Thực tiễn và kinh nghiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) là cách gọi vắn tắt của “Dự án quân đội tham gia xây dựng phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng các khu QP-AN trên địa bàn chiến lược biên giới” được Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Quá trình thành lập các khu KT-QP trên địa bàn chiến lược được đánh dấu tập trung từ thời điểm ngày 1-8-1998 theo tinh thần Nghị quyết số 150 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về việc quân đội tham gia xây dựng và phát triển KT-XH, củng cố QP-AN trên các địa bàn chiến lược.
 

Thiếu tướng Đặng Anh Dũng (Tư lệnh Binh đoàn 15)
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng (Tư lệnh Binh đoàn 15)

Đối với Binh đoàn 15, trên thực tế việc tổ chức khu KT-QP đã được xúc tiến từ nhiều năm trước đó. Ngày 20-2-1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có Quyết định số 68/QĐ thành lập Binh đoàn 15. Nhiệm vụ của Binh đoàn được Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao là: phát triển kinh tế gắn với QP-AN; xây dựng dân cư xã hội; tham gia xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên thông qua sản xuất nông-công nghiệp, kết hợp kinh doanh tổng hợp các ngành xây dựng cơ bản dịch vụ thương mại, tập trung mũi nhọn là phát triển cây cao su, cà phê. Quá trình gần 30 năm thực hiện nhiệm vụ xây dựng các khu KT-QP trên địa bàn vành đai biên giới Tây Nguyên đã làm cho Binh đoàn ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn sự đúng đắn và cần thiết của kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, về xây dựng, phát triển các khu KT-QP trên địa bàn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Quá trình đó đã đúc kết cho Binh đoàn những kinh nghiệm, bài học quý báu về xây dựng khu KT-QP và những yếu tố thiết yếu, cơ bản đảm bảo để thực hiện có hiệu quả cũng như những bất cập, khó khăn, vướng mắc cần được tiếp tục quan tâm tháo gỡ trong thực hiện nhiệm vụ này.

Từ quy mô nhỏ, dựa trên cơ sở sáp nhập các đơn vị chiến đấu trong những năm chiến tranh giải phóng như: Đoàn 773 đứng chân ở ngã ba Đông Dương, các đơn vị 331, 332, 333... tính chất nhiệm vụ chủ yếu là khai hoang; trồng cao su, cà phê, trồng lúa nước, đến nay Binh đoàn đã có sự phát triển nhanh, tương đối toàn diện, vững chắc về cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả KT-QP. Địa bàn đứng chân của Binh đoàn trải dài 215 cây số trên tuyến biên giới thuộc 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Diện tích khai hoang, trồng mới, khai thác 42.716 ha cao su; 369 ha cà phê và 80 ha lúa nước vùng cao, xây dựng 6 nhà máy chế biến mủ cao su công suất 5.000-10.000 tấn sản phẩm/nhà máy/năm, 1 nhà máy chế biến phân bón hữu cơ vi sinh 20.000 tấn/năm. Ở góc độ kinh tế, Binh đoàn đã hoàn thành mọi chỉ tiêu đặt ra đối với một tổng công ty cấp nhà nước theo cơ chế tự hạch toán. Thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Binh đoàn đã tham gia tích cực vào các chương trình mục tiêu của Nhà nước và các địa phương trên địa bàn công tác về: điều chỉnh lao động, tạo việc làm, bố trí lại dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tham gia thiết thực vào việc xây dựng cơ sở chính trị-xã hội, góp phần tạo lập nên thế trận KT-QP và thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở vùng biên giới.

Binh đoàn đã tập trung xây dựng 6 cụm điểm dân cư trên dọc tuyến biên giới; vận động, tổ chức 13.634 hộ gia đình (trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số: 5.625; hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ: 4.183) với 17.463 lao động (trong đó: 6.938 lao động là người dân tộc thiểu số, chiếm 39,73%) vào làm việc trong các đơn vị của Binh đoàn. Được tổ chức giáo dục, tham gia vào các hoạt động chính trị-xã hội do Binh đoàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức, gắn bó với các lợi ích kinh tế từ hoạt động KT-QP đem lại là những nhân tố quan trọng tạo nên ý thức giác ngộ chính trị của người lao động và đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trong các vụ bạo loạn chính trị do các thế lực phản động, thù địch kích động trên địa bàn tháng 2-2001 và tháng 4-2004, 220 thôn, làng của 37 xã, phường Binh đoàn đứng chân vẫn giữ vững sự ổn định, không có ai trong lực lượng lao động cũng như đồng bào trong vùng dự án, các làng kết nghĩa với Binh đoàn bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo tham gia.
 

Hỗ trợ gạo cho các gia đình khó khăn tại huyện Chư Prông
Hỗ trợ gạo cho các gia đình khó khăn tại huyện Chư Prông

Để có sự phát triển tích cực như trên, Binh đoàn đã quan tâm giải quyết đồng bộ nhiều yếu tố cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách. Thực tiễn xây dựng các khu KT-QP những năm qua đã củng cố cho Binh đoàn niềm tin ngày càng sâu sắc hơn về yêu cầu kết hợp KT-QP không phải chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, tư tưởng mà còn phải vận dụng, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, sáng tạo vào tất cả các khâu, các bước của quá trình sản xuất kinh tế; xây dựng địa bàn; xây dựng đơn vị. Chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh tế luôn luôn là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Có làm được điều này mới tạo ra được yếu tố vật chất quan trọng đảm bảo cho việc thực hiện các mặt công tác khác. Tuy nhiên đồng thời với phát triển kinh tế phải có chủ trương, kế hoạch toàn diện với các giải pháp thích hợp, khả thi để thực hiện các yêu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng các khu dân cư tập trung; tham gia xây dựng địa bàn và tiến hành nhiệm vụ QP-AN. Một số chủ trương trên thực tế về sự kết hợp giữa các mặt công tác đã được thực hiện có hiệu quả ở Binh đoàn vừa qua là: “Vườn cây đến đâu, các cụm, điểm dân cư đến đó”; “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với xã, thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”; thực hiện 3 cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”... Những năm qua Binh đoàn đã xây dựng các trung tâm dân cư ở các khu vực Yên Thế, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông (Gia Lai); Ngọc Hồi, Sa Thầy (Kon Tum) và mở rộng dự án phát triển trồng cao su tại Lào và Vương quốc Campuchia có ý nghĩa chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ xa. Các cụm dân cư được tổ chức gắn với các khu sản xuất tập trung của các công ty, các đội sản xuất, đan xen với các thôn, làng của địa phương tạo thành các tuyến KT-QP, KT-XH. Công tác xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng đã được tiến hành tích cực, Binh đoàn đã mở mới, nâng cấp, đưa vào sử dụng hơn 1.000 km đường giao thông; xây dựng nhà máy thủy điện công suất nhỏ; xây dựng trạm điện hạ thế; hồ đập ngăn, chứa nước; các hệ thống trường học, nhà mẫu giáo, bệnh xá...

Ở Binh đoàn 15, với hơn 1,7 vạn lao động, thuộc nhiều vùng quê, nhiều dân tộc khác nhau, làm việc trong điều kiện còn rất thiếu thốn khó khăn cả về vật chất và tinh thần, trong sự tác động khắc nghiệt của khí hậu và phức tạp của tình hình an ninh, chính trị, xã hội, việc chăm lo yếu tố con người đã trở thành vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp thiết. Nhận thức như trên nên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ KT-QP Binh đoàn đã quan tâm thường xuyên tới việc giáo dục, rèn luyện, phát huy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” vào mặt trận mới, trong điều kiện mới; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động; đồng thời xây dựng Binh đoàn vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức nhằm tạo ra một môi trường chính trị, văn hóa, xã hội lành mạnh, tốt đẹp cho sự phấn đấu, trưởng thành của mọi cá nhân và tập thể.

Không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, phát huy cao tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc, yên tâm gắn bó với đơn vị, địa bàn, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tích cực sáng tạo trong học tập, lao động, công tác... là những yêu cầu cơ bản đặt ra cho mọi thành viên của Binh đoàn; đồng thời đây cũng là những nội dung quan trọng mà lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các đoàn thể, tổ chức trong đơn vị phải quan tâm xây dựng. Việc bồi dưỡng, rèn luyện các thành viên trong Binh đoàn được tiến hành thông qua quá trình hoạt động thực tiễn thực hiện nhiệm vụ KT-QP và qua các phong trào hành động cách mạng xây dựng đơn vị, xây dựng địa bàn. Nhiều năm qua, Đảng bộ Binh đoàn liên tục đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh”; Binh đoàn đạt đơn vị “Vững mạnh toàn diện”; tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì, cấp ủy viên các cấp đã phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức lối sống lành mạnh, có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức, kỹ năng quản lý; có ý thức tổ chức kỷ luật cao và phong cách làm việc dân chủ, khoa học, trách nhiệm đối với đơn vị, với tổ chức. Điều đó là nhân tố cốt lõi, quyết định tới kết quả hoàn thành nhiệm vụ và sự phát triển bền vững của Binh đoàn.

 

 

Yêu cầu nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng luôn được gắn liền với việc chăm lo đảm bảo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mọi thành viên. Nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định là điều được quan tâm thường xuyên, trước hết. Tuy phải tập trung nhiều vào yêu cầu đầu tư cho xây dựng cơ bản, xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng và tái sản xuất mở rộng, nhưng dựa trên giá trị sản xuất hàng hóa, lợi nhuận hàng năm tăng lên, thu nhập của người lao động trong Binh đoàn đã từng bước được cải thiện. Binh đoàn đã tạo điều kiện về đất đai, nguồn vốn, phương tiện kỹ thuật... để người lao động và đồng bào dân tộc thiểu số trên các vùng dự án KT-QP phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế vườn đồi, nâng cao thu nhập. Các điều kiện đảm bảo cần thiết cho đời sống của các thành viên trong Binh đoàn đã được chăm lo ngày càng đầy đủ. Đặc biệt là các yêu cầu về ăn, ở, nguồn nước sạch, điện thắp sáng, khám-chữa bệnh, học hành đối với con em người lao động, Binh đoàn đã xây dựng 1 trường tiểu học nội trú, 11 trường mầm non, 132 nhà trẻ mẫu giáo, có 648 giáo viên, nuôi dạy 5.853 cháu; xây dựng 1 bệnh viện, 11 bệnh xá quân dân y kết hợp. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... được duy trì thường xuyên, tương đối đều khắp trong Binh đoàn và các đơn vị thành viên có sự tham gia của đồng bào địa phương. Tuy chưa phải là đầy đủ, hoàn thiện nhưng điều kiện đảm bảo và hoạt động về văn hóa, tinh thần ở các khu dân cư tập trung của Binh đoàn đã trở thành những điểm sáng về văn hóa-xã hội trên những vùng rừng núi, biên giới, làm cho các thành viên gắn bó, yêu mến hơn với đơn vị, địa bàn; đồng thời góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ tin tưởng, đoàn kết, gắn bó của đồng bào các dân tộc với Binh đoàn... Sự yên tâm gắn bó với công việc, tình nguyện “sinh cơ, lập nghiệp” trên một địa bàn còn nhiều khó khăn, thử thách của hàng ngàn hộ gia đình với hàng vạn lao động từ mọi miền của Tổ quốc là những giá trị hết sức quý báu được tạo dựng nên từ hoạt động KT-QP; đồng thời cũng là một đảm bảo quan trọng để các khu KT-QP tiếp tục phát triển, phát huy tác dụng tích cực về lâu dài.

Trong xây dựng khu KT-QP yêu cầu phải gắn bó mật thiết, máu thịt với cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc trên địa bàn để thực hiện những chủ trương lớn của Đảng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường QP-AN... lấy hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố QP-AN làm mục tiêu, vừa là một nội dung, vừa là một phương thức cơ bản. Điều này đã được Binh đoàn 15 hết sức chú trọng và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Thực hiện quy chế đã xác định, Binh đoàn luôn phối hơp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn và cấp tỉnh, huyện tổ chức hội nghị liên tịch hàng năm 2 lần; công ty với cấp huyện, xã; đội sản xuất với cấp thôn, làng 1 lần trong tháng. Thông qua hoạt động này Binh đoàn cùng địa phương và các lực lượng nắm bắt kịp thời tình hình an ninh, chính trị, KT-XH, nhất là những khó khăn, vướng mắc để đề ra phương hướng phối hợp giải quyết. Binh đoàn đã tổ chức kết nghĩa giữa 169 đội sản xuất với 220 thôn, làng; có 4.283 hộ công nhân người Kinh của Binh đoàn gắn kết với 4.283 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên các khu dự án quốc phòng. Các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội do Binh đoàn kết hợp với địa phương tổ chức đã có tác dụng tích cực đối với đồng bào các dân tộc ở nhiều vấn đề như: không theo cái gọi là “Tin lành Đê-ga”, không nghe lời lừa gạt, xuyên tạc của kẻ xấu để bỏ ruộng vườn, vượt biên trái pháp luật, không tham gia bạo loạn, gây rối. Cũng qua các hoạt động này Binh đoàn đã góp phần từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu như đốt rừng làm rẫy, sống du canh, du cư, các hủ tục ma chay kéo dài... trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đối với địa bàn Tây Nguyên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông, tỷ lệ hộ nghèo trong nhiều năm trước đây kéo dài và tương đối phổ biến việc phối hợp chặt chẽ với địa phương xóa đói, giảm nghèo để đồng bào có cơm ăn, áo mặc, được chữa bệnh, con em được đến trường học tập là đòi hỏi thiết thực nhất. Để góp phần giải quyết thực tế trên, Binh đoàn đã kiên trì vận động, tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng và nhận khoán cây cao su, cà phê và giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ phương tiện khai hoang, vốn, cây giống; giao một phần đất dự án gần nguồn nước để đồng bào có điều kiện thuận lợi canh tác góp phần ổn định cuộc sống; hiện có 4.588 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vào làm việc lâu dài với Binh đoàn có thu nhập ổn định (lương bình quân 6,5 triệu đồng/tháng). Nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số qua sản xuất, công tác đã trở thành đảng viên, đội phó sản xuất, thợ kỹ thuật có tay nghề cao. Các đội sản xuất đã thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào địa phương “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn đồng bào về kỹ thuật trồng cây công nghiệp; chuyển đổi tập quán canh tác, chăn nuôi, cải tạo vườn nhà, vườn đồi sang trồng cây có giá trị hàng hóa cao, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số nhờ đó đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu.

Gần 30 năm xây dựng và phát triển, Binh đoàn 15 đã có được một số thành tựu, kinh nghiệm được ghi nhận. Danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới mà Đảng và Nhà nước phong tặng cho Binh đoàn (năm 2003) là sự động viên, khích lệ rất to lớn đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn trong chặng đường phấn đấu, trưởng thành để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ KT-QP trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên của Tổ quốc với rất nhiều thách thức, khó khăn.

Thiếu tướng Đặng Anh Dũng
(Tư lệnh Binh đoàn 15)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.