Tiếng chày giã gạo đêm khuya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những đêm trăng sáng, gió từ sông Gianh thổi vào mát rượi, mọi người bê cối ra sân giã. Tiếng chày khua cối thậm thịch, thậm thịch, tiếng nói cười rôm rả, những câu hò, câu hát vang lên...

 Mùa lúa chín, gặt về, bố mẹ tôi phơi thật khô, cho vào chum, vào vại dự trữ để ăn dần... Ảnh: Lê Nam
Mùa lúa chín, gặt về, bố mẹ tôi phơi thật khô, cho vào chum, vào vại dự trữ để ăn dần... Ảnh: Lê Nam



Ngày nay khi máy xay xát có mặt ở khắp nơi, người nông dân không còn phải lo lắng việc xay, giã, giần, sàng để có gạo nấu cơm ăn hàng ngày, tôi lại bồi hồi nhớ về một thời đã qua, nhớ những vất vả của mẹ tôi, cũng như bao người mẹ khác ở miền Trung, bên cái cối xay lúa, cái cối giã gạo.

Mùa lúa chín, gặt về, bố mẹ tôi phơi thật khô, cho vào chum, vào vại dự trữ để ăn dần. Có lúa rồi, nhưng để có gạo ăn, phải trải qua một công đoạn không đơn giản tí nào: xay lúa, giã gạo. Việc xay lúa, giã gạo khá vất vả và chiếm khá nhiều thời gian thường do mẹ và các chị tôi đảm nhiệm.

Sáng, trước khi ra đồng, mẹ tôi xúc một vài thúng lúa trong chum, rồi giao việc cho các con: “Bựa ni Cu Nậy đi chự (giữ) trâu, Mẹt Con bồng em, Cu Nhỏ ở nhà xay lúa”. Anh em tôi thường hay cự nự về công việc được giao, mẹ cười và dịu dàng phân giải: “Xay lúa thì khỏi bồng con”. Dù đã được giao việc, nhưng cả ngày mải ham chơi, chiều tối mới nhớ công việc, tôi vội vã đổ lúa vào xay. Thấy thế mẹ nhẹ nhàng trách bằng một câu ca dao mà mãi tôi vẫn nhớ: “Cả ngày thì bỏ đi chơi, tối tắt mặt trời đổ lúa ra xay”. Tôi đút giằng xay vào tai cối, dùng lực đẩy mạnh làm thớt trên của cối quay tròn, vang lên tiếng kêu ù ù, rền rĩ . Những hạt gạo lẫn trấu văng đều ra máng xay. Những chú gà đói ăn, lân la nhặt những hạt gạo, hạt thóc rơi vãi ra quanh cối, mẹ vừa đuổi gà vừa la lớn: “Gà què ăn quẩn cối xay”!

 Lúa xay xong, mẹ dùng mẹt (giống nia, nhưng nhỏ hơn) sảy, tách ra phần trấu và phần gạo. Trấu dùng nhóm bếp hoặc làm phân. Phần gạo được đưa vào cối giã gạo để giã. Chiều đi làm đồng về, cả nhà quây quần ăn cơm tối. Ăn xong, nghỉ ngơi một lúc, mọi người bày cối gạo ra giã. Chị tôi, anh tôi thường phụ giã gạo với mẹ. Những lúc tôi không học bài, cũng tham gia giã gạo. Giã gạo ba, bốn người phải đúng nhịp, đúng lượt để người này không bị trùng vào lượt của người khác. Người giã gạo đến lượt mình nhón chân, rướn người, hai tay cầm chày vươn cao để lấy lực, rồi nhún người giã mạnh chày xuống cối. Tôi ít khi giã, nên hay loạn nhịp, hay giã trật sang một bên, làm gạo văng tung tóe. Thấy vậy, mẹ cho tôi nghỉ. Mẹ nói: “Thôi, con nghỉ đi, để mẹ làm cho nhanh”. Những lúc gạo văng nhiều lên miệng cối, đến lượt mình, mẹ một tay cầm chày giã, tay kia đồng thời lùa gạo vào lòng cối. Công việc vẫn đều đặn, nhịp nhàng, không dừng lại.

Gạo giã xong, các anh chị đi nghỉ, mẹ ngồi lại để sàng, giần, sảy. Hỗn hợp gạo, tấm, cám, được xúc dần cho vào sàng, vào giần, vào mẹt, để tách ra thành gạo, thành tấm (cũng dùng nấu cơm), cám (cho heo ăn), mông mông (cho gà ăn). Cứ dăm ba tối một lần, cả nhà xúm vào giã gạo để đủ ăn cho vài ba ngày. Nếu chuẩn bị tết, hoặc nhà có đám cưới, đám giỗ, lại mượn thêm mấy chị quanh xóm đến cùng giã gạo. Những đêm trăng sáng, gió từ sông Gianh thổi vào mát rượi, mọi người bê cối ra sân giã. Tiếng chày khua cối thậm thịch, thậm thịch, tiếng nói cười rôm rả, những câu hò, câu hát vang lên trong đêm, tạo nên một khung cảnh đầm ấm, yên vui, quên đi cái vất vả, mệt nhọc của nhà nông: “Hò ơ, trèo lên đỉnh núi U Bò/ Nhìn về Cồn Vượn, thấy bảy o kén chồng…”; “Hò ơ… đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan tràng (sàng) được chăng...”, “Chị dòng xách chiếu, nghiêng chăn/ Đêm đông trường giá lạnh biết than rằng cùng ai…”.

Nhiều đêm, đang ngủ say, chợt thức giấc, tôi lại nghe văng vẳng tiếng chày giã gạo thậm thịch, đều đều. Bên ngọn đèn dầu leo lét, tôi thấy mẹ đang một mình nhẫn nại giã gạo. Thì ra buổi tối, mọi người đi làm về mệt quá lăn ra ngủ, nửa đêm mẹ thức dậy lo xay giã, để ngày mai có gạo nấu cơm cho cả nhà. Dáng mẹ cao, gầy, tóc búi gọn sau đầu. Mỗi lần mẹ rướn người, lấy đà để giã, bóng mẹ in dài trên vách tường. Mồ hôi chảy dài hai bên má. Mẹ giã, mẹ sàng, mẹ giần, mẹ sảy, đôi tay cứ thoăn thoắt, đều đặn như đang múa. Cái sàng, cái giần xoay tròn, xoay tròn. Cái mẹt nảy lên hạ xuống nhịp nhàng, những hạt gạo, hạt tấm như đang nhảy múa trong mẹt. Hết việc này đến việc khác, không lúc nào ngơi. Xong việc, mẹ thu dọn đồ đạc, cất lên sàn nhà. Trên môi mẹ nở nụ cười, tươi tỉnh, mãn nguyện.
 

 

 

Theo HOÀNG TRỌNG (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.