(GLO)- Đó là khẳng định của ông Phí Mạnh Cường- Giám đốc Công ty MDF VINAFOR Gia Lai thuộc Chi nhánh Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam khi trao đổi với chúng tôi. Chính quan điểm chú trọng đúng mức đến vấn đề tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng của Công ty đã góp phần quan trọng vào chuỗi giá trị sinh lợi trong quá trình sản xuất kinh doanh, đóng góp vào việc thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Năm 1999, Chính phủ phê duyệt thí điểm dự án xây dựng Nhà máy MDF cường độ trung bình đi đôi với trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của nhà máy. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 9-1999 đến tháng 6-2002 khánh thành và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 10-2002, công suất 54.000 m3/năm, với mô hình “Từ trồng rừng đến sản phẩm”.
Đây là một trong những dự án đầu tư trọng điểm mang tính chiến lược phát triển kinh tế bền vững đối với khu vực Tây nguyên của Chính phủ. Chính vì vậy sự hình thành và phát triển Công ty MDF VINAFOR Gia Lai mang ý nghĩa to lớn, góp phần vào việc cải thiện đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Theo ông Phí Mạnh Cường, với ngành nghề kinh doanh trồng và quản lý bảo vệ rừng nguyên liệu, chế biến ván nhân tạo và tiêu thụ sản phẩm từ nguyên liệu rừng trồng, hàng năm Công ty phải thanh toán số tiền điện lên đến con số gần 20 tỷ đồng, kèm theo đó là hệ thống mô tơ điện trên 100 cái có tổng công suất 5.927 kW, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn bảo vệ bố trí khắp các phân xưởng… Do đó, Công ty luôn cho rằng đầu tư, thay thế các thiết bị tiết kiệm điện trên là một sự đầu tư không có rủi ro và sinh lợi ngay tại chỗ.
Để tiết kiệm điện, hàng năm, nhà máy rà soát lại toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng, qua đó cho thay tất cả bóng điện có công suất lớn bằng hệ thống bóng điện có công suất nhỏ hơn (bóng compact) nhưng vẫn đảm bảo cường độ sáng để làm việc; chuyển đổi hệ thống khởi động mô tơ từ khởi động trực tiếp sang khởi động và điều khiển bằng biến tần; xây dựng lịch làm việc của các phân xưởng phụ thuộc (8 giờ/ngày) tránh những giờ cao điểm; cải tiến thiết bị băm dăm, thiết kế để băm tận dụng dăm có kích thước khác quy cách; cải tiến hệ thống chuyển bột chà nhám và vụn gỗ làm nhiên liệu cho lò hơi cung cấp năng lượng cho dây chuyền; cải tiến hệ thống chuyển sợi về thùng chứa-tiết kiệm được điện năng tiêu thụ; sử dụng bột trấu đốt thay thế dầu FO cho nồi hơi, giảm bớt tiêu thụ dầu FO.
Bằng hàng loạt giải pháp hữu hiệu nêu trên, trong năm 2012, Công ty đã tiết kiệm được trên 1 tỷ đồng. Để có được con số ấn tượng này, lãnh đạo nhà máy đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 11/CV-SCT của Sở Công thương và theo biên bản cam kết sử dụng điện với Công ty Điện lực Gia Lai.
Ngoài ra, Công ty đã tổ chức quán triệt các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn cán bộ, công nhân trong Công ty; từ đó, họ viết bản đăng ký thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Công tác phòng-chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí được đơn vị thực hiện nghiêm túc. Trong năm qua đã có nhiều đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng thành công, cùng với việc thực hiện tốt công tác vận hành máy, sản xuất an toàn, tiết kiệm, sử dụng 100% công suất máy.
Với những biện pháp tiết kiệm điện như trên, Nhà máy MDF VINAFOR Gia Lai đã góp phần vào công tác tiết kiệm điện, giải quyết một phần khó khăn về việc thiếu điện hiện nay bằng những con số thiết thực: điện năng tiêu thụ trên 1 m3 sản phẩm giảm so với năm 2011 là 9 kWh; tổng số tiền điện tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng.
Võ Công Hiền