Thừa Thiên - Huế: Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử và hàng trăm lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hoá Huế, Thừa Thiên - Huế thực sự là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh để trở thành thành phố Festival, trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước và của châu Á trong tương lai không xa.

 

Du khách tham quan Đại nội Huế
Du khách tham quan Đại nội Huế


Kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể

Ngược dòng lịch sử, Thừa Thiên - Huế (Cố đô Huế khi xưa) từng là địa bàn cư trú của những cộng đồng cư dân mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Trên nền tảng vật chất và tinh thần đã được hình thành ở Phú Xuân (Huế) từ đầu thế kỷ XIV (khi vua Chăm là Chế Mân dâng hai Châu Ô, Rí cho nhà Trần để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân), các chúa Nguyễn (thế kỷ XVI-XVIII), triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) và 13 đời vua Nguyễn (1802-1945) đã tiếp tục phát huy và gây dựng ở vùng Cố đô Huế một tài sản văn hóa vô giá. Thừa Thiên - Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

 

Cố đô Huế nhìn từ trên cao
Cố đô Huế nhìn từ trên cao.


Theo thống kê, vùng đất Cố đô Huế xưa mang trong mình một hệ thống di sản văn hóa vật thể khá đồ sộ với gần 1.000 di tích, địa điểm di tích lịch sử, cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích tôn giáo. Thừa Thiên - Huế tự hào là địa phương có một không gian văn hóa đặc sắc (vật thể và phi vật thể), một “gia tài” văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu và nổi bật nhất là Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và mới đây, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu.

Thừa Thiên - Huế cũng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị từ lao động, sáng tạo và văn hóa của cộng đồng dân cư sinh sống bao đời như: Làng điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh dân gian Làng Sình, tranh thêu cố đô, đan lát Bao La, gót Dã Lê, Đúc đồng Phường Đúc, dệt Zèng A Lưới...

Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực độc đáo với trên 1.300 món ăn cung đình tao nhã và dân gian phong phú, hấp dẫn (hiện cả nước có khoảng 1.700 món ăn), thể hiện nét tinh tế và cốt cách trong cách chế biến cũng như thưởng thức các món ăn của người Huế, theo thời gian đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của Huế.

Bên cạnh các di sản vật thể, Thừa Thiên - Huế là nơi tập trung các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng với các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình bác học, nghệ thuật trang trí, mỹ thuật, ẩm thực, phong tục tập quán. Nhã nhạc Việt Nam - Âm nhạc cung đình Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã và đang được gìn giữ và phát huy giá trị. Những năm gần đây, các loại hình múa hát cung đình, lễ nhạc cung đình, tuồng Huế, ca Huế, ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số đã và đang tiếp tục được đầu tư sưu tầm, khôi phục, phát huy và phát triển, đưa vào khai thác để phát triển du lịch văn hóa. 

 

Du khách tham quan Đại nội Huế
Du khách tham quan Đại nội Huế


Có thể nói, cùng với các di sản thế giới, di tích lịch sử và cách mạng thì kiến trúc Huế, y phục cổ truyền Huế, văn hoá ẩm thực Huế và nhiều làng nghề truyền thống đã và đang được bảo tồn, khôi phục và phát triển, tạo bản sắc văn hóa độc đáo của riêng Huế trong thời hiện đại. Đặc biệt, dự án di dời dân cư Kinh thành Huế đang triển khai thực hiện, là một cuộc di dân lịch sử để thực hiện trùng tu, bảo tồn nguyên gốc Kinh thành Huế nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Dân tộc và phục vụ phát triển quê hương Thừa Thiên - Huế nói riêng, cả nước nói chung.

Vùng đất của lễ hội đa sắc màu văn hóa  

Hơn 2 thập kỷ qua, với quyết tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng như mong muốn hội nhập với dòng chảy văn hóa của nhân loại, nhiều chủ trương, chính sách đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai thực hiện. Hiện nay, Thừa Thiên - Huế được tôn vinh là vùng đất của lễ hội (thành phố Huế là thành phố Festival của Việt Nam) với trên 500 lễ hội, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại từ bao đời nay và gắn liền với những giá trị văn hóa của mỗi vùng đất.

Đặc biệt, lễ hội Festival Huế diễn ra vào các năm chẵn và Festival Nghề truyền thống diễn ra vào các năm lẻ với những chuỗi hoạt động văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc gắn kết với hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế sôi động, đa dạng, phong phú đã được trình diễn trong các kỳ Festival đã góp phần nâng cao vị thế văn hóa Huế trong nước và quốc tế.

 

Biểu diễn nghệ thuật cung đình Huế
Biểu diễn nghệ thuật cung đình Huế


Nét đặc sắc và riêng có là vùng đất Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế ngày nay) với hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống đã được lưu giữ, hiện được khôi phục và phát huy, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của cộng đồng dân cư cũng như phát triển kinh tế thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ.

Tiêu biểu như Lễ hội cung đình Huế (Lễ tế Nam Giao, Lễ tế Đàn Xã Tắc, Lễ Truyền Lô, Lễ tế Văn Miếu...) và các Lễ hội văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo như Lễ Phật Đản, Lễ hội Điện Huệ Nam, Lễ hội Quán Thế Âm...; lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh, thành hoàng, lễ tưởng niệm các vị tổ sư làng nghề (Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội vật võ Làng Sình, vật võ Làng Thủ Lễ, đu tiên Phong Hiền, Lễ hội Làng Chuồn, Lễ hội đua ghe, Lễ hội thả diều...) và nhiều lễ hội khác như Lễ hội Đền Huyền Trân, Ngày hội Văn hóa Thể thao đồng bào các dân tộc miền núi, Lễ hội Lăng Cô huyền thoại biển, Lễ hội Thuận An biển gọi.

 

 Biểu diễn Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Biểu diễn Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia



Hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được tỉnh Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh; hệ thống Di tích lịch sử cách mạng, Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh... được giữ gìn và tôn tạo; các loại hình nghệ thuật (Cung đình, dân gian, truyền thống) được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị.

Có thể khẳng định, với nguồn tài nguyên được nuôi dưỡng và bồi đắp qua nhiều giai đoạn lịch sử, hệ thống di sản văn hóa của vùng đất Cố đô Huế đã và đang tiếp tục gìn giữ, bảo tồn không chỉ mang ý nghĩa quốc hồn, quốc túy của dân tộc mà còn góp phần xây dựng Thừa Thiên - Huế phát triển theo hướng “Đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm, mục tiêu về việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và đô thị thông minh.... Đến năm 2025, xây dựng Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao...

Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á


Theo VĂN THẮNG - BÙI THẢO (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.