(GLO)- Những năm qua, HĐND huyện Chư Prông đã ban hành nhiều nghị quyết sát thực tế, được cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đồng thuận hưởng ứng, thực hiện tích cực, hiệu quả. Một trong những yếu tố tạo nên kết quả đó là do HĐND huyện đã thực hiện tốt chức năng giám sát.
Thực hiện chương trình giám sát năm nay, cùng với việc xem xét và cho ý kiến vào các báo cáo công tác của Thường trực HĐND, các ban HĐND, UBND, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, của các cơ quan hữu quan tại kỳ họp, Thường trực HĐND huyện đã xây dựng kế hoạch và tiến hành giám sát, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết HĐND trên một số lĩnh vực như: thu-chi ngân sách, công tác đảm bảo quốc phòng-an ninh, việc cấp phát các mặt hàng chính sách…
Lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND. Ảnh: N.D |
Thông qua đó, đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng đến các cấp, các ngành nhằm chấn chỉnh một số hạn chế và tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, các ban HĐND huyện cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện giám sát có hiệu quả các nội dung theo kế hoạch đề ra.
Ban Kinh tế-Xã hội đã tiến hành giám sát trực tiếp tại 9 trường học trên địa bàn thị trấn Chư Prông và 2 xã: Ia Drăng, Bàu Cạn về việc thực hiện các khoản thu-chi từ nguồn huy động đóng góp; tại Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Phòng Kinh tế-Hạ tầng về kết quả thực hiện việc đầu tư các mô hình điểm về cây trồng, vật nuôi trên địa bàn từ năm 2010 đến nay; tại Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng, Phòng Kinh tế-Hạ tầng về hiệu quả, tiến độ, chất lượng các công trình đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn năm 2012 và tiến độ xây dựng các công trình khởi công mới năm 2013.
Qua đó kết luận việc huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học của các nhà trường là thực sự cần thiết, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Quá trình quản lý và sử dụng các khoản đóng góp cơ bản đảm bảo trên tinh thần tự nguyện dân chủ, công khai, minh bạch; các khoản chi thiết thực so với thực tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số vấn đề hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục như: đa số các khoản thu được tính bình quân trên một học sinh để tham gia đóng góp; có một số khoản lạm thu…
Đối với việc triển khai các mô hình điểm về cây trồng, vật nuôi các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai theo kế hoạch được UBND huyện giao, có sự phối hợp khá tốt giữa các cơ quan liên quan với các xã, thị trấn, không có sự trùng lắp giữa các địa bàn và đối tượng được triển khai mô hình điểm. Hầu hết các mô hình được triển khai đạt hiệu quả. Các giống cây trồng, vật nuôi sinh trưởng khá tốt, cơ bản phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khả năng tổ chức quản lý sản xuất của nhân dân.
Việc thực hiện các mô hình, chương trình hỗ trợ giúp các hộ dân trên địa bàn có điều kiện tiếp cận với các loại giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, một số mô hình chậm được sơ-tổng kết; công tác tuyên truyền về hiệu quả của các mô hình trong nhân dân chưa tốt nên việc áp dụng một số mô hình đạt hiệu quả, năng suất, chất lượng cao trên địa bàn chưa nhiều; việc kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan, chủ dự án và UBND các xã cho các đối tượng thuộc dự án chưa thường xuyên, kịp thời…
Điều đáng ghi nhận là không chỉ dừng lại ở việc đưa ra các kiến nghị cụ thể, khả thi để đơn vị được giám sát tiếp thu, khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thường trực HĐND và các ban HĐND huyện còn thường xuyên đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan chức năng. Nhờ đó các kiến nghị sau giám sát của HĐND và các ban HĐND huyện đã được các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có tác dụng tích cực trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc tại địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết HĐND huyện đề ra.
Nguyễn Dung