Tìm lại những anh hùng: 2 bố con đều hy sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chúng tôi lên Lạng Sơn và thuê xe chạy gần 70 km đến UBND xã Đại Đồng, H.Tràng Định tìm thông tin về anh hùng - liệt sĩ Lê Minh Trường.

Chị Nông Phương Thảo (Phó chủ tịch UBND xã Đại Đồng) dẫn tôi xuống làm việc với cán bộ phụ trách LĐ-TB-XH. Sau cả tiếng mở sổ sách giấy tờ tra cứu, vẫn không có kết quả. Sau đó, một cán bộ xã đi ngang qua, thấy đông hỏi chuyện và cho biết: "Tôi ở cùng làng, nhưng gia đình liệt sĩ chuyển về Hà Nội từ rất lâu rồi".

Lại quay xe về Hà Nội dò hỏi, rất may mắn có thông tin từ một cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: "Mẹ liệt sĩ vẫn còn sống, đang ở Trúc Bạch, Ba Đình".

Gõ cửa căn nhà số 164 Trấn Vũ (P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình), một người phụ nữ ra chào: "Tôi là Hồng, chị dâu chú Minh Trường. Mẹ đang ở nhà đây". Bà cụ dáng cao lớn, tóc bạc trắng lần tường ra chào: "Tôi là Nông Thị Duyên, sinh năm 1935, năm nay 89 tuổi, là mẹ của con trai Lê Minh Trường đây".

Bà Nông Thị Duyên và 3 con trai, năm 1968. Lê Minh Trường ở giữa

Bà Nông Thị Duyên và 3 con trai, năm 1968. Lê Minh Trường ở giữa

Cuối tháng 4.2014, mẹ Nông Thị Duyên được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Bà Nông Thị Duyên sinh ra ở xã Đại Đồng, H.Tràng Định, Lạng Sơn. Năm 1950, khi mới 15 tuổi, bà Duyên được đưa từ căn cứ địa Bắc Sơn sang Trung Quốc học ngành sư phạm. Cuối năm 1954, lớp học bà Duyên về nước, tập trung ở cơ quan Bộ Giáo dục (khi ấy mới chuyển từ Chiêm Hóa, Tuyên Quang về Đại Từ, Thái Nguyên) để phân công công tác.

Thời điểm ấy, tỉnh Quảng Yên (sau này sáp nhập thành tỉnh Quảng Ninh) thuộc Liên khu Việt Bắc (1949 - 1956) đang rất thiếu giáo viên, nên Bộ cử một số giáo viên trẻ về đó giảng dạy. "Ở lớp tôi, ai cũng thoái thác. Người thì bảo vợ đẻ, người thì con thơ, người gia đình khó khăn. Tôi thì son rỗi, lại người miền núi chịu đựng gian khổ đã quen, nên chấp nhận đi thay cho các bạn", bà Duyên nhớ lại vậy.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thăm bà Nông Thị Duyên, ngày 25.1.1990

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thăm bà Nông Thị Duyên, ngày 25.1.1990

Trong thời gian dạy học ở H.Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), bà Nông Thị Duyên quen anh bộ đội Hồng Minh Kỳ (tên khai sinh là Lê Thái, sinh ra và lớn lên ở số nhà 16, phố Sơn Tây, P.Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội), công tác tại Trung đoàn 244, Sư đoàn bộ binh 350 (nay thuộc Quân khu 3).

Năm 1956, ông bà cưới nhau và năm 1958, sinh cậu con trai đầu Lê Hồng Trường. 2 năm sau (1960), bà Duyên sinh thêm con trai Lê Minh Trường tại Thái Nguyên, khi đang theo học lớp trung cấp sư phạm. 3 năm sau (1963) bà sinh con trai út Lê Khánh Trường, khi đang dạy học tại Thất Khê, Lạng Sơn.

"Hồi ấy, chỉ mình tôi sinh nở, nuôi nấng 3 thằng con trai vì ông ấy đã chuyển công tác sang Sư đoàn 320, vào Quảng Trị chiến đấu", bà Duyên nhớ vậy.

Ngày 16.2.1968, đại úy Hồng Minh Kỳ hy sinh tại Hướng Hóa (Quảng Trị) trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Giấy báo tử được chuyển về nhà bố mẹ đẻ, nên bà Duyên phải dắt cõng 3 đứa con trai 10 tuổi, 8 tuổi và 5 tuổi từ biên giới Tràng Định (Lạng Sơn) về nhà chồng ở Hà Nội làm lễ truy điệu.

Năm 1976, anh cả Lê Hồng Trường đi học Đại học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc (nay là Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp, thuộc Đại học Thái Nguyên), học bổng mỗi tháng được 22 đồng, nhưng vẫn không đủ ăn, nên trong nhà có gì đáng giá, bà Duyên phải bán đổi lấy gạo, thực phẩm gửi xuống Thái Nguyên cho con.

"Hồi ấy, Lê Minh Trường là thiệt thòi nhất. Nó có 1 đôi dép nhựa trắng, nhưng cũng phải bán, gửi tiền cho anh ăn học", bà Duyên nhớ.

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Lê Minh Trường (trái) và người bố là liệt sĩ Hồng Minh Kỳ (Lê Thái), trên bàn thờ gia đình

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Lê Minh Trường (trái) và người bố là liệt sĩ Hồng Minh Kỳ (Lê Thái), trên bàn thờ gia đình

Xin mẹ cho con nhập ngũ

Đầu năm 1978, Lê Minh Trường viết đơn tình nguyện và năn nỉ xin mẹ cho nhập ngũ.

Tháng 7.1978, anh nhập ngũ vào Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Lạng. Cuối tháng 12.1978, tỉnh Cao Lạng được chia tách - tái lập thành Cao Bằng và Lạng Sơn, chiến sĩ Lê Minh Trường thuộc quân số Đại đội 5, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn, đóng quân ở thị trấn Đồng Đăng.

Từ khi Minh Trường nhập ngũ cho đến lúc hy sinh, chưa 1 lần về thăm nhà. Trước tết âm lịch Kỷ Mùi 1979, bà Duyên đạp xe hơn 50 km sang Đồng Đăng thăm con, mang theo cả xôi, gà, bánh chưng cho con ăn tết. Gần 1 tháng sau, sáng 17.2.1979, quân Trung Quốc bất ngờ tấn công sang 6 tỉnh biên giới phía Bắc và binh nhất Lê Minh Trường hy sinh ngay buổi sáng 17.2.1979.

Lịch sử đã ghi lại: Sáng 17.2.1979, quân xâm lược có pháo binh và xe tăng yểm trợ, ồ ạt tấn công vào trận địa của Đại đội 5 trên pháo đài Đồng Đăng. Binh nhất Lê Minh Trường cùng đồng đội quyết liệt đánh trả. Thấy 8 xe tăng địch dẫn bộ binh xông lên, Lê Minh Trường mang súng B40 tiếp cận mục tiêu, bắn cháy chiếc đi đầu, những chiếc khác hoảng loạn tháo chạy...

Sau khi củng cố đội hình, địch lại xông lên. Trong quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, binh nhất Lê Minh Trường đã di chuyển linh hoạt, kịp thời chặn địch. Khi bị thương, anh tự băng bó và tiếp tục chiến đấu cho đến lúc anh dũng hy sinh. Ngày 19.12.1979, liệt sĩ Lê Minh Trường được truy tặng danh hiệu anh hùng.

Vượt qua nỗi đau mất mát

Sau ngày 17.2.1979, bà Nông Thị Duyên sơ tán về nhà chồng ở Hà Nội. Khi biết tin con trai Lê Minh Trường hy sinh, bà lên lại Lạng Sơn tìm ngóng tin con trong nỗi tuyệt vọng mong manh.

Ngày 17.2.1980 là giỗ đầu liệt sĩ Lê Minh Trường, đúng ngày mồng 1 tết âm lịch Canh Thân 1980. "Người làng biết chuyện, góp mỗi nhà vài nắm gạo, để nấu xôi và gói bánh chưng, cúng bố con nó", bà Duyên nhớ lại.

Từ cuối năm 1980, bà Nông Thị Duyên về Hà Nội, ở hẳn nhà chồng. Cậu con út Lê Khánh Trường nhập ngũ. Do là con - em liệt sĩ nên được chuyển công tác về cơ quan Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (nay ở số 4 Đinh Công Tráng, TP.Hà Nội) và hết thời hạn nghĩa vụ quân sự, được ưu tiên đưa đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa dân chủ Đức (cũ). Hết thời gian lao động, ở lại Đức cho đến nay.

Mất chồng, mất con, lại từ miền núi Lạng Sơn đồi núi rộng rãi, về TP.Hà Nội ở cùng gia đình nhà chồng chật hẹp, nên chỉ một thời sau bà Nông Thị Duyên bị trầm cảm. Biết chuyện, trung tướng Đinh Văn Tuy (Tư lệnh Bộ đội Biên phòng từ 1981 - 1990) chỉ đạo cơ quan chức năng trong Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho mượn 1 phòng khách 20 m2 trong tập thể Bộ đội Biên phòng ở Trại Găng - Ngõ Quỳnh (P.Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) để mẹ con bà Duyên ở tạm và tác động với UBND TP.Hà Nội tạo điều kiện về chỗ ở cho gia đình có bố liệt sĩ, con là anh hùng - liệt sĩ.

Bà Nông Thị Duyên kể chuyện gia đình với PV Báo Thanh Niên

Bà Nông Thị Duyên kể chuyện gia đình với PV Báo Thanh Niên

Năm 1986, TP.Hà Nội cấp cho bà Duyên căn nhà ở Kim Giang. Nhưng ở giữa đồng không mông quạnh, nhà không điện nước, không cửa ra vào, nền đất nện, bà Duyên xin trả, định lên lại Lạng Sơn. Năm 1987, TP.Hà Nội quyết định cấp cho bà Nông Thị Duyên căn hộ ở số 101, nhà A, phố Nam Tràng, P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình - vốn là khu dành cho cán bộ cao cấp của thành phố.

"Hồi ấy nằm cạnh hồ Trúc Bạch vắng vẻ um tùm, nhà chỉ có 45 m2, nhưng tôi khai phá mảnh đất hoang bên cạnh để nuôi trồng. Sau này TP.Hà Nội cải tạo làm đường quanh hồ, phía sau nhà lại là mặt đường, số 164 Trúc Bạch bây giờ"…

Năm 1988, em trai Lê Khánh Trường lên Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc (Lạng Sơn) tìm mộ anh trai Lê Minh Trường, rồi bàn với mẹ, đưa anh về...

Năm 2009, gia đình vào Hướng Hóa (Quảng Trị) tìm phần mộ liệt sĩ Hồng Minh Kỳ. Hiện tại, 2 bố con liệt sĩ - đại úy Hồng Minh Kỳ (Lê Thái) và anh hùng liệt sĩ - binh nhất Lê Xuân trường nằm cạnh nhau trong Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn (xã Tây Tựu, H.Từ Liêm, TP.Hà Nội).

Không để giặc tràn vào Đồng Đăng

Binh nhất Trần Ngọc Sơn sinh năm 1958, ở P.Trương Định, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội. Nhập ngũ tháng 5.1978, sau khi huấn luyện, về đại đội 16 công binh thuộc Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân khu 1.

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Trần Ngọc Sơn

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Trần Ngọc Sơn

Rạng sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc bất ngờ tấn công sang biên giới Lạng Sơn. Đại đội công binh 16 đóng quân ở khu vực cống đường sắt Ba Cửa (xã Bảo Lâm, H.Cao Lộc), chắn ngay cửa khẩu Hữu Nghị, đã chặn đánh quyết liệt mũi tiến quân của địch. Tiểu đội của Trần Ngọc Sơn phòng ngự ở phía tây - bắc.

Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn)

Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn)

Tiểu đội này toàn chiến sĩ mới nhưng dưới sự chỉ huy của binh nhất - tiểu đội phó, đã kiên cường đánh trả quân xâm lược. Sau 2 trận chiến đấu, tiểu đội thương vong 1/3 quân số và đến đợt tấn công thứ 5 của địch, cả tiểu đội chỉ còn lại một mình Sơn, lúc đó cũng bị thương vào cánh tay phải.

Sau khi băng tại vết thương, Sơn vận động khắp trận địa, dùng mọi vũ khí đánh trả địch, khiến chúng không thể vượt qua cống Ba Cửa để tiến vào Đồng Đăng.

Mốc giới số 1116 ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn)

Mốc giới số 1116 ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn)

"4 giờ chiều 17.2.1979, binh nhất Trần Ngọc Sơn lại bị thương vào chân và trong tay chỉ còn 1 quả lựu đạn. Bên dưới, bọn địch đang la hét tràn lên, Sơn bình tĩnh ném quả lựu đạn cuối cùng và một vầng lửa màu da cam của đạn B40 địch đã trùm kín người anh", ông Nguyễn Văn Sáu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bảo Lâm, chiến đấu ở trận địa bên cạnh, chứng kiến sự hy sinh của Sơn, kể lại vậy.

Đồn trưởng Lộc Viễn Tài

Anh hùng Lộc Viễn Tài sinh 1940, dân tộc Tày, quê ở xã Vĩ Thượng, H.Bắc Quang, Hà Giang. Khi hy sinh, là thượng úy, đồn trưởng Đồn 155, Công an nhân dân vũ trang Hà Tuyên (nay là Đồn biên phòng Sơn Vĩ, Bộ đội Biên phòng Hà Giang).

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Lộc Viễn Tài

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Lộc Viễn Tài

Lộc Viễn Tài là cán bộ đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao, giữ vững được trận địa, bảo vệ được dân.

Sáng 17.2.1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công Đồn 155, Lộc Viễn Tài động viên bộ đội quyết tâm chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch.

Phần mộ anh hùng - liệt sĩ Lộc Viễn Tài tại Nghĩa trang liệt sĩ Mèo Vạc (Hà Giang)

Phần mộ anh hùng - liệt sĩ Lộc Viễn Tài tại Nghĩa trang liệt sĩ Mèo Vạc (Hà Giang)

Ngày 5.3.1979, địch tập trung lực lượng quyết chiếm Đồn 155 và cao điểm 1379, nhưng vẫn bị đánh bật ra. Lợi dụng sương mù, Lộc Viễn Tài đã tổ chức lực lượng phục kích, đánh dồn địch... Khi địch mở đợt tiến công mới, Lộc Viễn Tài tổ chức chặn đánh từ xa, chia cắt đội hình địch, và anh dũng hy sinh.

Mốc giới số 504 tuyến biên giới Việt - Trung do Đồn biên phòng Sơn Vĩ (trước là Đồn Lũng Làn) quản lý bảo vệ. Tháng 2 và 3.1979, quân xâm lược đã đi qua khu vực này, tấn công vào Đồn biên phòng Lũng Làn

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.