Thương về mùa chà là

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đêm nay, ở phương xa, ngồi nhâm nhi ly cà phê trong quán nhỏ chợt nghe giọng ngâm thơ truyền cảm của một cựu chiến binh trên ti vi: Em là cây chà là nhỏ yếu Sống âm thầm bên rừng Sác thân yêu…

Với tuổi thơ ở thôn quê thì món ăn nào từ thiên nhiên cũng đều khoái khẩu cả. Nhưng món ăn từ trái chà là có một dư vị khó tả, có một cái gì đó để mà nhớ, mà thương ẢNH: REUTERS
Với tuổi thơ ở thôn quê thì món ăn nào từ thiên nhiên cũng đều khoái khẩu cả. Nhưng món ăn từ trái chà là có một dư vị khó tả, có một cái gì đó để mà nhớ, mà thương ẢNH: REUTERS
Không biết bài thơ này của ai, chỉ nghe MC giới thiệu là bài thơ truyền khẩu thời kháng chiến có nhan đề Cây chà là bên rừng Sác. Bài thơ mộc mạc, tha thiết khiến tôi thương nhớ quê nhà miền Trung quá chừng, nhớ đồi núi chà là Bình Tân bát ngát mênh mông.
Quê tôi, một làng quê nghèo của miền Trung (ở xã Bình Tân, nay là xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhìn đâu đâu cũng thấy đồi núi. Ngày trước, đồi núi nào cũng mọc đầy chà là. Không biết chúng mọc từ bao giờ? Chỉ biết cứ vào đầu hạ, khi những cơn mưa giao mùa xối xả đổ xuống, chà là bắt đầu chín lác đác, rồi chín rộ. Màu đen bóng của những trái chà là chín cùng vị ngọt rất đặc trưng của nó đã làm say lòng không biết bao nhiêu người, đặc biệt là trẻ con chúng tôi.
Tôi không biết chà là có mấy loại. Người dân quê tôi nói có hai loại. Loại trái già có màu vàng đậm, không có tên gọi cụ thể mà chỉ gọi theo danh từ chung là chà là. Loại trái già có màu nâu đỏ gọi là chà là lửa. Theo một số tài liệu thì chà là thuộc họ dừa, họ cọ nhưng không cao như dừa và cọ. Tàu lá cao nhất cũng chỉ vươn lên cách mặt đất khoảng chừng 2m. Trái thì càng nằm thấp hơn, được bao bọc bởi những tàu lá cứng và nhọn. Ai hái trái chà là không cẩn thận sẽ bị những nhánh lá đâm vào tay, vào mắt…
Nhớ những năm đất nước còn khó khăn, tới mùa chà là, người dân quê tôi mới mờ mờ sáng đã mang thúng lên núi hái. Hái về người ta lựa những trái chà là chín đem ra chợ bán lấy tiền mua gạo, những trái già hoặc ươm thì nấu làm thức ăn chống đói. Ăn chà là chỉ ăn lớp cơm bên ngoài, còn hạt thì trộn với cám cho gà, vịt ăn. Ai đã từng ăn lớp cơm bên ngoài chan chát, ngòn ngọt, bùi bùi của trái chà là khi đã nấu chín thì mới cảm nhận hết được cái giá trị của nó trong thời bao cấp.
Đối với người lớn là vậy, còn đối với trẻ con chúng tôi ngày ấy, thì trái chà là là một trong những món ăn khoái khẩu. Dường như với tuổi thơ ở thôn quê thì món ăn nào từ thiên nhiên cũng đều khoái khẩu cả. Nhưng món ăn từ trái chà là có một dư vị khó tả, có một cái gì đó để mà nhớ, mà thương. Mỗi lần đi chăn bò, chăn trâu, bọn trẻ con chúng tôi đem theo thúng hoặc bao ni lông để hái. Mỗi lần hái trái chà là bọn trẻ con chúng tôi hát vang bài ca dao:
Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Chúng tôi chọn những trái già đem về cho mẹ nấu để sáng hôm sau ăn thay cơm, còn những trái chín chúng tôi ăn ngay tại núi. Chao ôi, những trái chà là chín mọng ăn vào nghe ngọt lịm nơi đầu lưỡi mãi đến giờ tôi vẫn còn nhớ!
Chúng tôi hái trái chà là hết ngày này qua ngày nọ mà vẫn không biết chán. Chúng tôi coi đồi núi chà là là của riêng mình không được người nào ngoài địa phương đến hái. Có lần bọn thiếu niên ở xã Tịnh Hòa, xã Tịnh Thiện đạp xe lên núi Thình Thình, lên động Tranh Làng hái chà là, chúng tôi xua đuổi, lườm nguýt, không cho hái. Sau này chúng tôi mới biết được nhà bọn họ cũng rất nghèo nên phải đi hái chà là đem về cho mẹ mang ra chợ bán lấy tiền mua gạo. Biết được chuyện đó đứa nào cũng thấy cay cay nơi sống mũi, vừa thương, vừa khâm phục họ. Nên chúng tôi đã cho họ hái.
Rồi mùa chà là cũng hết và đến mùa trái cây khác. Lúc này bọn trẻ con chúng tôi đã được thiên nhiên ban tặng những món ăn ngon khác không kém gì trái chà là nhưng sao lòng vẫn cứ thấy nhơ nhớ, tiêng tiếc…
Tuổi thơ của bọn trẻ quê tôi êm đềm đi qua niềm vui với món ăn chà là. Tiếng cười, nói, tiếng la lối, cãi cọ tranh giành những cây chà là cứ vang vọng mãi suốt một thời thơ ấu. Nó mãi khắc sâu trong tâm khảm tôi.
Tôi đã xa quê hương miển Trung, xa cái tuổi thơ vui tươi, hồn nhiên bên những thúng trái chà là lâu rồi. Vì kế sinh nhai, tôi phải tha hương cầu thực. Tôi đã đi qua nhiều vùng miền, được thưởng thức nhiều loại trái cây thơm ngon, nhưng rồi mỗi khi nhớ về quê nhà miền Trung tôi lại thương về mùa chà là trong một thoáng rưng rưng.
Theo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Mây biên giới

Thơ Đào An Duyên: Mây biên giới

(GLO)- “Mây biên giới” của tác giả Đào An Duyên là bài thơ giàu cảm xúc về vẻ đẹp thanh bình nơi biên cương Tổ quốc. Tác giả khắc họa hình ảnh cột mốc trong nắng dịu, mây trời không lằn ranh, rừng khộp lặng im... như một bản hòa ca của thiên nhiên và lịch sử...

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.