Trong thời gian tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Québec, Canada, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc song phương với hầu hết lãnh đạo các nước G7, các nước và tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng định G7 mở rộng.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Chính phủ, Nhà vua, Hoàng hậu, Hoàng gia và nhân dân Nhật Bản, đã đón tiếp trọng thị Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản vừa qua, góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe nhất trí hai bên cần tăng cường phối hợp đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản phát triển thực chất và hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực, triển khai tốt các thỏa thuận, Tuyên bố chung hai bên đã nhất trí trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Hai Thủ tướng cũng nhất trí hai nước cần tập trung nỗ lực sớm phê chuẩn và đi vào triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm mang lại lợi ích cho hai quốc gia và cả khu vực.
Thủ tướng Shinzo Abe cam kết hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN-Nhật nhằm đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Abe tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) - ASEAN vào tháng 9/2018 tại Việt Nam.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Erna Solberg đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước hiệu quả hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp Na Uy tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà Na Uy có thế mạnh như vận tải biển, đóng tàu, dầu khí, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước phối hợp thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) trên tinh thần cân bằng lợi ích, có tính tới chênh lệch về trình độ phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Na Uy hỗ trợ Việt Nam phát triển y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường... Thủ tướng Na Uy đánh giá hợp tác lâm nghiệp giữa Na Uy và Việt Nam có nhiều phát triển tốt và cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy phát triển thành công tại Na Uy, là cầu nối cho mối quan hệ hữu nghị Na Uy – Việt Nam.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. |
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn những đánh giá và tình cảm tốt đẹp của bà dành cho Việt Nam và quan hệ hai nước, trong đó có việc đón tiếp trọng thị Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Bangladesh tháng 3/2018. Thủ tướng Bangladesh mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sớm thăm Bangladesh. Bà khẳng định Việt Nam là tấm gương và nguồn cổ vũ người dân Bangladesh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sheikh Hasina nhất trí thúc đẩy các nỗ lực nhằm củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, khai thác thế mạnh và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Bangladesh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới hai bên tập trung triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước, Việt Nam sẵn sàng cung cấp lương thực ổn định lâu dài cho Bangladesh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bangladesh ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. |
Tại cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về bước phát triển toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, trong đó chuyến thăm Pháp tháng 3/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp đi vào chiều sâu. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước tiếp tục có nhiều tiến triển tích cực. Hiện Pháp là đối tác kinh tế quan trọng của hàng đầu Việt Nam ở châu Âu.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hiệu quả của các cơ chế hợp tác, thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chiến lược, an ninh- quốc phòng, phối hợp triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Macron nhất trí mở rộng tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác giữa các địa phương hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời mời của lãnh đạo Việt Nam tới Tổng thống Pháp và mời Thủ tướng Pháp sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn sẽ thăm Việt Nam trong năm 2019 và sẽ chuyển lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Thủ tướng Pháp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Thủ tướng Giuseppe Conte vừa được bổ nhiệm giữ chức Thủ tướng Italy. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Italy phát triển sâu rộng, duy trì và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn Italy ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Italy sớm thăm Việt Nam. Thủ tướng Italy đã vui vẻ nhận lời.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Argentina Mauricio Macri. |
Tại cuộc gặp với Tổng thống Argentina Mauricio Macri, hai nhà lãnh đạo khẳng định coi trọng mỗi nước trong tổng thể chính sách đối ngoại của nhau và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác mang tầm chiến lược giữa hai nước, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai bên góp phần thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại hai chiều đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Tổng thống Argentina trân trọng mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Argentina năm 2018, khẳng định mong muốn thăm Việt Nam vào năm 2019 nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương. Trước mắt, Bộ trưởng Ngoại giao Argentina dự kiến thăm Việt Nam vào tháng 7/2018 để trao đổi cụ thể về các hoạt động ngoại giao hai nước trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác lâu dài.
Cũng trong thời gian tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp, trao đổi với Tổng thống các nước Haiti, Senegal, Nam Phi. Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với lãnh đạo các nước về nhiều biện pháp mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và các nước này, đặc biệt là hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư nhằm khai thác tiềm năng còn rất nhiều của các mối quan hệ song phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Chính phủ Senegal quan tâm, công nhận vị thế pháp lý của cộng đồng người Việt Nam sinh sống làm ăn tại Senegal.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Nam Phi ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Lãnh đạo các nước đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị, truyền thống với Việt Nam, quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới Kristalina Georgieva. |
Ngay sau phiên họp Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam trân trọng ý kiến tư vấn của các tổ chức WB và IMF đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát thấp. Tổng Giám đốc WB và IMF bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, nhiều rủi ro.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị WB tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nghèo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc sử dụng hiệu quả vốn ưu đãi IDA.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị IMF phối hợp theo dõi, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam; tiếp tục tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế vĩ mô, hoàn thiện các công cụ tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính – ngân hàng; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về quản lý ngân sách bền vững, tiền tệ và ngoại hối, nghiệp vụ ngân hàng, thống kê kinh tế vĩ mô…
Tổng Giám đốc WB Kristalina Georgieva khẳng định WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong cải thiện môi trường đầu tư, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định IMF và cá nhân bà ủng hộ mạnh mẽ và sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình cải cách. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời lãnh đạo WB và IMF dự WEF - ASEAN tại Việt Nam vào tháng 9 năm 2018.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres |
Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và ủng hộ các nỗ lực và đóng góp của cá nhân Tổng Thư ký đối với việc tăng cường vai trò của ngoại giao phòng ngừa, ngăn ngừa xung đột, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đã và sẽ tham gia tích cực vào các công việc chung của Liên Hợp Quốc. Việt Nam ủng hộ cải tổ Liên Hợp Quốc theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc bày tỏ cá nhân ông mong muốn được thấy Việt Nam trở thành thành viên tích cực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - ASEAN và thăm Việt Nam. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã vui vẻ nhận lời và bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam.
Tại các cuộc gặp, tiếp xúc song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế cũng đã dành thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng cùng quan tâm.
Đức Tuân (chinhphu.vn)