"Tháng Ba biên giới"-Trách nhiệm và hành động của tuổi trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là hoạt động mũi nhọn của phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, chương trình “Tháng Ba biên giới” luôn là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng. Chương trình này vừa giúp các bạn trẻ nâng cao nhận thức, hành động trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh Tổ quốc, vừa huy động nguồn lực chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, đồng bào khu vực biên giới.

Ðoàn Thanh niên TP Hồ Chí Minh tặng máy tính bảng trong chương trình
Ðoàn Thanh niên TP Hồ Chí Minh tặng máy tính bảng trong chương trình "Tuổi trẻ EVN thắp sáng niềm tin" cho trẻ mồ côi do dịch Covid-19 ở Quận 4. Ảnh TTXVN
“Thắp lửa” trong người trẻ
Một ngày đầu tháng 3/2022, nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” do Trưởng nhóm Nguyễn Duy Học dẫn đầu rong ruổi trên cung đường quanh co hướng đến Ðồn Biên phòng cửa khẩu Ðăk Ruê (xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Ðắk Lắk). Khác với những chuyến đi trước, lần này, các thành viên của “Vòng tay yêu thương” tham gia chuỗi hoạt động tình nguyện hưởng ứng chương trình “Tháng Ba biên giới” năm 2022 do Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động.
Sau 120 km chạy xe máy và tiến hành sửa chữa, thay thế 30 bộ bàn ghế cũ hỏng giúp học sinh Trường THCS Ea Bung, trao hơn 110 phần quà là đồ dùng học tập tặng học sinh Trường Tiểu học Ea Bung, cả nhóm tiếp tục di chuyển thêm 60 km để đến thăm, tìm hiểu về cột mốc biên giới số 42, trao quà tặng cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng cửa khẩu Ðăk Ruê và Chốt dân quân thường trực xã Ea Bung...
Những hoạt động nêu trên chứa chan tình cảm, tinh thần xung kích vì cộng đồng, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, con người, nâng cao nhận thức về chủ quyền quốc gia và lan tỏa ngọn lửa nhiệt huyết trong những người trẻ. Nguyễn Thị Cúc (học sinh lớp 12, xã Ea Kly, huyện Krông Pác, tỉnh Ðắk Lắk), tình nguyện viên nhóm “Vòng tay yêu thương”, vừa đánh bóng những mối nối rỉ sét trên bàn ghế, vừa chia sẻ: “Tôi luôn muốn tham gia các hoạt động của nhóm từ những năm còn ngồi ghế THCS, bởi anh Duy Học là một thủ lĩnh tình nguyện có uy tín. Anh là người khuyết tật, nhưng vẫn tìm đến khắp các buôn làng giúp đỡ cộng đồng, thì tại sao chúng tôi lại không làm được.
Vì vậy, dù hiện tại tôi cũng bận ôn thi đại học, thi đội tuyển học sinh giỏi... nhưng vẫn dành thời gian tham gia cùng các anh chị trong nhóm. Chỉ riêng hoạt động sửa chữa bàn ghế ở các ngôi trường vùng cao cũng đã rất lý thú, thiết thực. Nghĩ tới cảnh tượng các em học sinh tuần sau tới lớp, được ngồi trên những bộ bàn ghế chắc chắn là tôi quên hết mệt mỏi”.
Cũng với những cảm xúc, ý nghĩa chân thành ấy, tuổi trẻ huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) đã dùng sức trẻ hỗ trợ xây dựng “Ngôi nhà hạnh phúc” tặng em Tẩn Khánh Toàn, học sinh lớp 3B, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã A Mú Sung (huyện Bát Xát). Người dân xã vùng cao khó khăn A Mú Sung ai cũng biết đến hoàn cảnh gia đình Khánh Toàn. Bố mất sớm, em ở cùng mẹ và hai chị em gái cũng đều còn nhỏ. Vốn mắc bệnh hiểm nghèo, hằng tháng em đều phải đi điều trị tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Lào Cai. Chi phí chữa bệnh cho em rất tốn kém. Gia đình Khánh Toàn nỗ lực cầm cự hằng ngày, căn nhà vốn đơn sơ đã xuống cấp nặng nề, không còn đủ an toàn để cho ba mẹ con trú mưa, che nắng.
Trước tình hình đó, Trung ương Ðoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã huy động nguồn lực xã hội, hỗ trợ gia đình Tẩn Khánh Toàn 80 triệu đồng để xây một ngôi nhà mới khang trang, góp phần tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để cậu học trò người dân tộc thiểu số chiến đấu với căn bệnh quái ác.
Tại các trường bán trú, điểm trường vùng cao Bát Xát, các cấp bộ Ðoàn hỗ trợ xây 10 công trình “Nhà vệ sinh cho em”, mỗi công trình trị giá 60 triệu đồng; trao nhiều phần quà tặng thiếu niên, nhi đồng, các hộ dân, hội viên Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn trú tại khu vực biên giới. Ðồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Bí thư Huyện đoàn Bát Xát chia sẻ: “Các hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Tháng Ba biên giới” năm nay đã mang lại cảm xúc tự hào, truyền tải thông điệp về tình yêu Tổ quốc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đến với không chỉ thanh niên mà còn cả người dân các địa phương có đường biên giới. Ðiều đó thể hiện rõ nhất qua lễ chào cờ đặc biệt tại công trình thanh niên Cột cờ Lũng Pô. Mỗi bạn trẻ tham dự buổi lễ đều thể hiện quyết tâm, ý chí nỗ lực lao động, học tập, rèn luyện để xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước”.

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nậm Cắn (Nghệ An) tuần tra hưởng ứng Chương trình “Tháng Ba biên giới”.
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nậm Cắn (Nghệ An) tuần tra hưởng ứng Chương trình “Tháng Ba biên giới”.
Góp sức bảo vệ biên cương
Ðược tổ chức kéo dài suốt “Tháng Thanh niên” hằng năm, mỗi lần triển khai, chương trình “Tháng Ba biên giới” lại trở thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của tuổi trẻ cả nước chứ không chỉ riêng tại các địa phương có đường biên giới. Qua đây, đoàn viên, hội viên, thanh niên có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và thực hành Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Chương trình hành động của Ðoàn thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng về bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo.
Xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có đường biên giới dài, trên địa bàn có nhiều hộ dân là đồng bào các dân tộc thiểu số. Những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh tại Nậm Cắn có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tại nhiều thôn, bản, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn chiếm tới gần 40%, hủ tục vẫn còn tồn tại, người mù chữ, tái mù chữ còn nhiều. Tình trạng vượt biên, tội phạm, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, mua bán người, chặt phá rừng... vẫn xuất hiện ở một số địa bàn.
Nắm bắt tình hình trên, Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã phân công, bố trí cán bộ, nhất là đoàn viên, thanh niên xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của các “Ðội xung kích tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới” cùng chi đoàn thanh niên địa phương ở 8 bản giáp biên. Theo Thượng tá Trịnh Văn Quế, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Nậm Cắn, các đội xung kích có nhiệm vụ phối hợp tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới cột mốc, đường mòn, lối mở kết hợp tuần tra bảo vệ rừng. Qua đó, vừa tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ biên giới cho các hộ làm nương, rẫy giáp biên, vừa kịp thời phát hiện, bắt giữ hàng chục đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép.
Chi đoàn thanh niên Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn có 21 đoàn viên, trong đó 9 đoàn viên là người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, chi đoàn đã phối hợp với tổ chức Ðoàn Thanh niên địa phương xây mới, tu sửa gần 5km đường bê-tông, giúp đỡ 5 hộ neo đơn làm vườn, làm rẫy, tham gia chữa cháy 3 nhà dân. Các cán bộ, chiến sĩ của Ðồn nhận đỡ đầu, giúp đỡ 5 học sinh nghèo vượt khó, phối hợp Trường Tiểu học Nậm Cắn 2 tổ chức chương trình “Tết ấm nơi biên cương” cho 250 học sinh trên địa bàn. Hưởng ứng chương trình “Tháng Ba biên giới” năm 2022, các cán bộ, chiến sĩ trẻ của Ðồn tiếp tục phối hợp đoàn viên, thanh niên địa phương trồng, chăm sóc hàng cây hữu nghị Việt-Lào, xây dựng 1 km đường điện thắp sáng thôn bản, giúp 25 ngày công xây một công trình “Nhà đẹp cho em”, một  “Trường đẹp cho em”...
Tại thành phố Ðà Nẵng, các nội dung của chương trình “Tháng Ba biên giới” năm nay được Quận đoàn Thanh Khê cùng Ðoàn Thanh niên Bộ đội Biên phòng thành phố Ðà Nẵng triển khai gắn với việc tri ân, hỗ trợ sửa nhà tặng gia đình cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, nhằm động viên tinh thần ngư dân bám biển phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, các đơn vị đã trao 10 ảnh Bác Hồ, 30 cờ Tổ quốc, 500 lít dầu tặng 10 hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Nhận những món quà ý nghĩa trên, anh Lê Nguyên Phước (tổ 46, phường Thanh Khê Tây) xúc động: “Mỗi lần ra khơi, ngư dân thường phải làm cả tuần tới nửa tháng mới về nhà. Lênh đênh trên biển, nhưng chỉ cần nhìn lên lá cờ Tổ quốc là chúng tôi an tâm. Mỗi lần thay cờ trên tàu, chúng tôi làm lễ rất trang trọng”.
Tháng 3 hằng năm luôn là dịp đặc biệt đối với mỗi người trẻ Việt Nam. Cùng với các hoạt động sôi nổi của tuổi trẻ trên khắp cả nước nhân “Tháng Thanh niên”, đây là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước bằng những việc làm cụ thể hướng về các địa bàn biên giới. Năm nay, bên cạnh các hoạt động thi đua cao điểm, chương trình “Tháng Ba biên giới” còn lần đầu được tích hợp “Hành trình Thanh niên đến với cột mốc biên giới”. Qua chương trình, các bạn trẻ có cơ hội được chạm tay vào cột mốc đường biên để cảm nhận sự thiêng liêng của hai tiếng Tổ quốc.
Các bạn trẻ được tham gia hỗ trợ các chiến sĩ bộ đội biên phòng tuần tra biên giới để hiểu hơn những khó khăn, vất vả, hoặc chủ động bằng sức trẻ, trí tuệ đến chung tay chăm lo, đồng hành với người dân nơi biên giới, hỗ trợ người dân khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19, tăng cường các hoạt động đoàn kết-hữu nghị với nước láng giềng. Bằng những hành động thiết thực, các bạn trẻ đang góp phần chung tay xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Theo LINH PHAN và THANH TÂM (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

(GLO)- “Kết nối tình nguyện-cháy mãi nhiệt huyết của tuổi trẻ“ là phương châm hoạt động của nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau hơn 2 năm thành lập, nhóm không chỉ mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn là nơi các thế hệ cán bộ Đoàn gắn kết, “truyền lửa“ tình yêu với Đoàn.
Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

(GLO)- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung được các đơn vị trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Trong đó, mô hình “Vườn rau em chăm“ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn và khơi dậy tình yêu lao động trong học sinh.
Đôi vũ công đặc biệt

Đôi vũ công đặc biệt

(GLO)- Đến với khiêu vũ một cách tình cờ, đôi vận động viên (VĐV) Trần Nam Dũng-Lê Phương Thảo đã từng bước khẳng định vị thế ở môn thể thao đầy tính nghệ thuật này. Tấm huy chương bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi cùng tâm huyết của các vũ công.
Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

(GLO)- Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các phác đồ chữa trị mới, giúp người dân sớm phát hiện và điều trị ung thư tại chỗ. Một trong số đó là hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Tình nguyện mùa đông“ năm 2022 và “Xuân tình nguyện“ năm 2023. Trong 2 ngày (23 và 24-12), tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa và xã An Thành, huyện Đak Pơ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Ấm áp mùa đông“ năm 2022.
Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

(GLO)- Sau khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027) thành công tốt đẹp, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã đồng loạt tổ chức “Ngày thanh niên cùng hành động“. Trong đó, Gia Lai là 1 trong 7 điểm cầu được lựa chọn tổ chức cấp trung ương. Chuỗi hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

(GLO)- Sáng 18-12, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ phát động thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên (YEA). Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói“ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai và tỉnh Yên Bái.
Chung tay giúp trẻ em nghèo

Chung tay giúp trẻ em nghèo

(GLO)- Đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì chiếc áo ấm hay những đồ chơi tự chế rất có ý nghĩa. Thấu hiểu điều đó, chương trình “Áo ấm cho em“ đã trao tặng những chiếc áo ấm cùng những phần quà ý nghĩa cho trẻ em ở 2 huyện Ia Pa và Chư Păh (tỉnh Gia Lai).