy sinh về mình để cứu sống 6 đồng đội. Nguyễn Bá Lại đã cùng đơn vị bẻ gãy tất cả các đợt tiến công của địch, bảo vệ an toàn tài liệu địa chất và hơn 300 người dân. Ngày 29.1.1996, liệt sĩ Nguyễn Bá Lại được truy tặng danh hiệu anh hùng.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.