Thế giới từ kinh ngạc đến nể phục khả năng ghép tạng của Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Gần 30 năm qua, ghép tạng ban đầu chỉ là ước mơ đối với giới y học và người bệnh Việt Nam chẳng may bị suy tạng cần điều trị thay thế, nay đã có thể bắt kịp với thế giới. Thậm chí, ngành ghép tạng ở Việt Nam còn có nhiều thành tựu, khiến thế giới ngưỡng mộ, mặc dù Việt Nam bắt đầu chậm hơn gần nửa thế kỷ.

Ca ghép thận được thực hiện tại BV TƯQĐ 108. Ảnh: BVCC
Ca ghép thận được thực hiện tại BV TƯQĐ 108. Ảnh: BVCC


Thực hiện ca ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên trên thế giới

Sự kiện đầu tiên phải kể đến ngày 21.1.2020, các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống- mở ra một năm 2020 với nhiều thành công của ngành hiến ghép mô tạng ở Việt Nam.

Kíp mổ do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc bệnh viện thực hiện, sau 8 giờ, ca ghép cẳng tay và bàn tay mới từ người hiến sống cho một nam bệnh nhân đã thành công. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay bên lành, bàn tay dần dần hồi phục, thích ứng với cơ thể mới, cử động và cầm nắm đồ vật chỉ sau 1 tháng ghép.

Ca ghép chi thể đầu tiên từ người cho sống trên thế giới được thực hiện thành công tại Việt Nam đã nâng tầm y khoa Việt Nam, là hy vọng của nhiều bệnh nhân bị đứt rời chi thể ở Việt Nam.

“Đây là một ca ghép tuyệt vời. Kỹ thuật ghép chi thể đứt rời rất phức tạp, các nước tiên tiến đi trước chúng ta hàng chục năm nhưng cũng chưa bao giờ thực hiện được ca ghép chi thể từ người cho sống vì hiếm có cơ hội chấn thương đứt rời chi vẫn đủ điều kiện để ghép lại. Muốn ghép cũng không ghép được vì nếu như không chuẩn bị đầy đủ về kỹ thuật, không quyết tâm thì không thể chớp được cơ hội ghép chi thể cho người bệnh từ chi thể đã buộc phải bỏ đi của người khác”- GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam đánh giá.

Những kỹ thuật y khoa cực khó nhưng đã trở thành thường quy

Năm 2010 được coi là năm bước ngoặt phát triển của ghép tạng Việt Nam nhờ thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu về ghép tạng từ người cho chết não. Đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền y học nước nhà, đồng thời mở ra cơ hội sống cho người bệnh.

Tại Việt Nam, ca ghép tim từ người cho đa tạng thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2011, đã mở ra một hướng mới điều trị người bệnh bị bệnh tim giai đoạn cuối ở Việt Nam; có thể lấy đa tạng để ghép cho nhiều người bệnh và ghép đa tạng (cùng một lúc ghép 2 tạng trên 1 người bệnh).

Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên ở Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não. Lần đầu tiên ở Việt Nam đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2009-2019 đã có 57 bệnh nhân chết não hiến tạng. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện ghép tim cho 25 trường hợp, ghép phổi cho 2 trường hợp, ghép gan cho 54 trường hợp và ghép thận cho 99 trường hợp.

Với những thành công đó, Bộ Y tế đã đưa ra những yêu cầu mang tính cụ thể và thực tiễn hơn đối với ghép tim, đó là: Làm sao để phát triển ghép tim thành phẫu thuật thường quy tại cơ sở y tế Việt Nam, ghép tim cần thực hiện trong bối cảnh lấy - ghép đa tạng theo xu thế chung của thế giới.

Nói về kỷ lục mới này, GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 - cho biết “Bệnh viện TƯQĐ 108 đã đồng thời triển khai ghép gan 5 ca trong 1 tuần. Trong đó có ca ghép gan theo kế hoạch, ghép gan cấp cứu, ghép gan từ người cho sống, ghép gan từ người hiến chết não, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em. Trước đây chúng tôi phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để lấy và ghép tạng xuyên Việt. Chúng tôi là người cung cấp tạng cho các Bệnh viện. Nhưng trong tuần vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đi lấy gan tại Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu và vận chuyển tạng về Hà Nội để ghép”.

Riêng trong năm 2020 - dịch COVID-19 bùng phát, Bệnh viện vẫn đảm bảo ghép gan 40 ca. Ghép gan từ người hiến sống chiếm 95%. Chức năng sống trên 1 năm sau khi thực hiện ghép gan đạt 90%. Đây được coi là một thành quả vô cùng ý nghĩa đối với Bệnh viện TƯQĐ 108 và ngành Y tế Việt Nam trong tiến trình chinh phục những đỉnh cao về lĩnh vực ghép tạng.

Về lĩnh vực ghép phổi, kể từ ca ghép phổi đầu tiên năm 2018, các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã làm chủ kỹ thuật được coi là đỉnh cao của y học, với niềm hy vọng điền tên Việt Nam trên bản đồ ghép phổi thế giới. Tháng 9.2020, ca ghép phổi thứ 8 tại Việt Nam và là ca thứ 5 được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hoàn toàn do các bác sĩ Việt Nam tự làm. Đồng thời, đây cũng là ca “bệnh phổi mô kẽ” đầu tiên được ghép phổi tại nước ta.

Tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới

Liên tiếp trong 2 ngày 27- 28.10 vừa qua, Học viện Quân y đã thành công 2 ca ghép ruột, đánh dấu Việt Nam đã chinh phục thành công kỹ thuật ghép ruột - một trong những tạng ghép được cho là khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng.

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết- Giám đốc Học viện Quân y - đánh giá, ghép ruột là một trong những kỹ thuật ghép tạng rất khó. “Cơ thể người có 6 tạng quan trọng nếu bị suy mà không ghép thì bệnh nhân sẽ tử vong đó là tim, gan, phổi, thận, tụy, ruột. Việt Nam đã thực hiện thuần thục các kỹ thuật ghép thận, ghép tim, ghép gan, ghép tụy, ghép phổi rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống. Và giờ đây, sau nhiều năm chuẩn bị, các chuyên gia của Việt Nam đã chinh phục được kỹ thuật ghép ruột”.

 

https://laodong.vn/xa-hoi/the-gioi-tu-kinh-ngac-den-ne-phuc-kha-nang-ghep-tang-cua-viet-nam-864212.ldo

Theo Thùy Linh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.