Thăm Cô Ba ở làng Moncada

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở dĩ nói làng Moncada là bởi, trong dịp lễ kỷ niệm lần thứ 24 ngày Đồng khởi tổ chức tại Bến Tre hồi tháng Giêng năm 1984, UBND tỉnh Bến Tre quyết định chọn xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, quê hương của Cô Ba Định làm nơi "kết nghĩa" với Cuba mang tên Moncada, nơi đã phóng lên phát pháo hiệu mở đầu của cuộc khởi nghĩa giải phóng Cuba khỏi ách thống trị của những kẻ bù nhìn Batixta. Cho đến khi ấy, ở xứ sở người anh hùng Fidel Castro xa xôi cũng có tên "Làng Bến Tre"-biểu tượng cho sự đoàn kết của hai dân tộc anh em Việt Nam-Cuba mà Cô Ba, lại cũng là biểu tượng của phong trào đồng khởi và đội quân tóc dài từ Bến Tre-lúc sinh thời là người đại diện cho Việt Nam ta đảm trách chức Chủ tịch Hội Hữu nghị đoàn kết Việt Nam-Cuba.
 

Khu Lưu niệm Cô Ba Định. Ảnh: Đoàn Minh Phụng
Khu Lưu niệm Cô Ba Định. Ảnh: Đoàn Minh Phụng

Con đường đến Moncada-Lương Hòa, quê hương vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người anh hùng của xứ dừa “dáng đứng Bến Tre” khá tốt và cách trung tâm thành phố Bến Tre cũng chưa đầy mười cây số, thế nhưng anh lái xe xứ Cao nguyên đất đỏ rất lúng túng, vì đường thì nhiều ngả rẽ, lại không thấy có biển chỉ dẫn, nên mấy lần nhờ bà con ven đường chỉ bảo chúng tôi mới đến được nơi cần đến, nơi mà với cái địa danh không ít người đã thuộc nằm lòng, bởi vùng “Đất thép thành đồng” Giồng Trôm này như thể để sinh ra những người con bất khuất, kiên trung, những vị tướng tâm tài toàn vẹn một thời chống giặc xâm lăng, Cô Ba là một trong 11 vị tướng ấy; người Bến Tre, chẳng biết tự bao giờ trong tiềm thức đã luôn kính trọng, ngưỡng mộ, tưởng nhớ đến nữ tướng Nguyễn Thị Định và luôn gọi bằng “Cô Ba” với cả tấm lòng thân thương trìu mến.

Lúc còn trong hậu cứ thời chống Mỹ, chỉ là một chiến sĩ, một nhân viên nhưng tôi đã từng không ít lần trong các cuộc học tập chính trị, chỉnh huấn hàng năm, những người chỉ huy, lãnh đạo đã nhắc đến Cô Ba, với tấm lòng yêu mến và khâm phục, noi gương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam ấy, dẫu vậy nhưng còn bao điều về Cô Ba, cho tới khi lần đầu đặt chân lên xứ Dừa tôi cũng chỉ mới biết thêm, mà chưa thể gọi là nhiều từ anh Ngô Văn Minh, một hướng dẫn viên bất đắc dĩ, bởi khi chúng tôi đến Khu lưu niệm người nữ anh hùng thì đã hết giờ làm việc. Anh Minh cho biết: “Các anh đến sớm hơn vài chục phút thì tốt biết mấy, sáng nay có ba đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên trên thành phố Hồ Chí Minh về thăm viếng, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Cô Ba, họ cũng vừa đi đấy thôi”. Với vốn liếng có hạn của người không chuyên nghề hướng dẫn viên, anh Minh thật lòng chỉ cho tôi tìm thêm một số sách báo có ở đây để “tìm hiểu về Cô Ba cho chắc”.

Bến Tre được hình thành bởi cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa, có bốn con sông lớn gần như ôm trọn vùng đất địa linh nhân kiệt này là Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai và Sông Tiền, những dòng sông mang nhiều trầm tích ấy quanh năm đem lại cho vùng đất Bến Tre phù sa màu mỡ, tạo ra nguồn tài nguyên sinh thái phong phú, đa dạng. Giồng Trôm, quê hương của Cô Ba, nơi có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, áp bức, cường quyền; rồi khai hoang, lập ấp, phát triển, sinh tồn qua bao đời nay, được coi là một trong những địa phương ở tóp đầu về phát triển kinh tế-xã hội của Bến Tre. Người dân tự hào về xứ sở người nữ anh hùng Nguyễn Thị Định của mình, cho nên các phong trào có ích cho dân, cho nước, bà con nhiệt tình tham gia và đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Đáng quan tâm là theo một số liệu công bố mới đây, Giồng Trôm có 19/19 xã (nông thôn) hoàn thành quy hoạch và có 5 xã đạt trên 13 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con nơi đây không ngừng cải thiện qua từng năm.

 

Ảnh: Đoàn Minh Phụng
Ảnh: Đoàn Minh Phụng

Tưởng nhớ về người nữ anh hùng, vị nữ tướng đầu tiên của quân đội ta, sau tám năm Cô Ba về cõi vĩnh hằng khi ở tuổi bảy ba-năm 2000, lãnh đạo và nhân dân Bến Tre đã khởi công xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định-bà con ở đây gọi là Đền thờ Cô Ba Định, ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn của bà-ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Sau 3 năm xây dựng, ngày 20-12-2003, nhân dịp kỷ niệm 43 năm thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (20-12-1960–20-12-2003), Đền thờ Cô Ba Định đã được khánh thành và đưa vào sử dụng trong sự hân hoan của đồng bào, đồng chí khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Trong Khu lưu niệm có nhà trưng bày, triển lãm những hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Cô Ba. Những hiện vật tiêu biểu được trưng bày ở đây như chiếc xe Honda 67 Cô Ba dùng đi công tác thuở nào vào những nơi mà thời ấy các phương tiện khác không thể đi được, sổ tay, bàn làm việc thời trong hậu cứ bị vết đạn giặc xuyên làm cho cháy sém, đồng hồ, bút bi, mắt kiếng... khi được xem và nghe qua những dòng chú thích, giải thích từ các kỷ vật và hình ảnh, chúng tôi thật sự xúc động và khâm phục tinh thần chiến đấu, làm việc, công tác, tác phong lãnh đạo, chỉ huy luôn gần gũi với cơ sở, với bà con cô bác, với đồng bào, đồng chí, với cán bộ, chiến sĩ của Cô Ba lúc sinh thời, từ khi là một cán bộ ở địa phương cho đến lúc làm đến Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước...

Anh Minh, người gắn bó với nơi đây đã trên ba năm bảo, từ khi Khu lưu niệm đi vào hoạt động đến thời điểm này đã có vài ba vạn lượt khách, đủ thành phần, tầng lớp và địa phương, đặc biệt là học sinh, sinh viên đến thăm viếng, tưởng niệm, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Cô Ba. Nhiều người trong số họ đã để lại những dòng lưu bút đầy cảm động và khâm phục tài đức của Cô Ba. Bà Phạm Thị Cẩn, Hội Cựu giáo chức tỉnh Bến Tre, viết: “Là con em của quê hương Giồng Trôm, Bến Tre, tôi rất đỗi tự hào vì quê hương tôi có một người con gái tài đức vẹn toàn đúng như lời khen tặng của Hồ Chủ tịch”, (Bác Hồ từng nói: “Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng miềm Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”-N.V).

Bí thư Huyện ủy huyện Mỹ Hòa, tỉnh Hưng Yên Vương Văn Đức thì ghi những dòng tâm huyết, tự hào: “Thật ngưỡng mộ và tự hào trước công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của Cô Ba với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng tôi nguyện sẽ cố gắng nhiều hơn trong công tác để xứng đáng với sự hy sinh của bà”. Còn với nữ giảng viên Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, ngành Quản trị kinh doanh thì bộc bạch tâm sự từ đáy lòng mình: “Chúng tôi thấy tự hào, kính phục và vô cùng xúc động khi được biết về cuộc đời hoạt động của Cô Ba”. Ủy viện Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ngày 17-9-2014 đến thăm và viết: “Chúng tôi vô cùng xúc động được về thăm quê hương, thăm Nhà lưu niệm người con ưu tú, người nữ tướng anh hùng của Bến Tre, của Việt Nam: Đồng chí Nguyễn Thị Định. Cuộc đời hoạt động cùng tấm gương kiên trung, bất khuất của đồng chí luôn là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam chúng ta”. Và còn nhiều, rất nhiều những dòng cảm xúc ghi lại trong sổ lưu niệm ở Đền thờ Cô Ba Định, nhưng khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi không thể trích dẫn được nhiều.

 

Ảnh: Đoàn Minh Phụng
Ảnh: Đoàn Minh Phụng

Chia tay xứ Dừa, quê hương của người nữ anh hùng, của vị tướng tài đức vẹn toàn, chia tay nơi linh hồn Cô Ba nằm lại, để lại trong chúng tôi bao niềm xúc động và tự hào về một người phụ nữ tiêu biểu của truyền thống, khí phách của dân tộc Việt Nam anh hùng-của một xứ sở mà giờ đây có kẻ bên cạnh luôn lăm le muốn lại thôn tính nước ta lần nữa; tấm gương sáng của Cô Ba cho chúng ta-các thế hệ người Việt Nam noi theo để gìn giữ hòa bình, sẵn sàng chống lại các thế lực xâm lăng, xây dựng đất nước giàu đẹp, mọi người có cuộc sống tự do, no ấm. Xin dẫn lời của ông Ly Mí Lử-Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Giang, nơi địa đầu của Tổ quốc, khi lần đầu đến Bến Tre để kết thúc bài viết này: “Đến thăm Khu di tích Đền thờ đồng chí Nguyễn Thị Định, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, anh hùng giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc, người anh hùng nữ tướng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam kiên cường, bất khuất, là tấm gương cách mạng cho thế hệ con cháu mai sau mãi mãi noi gương, học tập. Chúng tôi sẽ phát huy tinh thần anh dũng của đồng chí để tiếp tục phục vụ đất nước”.

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.