Thương nhớ ngày xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 11, Tây Nguyên giao mùa khiến nhiều người xao xuyến cũng là thời điểm lòng ta xôn xao những kỷ niệm. Không chỉ là hình ảnh cùng bạn bè tất bật chuẩn bị cho ngày 20-11 mà còn là những khoảnh khắc đáng nhớ bên thầy cô thân thương.
Hồi cấp III, tôi học lớp chuyên Văn nhưng chưa bao giờ có cảm giác bị ép buộc phải học môn đó. Cảm hứng cho chúng tôi cố gắng từng ngày chính là ngọn lửa trong tim những thầy-cô giáo của tôi. Đó là ngọn lửa của đam mê cháy bỏng, hiện hữu trong sự say sưa nhập tâm vào từng bài giảng. Đó là ngọn lửa của lòng tha thiết với nghề được biểu lộ trong khoảnh khắc rưng rưng khi học trò thờ ơ, ngoảnh mặt quay lưng với điều mình tâm huyết. Đó còn là ánh sáng của sự tận tâm khi thầy cô đợi gửi bài đến tận đêm khuya, rồi tỉ mẩn chỉnh sửa từng câu từng từ cho bài viết. Không la mắng nặng lời, các thầy cô truyền cảm hứng cho chúng tôi tự giác soi mình mà nỗ lực để xứng đáng với tâm sức mà người đã nhọc lòng ngày đêm.
 Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
Ba năm gắn bó với đội tuyển, dù cho áp lực thi cử đến đâu, các thầy-cô giáo cũng không biến tôi thành cỗ máy rồi nhồi nhét vào đó những tư tưởng rồi bất chấp nhả chữ bay bổng, để rồi sau mỗi kỳ thi kiến thức rơi rớt hết sạch và cô trò đường ai nấy đi vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Thầy-cô giáo tôi tạo dựng những điều bền chặt và dài lâu hơn cái thời vụ như thế. Đó là tình yêu thương.
Giờ đây, trên giảng đường đại học, có những thời điểm, tôi cảm giác như đang đối mặt với một thế giới mà tình cảm là điều gì đó viển vông. Bởi ai cũng quay cuồng bận rộn công việc của riêng mình, không có ai ở bên tôi để lắng nghe và thấu cảm. Những lúc ấy, dường như có chất xúc tác vô hình nào đó khiến cho bao nhiêu hình ảnh yêu thương của các thầy cô nối tiếp nhau sáng rực trong vùng thăm thẳm ký ức. Những ngày có dịp lên nhà cô nào đó chơi, thì cô luôn bày ra bao nhiêu đồ ăn, nài nỉ chúng tôi ăn cho… béo. Lúc về, cô còn gói thức ăn lại, bảo mang về phòng trọ cho các bạn ăn cùng. Một lần bị ốm, cô gửi quýt và thuốc tới phòng trọ. Lần khác bị ho, cô bỏ hũ chanh đào vào cặp lúc nào không hay. Cầm trên tay đồ cô gửi mà thấy nghẹn ngào rưng rưng. Có những ngày đông lạnh, cô bắt tôi mặc thêm áo, níu tôi lại, kéo khóa áo khoác tôi lên đến tận cổ. Có những ngày ngông nghênh nổi loạn, làm trái lời cô, cô nhắn tin hỏi tôi không dám trả lời, vậy mà cô cũng không giận, còn dắt đi chơi ở ngoại ô thành phố. Lúc đó, tự cảm thấy hối hận và có lỗi với sự kỳ vọng của cô. Giờ đây, mỗi lần đi học xa trở về, tôi cảm thấy hạnh phúc và sung sướng khi các thầy cô luôn dành thời gian cà phê tâm sự cùng với ánh mắt yêu thương vẫn vẹn nguyên như ngày nào.
Không chỉ dạy về cái đẹp hiện hữu trên từng trang văn, cô giáo tôi còn đưa tôi tới với những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống. Một ngày xa xôi nào đó, cô dắt chúng tôi dạo chơi ở nơi xa xa thành phố. Một đoạn, cô lái xe chầm chậm, tôi còn chẳng để ý rằng có một cây gạo cổ thụ bên đường cho đến khi cô xuýt xoa về nó. Màu đỏ rực lấm chấm của hoa gạo gợi lại trong cô tôi màu của ký ức. Hoa gạo đỏ thắm chao nghiêng rơi xuống, một hình ảnh quá giản dị và rất đỗi bình thường, mà nếu không tinh tế để ý, hẳn sẽ bỏ qua khoảnh khắc thanh tao và dịu dàng ấy. Lần khác, một cô giáo nữa dẫn chúng tôi ra sau nhà chơi. Đó là nơi mà tôi hay gọi là góc bình yên giữa lòng thành phố. Có vài cây cau với cây trứng cá sum suê bên cạnh ao sen nho nhỏ. Bên kia bờ ao là ruộng lúa xanh non ngút ngàn với những cánh cò trắng ẩn hiện trong buổi chiều hôm. Cô cởi đôi dép, chân trần thoăn thoắt trên bờ đê. Tôi đã yêu cái hồn quê bình dị của cô từ khoảnh khắc mộc mạc đó.
Bao nhiêu là kỷ niệm chơi vơi nối tiếp trong tôi lúc này. Chao ôi, ta không sống bằng ký ức, nhưng những kỷ niệm làm đẹp cho cuộc đời này biết bao nhiêu! Biết tìm đâu khoảnh khắc đẹp đẽ với những người thương ấy nữa, nên ta chỉ đành thương nhớ và trân trọng hoài niệm xưa ấy mà thôi.
NGUYỄN ĐỨC HIỀN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.