(GLO)- Ở những vùng sản xuất chuyên canh mía đường, chính sách cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai 2 năm qua đã thực sự phát huy hiệu quả khi doanh nghiệp, nông dân đầu tư thiết bị, máy móc chuyên dùng từ khâu trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch. Nhờ đó mà năng suất, sản lượng mía tăng rõ rệt, mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống...
Chính sách cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ đã được các ngân hàng thương mại, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) chính thức triển khai từ cuối năm 2014 đến nay. Đây là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ cho việc cơ giới hóa sản xuất, giảm tổn thất và nâng cao hiệu quả đầu tư trong nông nghiệp. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 2 năm đầu và 50% trong năm thứ 3 đối với các khoản vay để mua máy móc, thiết bị mới nằm trong danh mục do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định. Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư, phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm.
Nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ doanh nghiệp đã có điều kiện đưa cơ giới vào đồng ruộng. Ảnh: K.N.B |
Là đơn vị thành viên của Agribank, Agribank Gia Lai đã chủ động triển khai chính sách này trên toàn hệ thống, đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư của khách hàng tại các vùng sản xuất nông nghiệp như thị xã Ayun Pa và các huyện Kbang, Mang Yang, Kông Chro, Ia Pa, Phú Thiện... Doanh số cho vay của chương trình sau 2 năm đạt 21,389 tỷ đồng, dư nợ tính đến hết tháng 6-2016 còn 17,117 tỷ đồng/32 khách hàng; lãi suất được ngân sách nhà nước hỗ trợ lũy kế từ đầu chương trình là 1,416 tỷ đồng. Mặc dù doanh số cho vay và số khách hàng thụ hưởng còn khá khiêm tốn nhưng hiệu quả chương trình mang lại là không thể phủ nhận, đơn cử như ở vùng chuyên canh cây mía Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa-những địa phương đang đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Theo khảo sát của huyện Phú Thiện, trong 5 năm qua, diện tích mía trên địa bàn được duy trì ổn định và tăng dần qua từng năm. Tuy nhiên, về năng suất, sản lượng và chữ đường thấp hơn nhiều so với bình quân chung của vùng và của cả nước.
Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; việc cơ giới hóa mới chỉ áp dụng vào khâu làm đất, trồng cây, chưa đẩy mạnh đầu tư thâm canh. Trong khi đó, huyện Ia Pa có diện tích mía trồng và thu hoạch bằng máy lên đến 1.500 ha; năng suất, sản lượng, chất lượng mía đều vượt trội. Do đó, huyện Phú Thiện đã và đang nỗ lực xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp nhằm phấn đấu nâng năng suất mía bình quân đạt trên 70 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt 20 triệu đồng/ha trở lên... Ở góc độ nhà đầu tư, Agribank Gia Lai đã thực hiện tốt vai trò liên kết hợp tác với nông dân, doanh nghiệp, triển khai cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Từ nguồn vốn này, khách hàng đã mua máy cày, máy xới, máy bơm thuốc... phục vụ sản xuất. Đặc biệt, Agribank Gia Lai đã đầu tư cho một doanh nghiệp hơn 7 tỷ đồng để nhập khẩu máy thu hoạch mía, phục vụ trực tiếp cho vùng nguyên liệu mía đường Ayun Pa, Phú Thiện, Ia Pa.
Theo quan điểm của ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Gia Lai, đối với cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp thì không hạn chế chỉ tiêu vốn vay, nhu cầu của khách hàng tới đâu thì ngân hàng sẵn sàng giải ngân đến đó. Hiện nay, Agribank Gia Lai đang phối hợp với khách hàng doanh nghiệp, chuẩn bị đầu tư thêm 51 tỷ đồng cho vay mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ từ khâu cải tạo, làm đất, trồng, chăm sóc, tưới mía, thu hoạch ở vùng liên kết sản xuất mía đường trong niên vụ 2016-2017.
Hải Bình