Thai Airways xin phá sản và bi kịch của hãng hàng không Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc Thai Airways xin "dừng cuộc chơi", theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cũng không quá bất ngờ và với thị trường Việt Nam, rất có thể trong thời gian tới cũng sẽ có hãng hàng không rơi vào bi kịch như Thai Airways.
Cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 chính thức "đánh sập" hãng hàng không lớn nhất Thái Lan. Mới đây, Thai Airways đã phải đệ đơn xin phá sản khi không thể gắng gượng thêm nữa.
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana cho biết, hiện đang xem xét các khả năng cho phá sản hãng này.
Quá trình này có thể bắt đầu nếu nhận được sự phê duyệt kế hoạch của Ủy ban Chính sách Doanh nghiệp Thái Lan và nội các, hoặc thông qua phán quyết của Tòa án Phá sản. Ông Uttama Savanayana cho biết: "Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải, nơi giám sát Thai Airways do đây là một doanh nghiệp nhà nước, đã thảo luận việc phát triển một kế hoạch phục hồi, nhưng quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào nội các, để chọn phương án tốt nhất cho Thai Airways và các bên liên quan".
 
Thai Airways International có khả năng trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên phá sản vì Covid-19.
Trên thế giới cũng đã có không ít hãng hàng không tuyên bố phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Thai Airways là hãng hàng không quốc gia đầu tiên lâm phải cảnh này.
Bình luận về câu chuyện của Thai Airways, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM, nói: "Mặc dù là hãng hàng không lớn của Thái Lan nhưng Thai Airways lại có nhiều năm làm ăn thua lỗ. Đặc biệt, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp này phá sản là điều không quá bất ngờ".
Do Thái Lan ồ ạt cấp phép thành lập hãng hàng không mới và Thai Airways cồng kềnh, chi phí cao, kinh doanh không hiệu quả, 3 năm trở lại đây, Thai Airways liên tục báo lỗ. Cụ thể, năm 2017 doanh nghiệp này báo lỗ ròng 2,11 tỷ baht, năm 2018 lỗ tăng lên 11,6 tỷ baht và 12 tỷ baht vào năm 2019.
Phân tích về nguyên nhân khiến Thai Airways lỗ liên tiếp, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, do hãng không nâng cấp về khâu điều hành, nhân sự còng kềnh, không thay đổi, chiến lược kinh doanh không rõ ràng nên rất khó cạnh tranh. Đặc biệt, khi hàng loạt các hãng hàng không giá rẻ được thành lập càng khiến Thai Airways lâm cảnh khốn đốn.
"Bi kịch của Thai Airways càng rõ hơn khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên thế giới. Hãng phải hủy rất nhiều đường bay quan trọng như đến Trung Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc. Tháng trước, Thai Airways đã phải xin Chính phủ nước này cứu trợ để trả cho lương cho nhân viên vì lỗ quá cao, thu không đủ chi", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
 
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc phá sản của Thai Airways cũng là cơ hội để hãng hàng không Thái Lan tái cấu trúc, thay đổi lại cách điều hành, cải tổ lại nhân sự.
Nhìn nhận về thị trường hàng không Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, dù cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhưng hoạt động kinh doanh của hãng hàng không quốc gia Việt Nam từ nhiều năm nay liên tục có lãi, nên vẫn vượt qua được.
"Vietnam Airlines có khoản tích lũy từ nhiều năm và nhà nước nắm cổ phần chi phối nên vẫn có thể cầm cự qua đại dịch này. Hiện dịch bệnh trong nước cơ bản đã được khống chế, đường bay đã mở lại vì thế hãng cũng sẽ khôi phục trở lại", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.
Tuy đánh giá cao về khả năng phục hồi của thị trường hàng không Việt Nam, tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, về một kịch bản như Thai Airways rất có thể xảy với một hãng hàng không mới của Việt Nam.
"Hãng này mới tham gia thị trường hàng không Việt Nam, chưa có tích lũy. Vì mới vào thị trường nên hãng phải đầu tư lớn, giá thành ưu đãi để cạnh tranh, các dịch vụ cần cao cấp để giành thị trường... nên chắc chắn thời gian đầu sẽ lỗ. Khi gặp phải đại dịch Covid-19 số nợ của hãng này tăng cao, chắc chắn càng khốn đốn hơn khi khoản thu rất ít trong khi phải chi rất nhiều khoản lớn", ông Tống nói.
Ông Tống nói thêm rằng, việc này càng có cơ sở khi tập đoàn sở hữu hãng hàng không này đã chuyển nhượng gần 49% vốn trong quý cuối năm ngoái, cộng với những khó khăn hiện tại thì nguy cơ phá sản càng hiện hữu.
"Tôi có một người bạn cũng là chuyên gia hàng không ở Úc cũng nhận định rằng, giờ chỉ chờ thông tin họ chính thức tuyên bố phá sản thôi", ông Tống nói.
Cũng từ câu chuyện của Thai Airways, vị chuyên gia này cho rằng về nguyên tắc thị trường, càng cạnh tranh càng có lợi cho người tiêu dùng nhưng với hàng không chưa hẳn là đúng. Những hãng bay mới lập thường chấp nhận chịu lỗ ban đầu để có chất lượng tốt, cạnh tranh giá rẻ để hút khách. Kinh doanh hàng không có tỷ suất lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm và với thị trường như hiện nay, rất khó cạnh tranh với VNA và Vietjet. Nhưng các hãng không thể thua lỗ mãi mà phải tính đúng, tính đủ để tồn tại. 
Bài học Thái Lan cho lập nhiều hãng hàng không không, trong đó có hãng giá rẻ đã khiến hãng bay quốc gia phá sản và hành khách cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
"Các hãng bay lớn tham gia thị trường đã lâu nên đã ổn định về giá cả, dịch vụ, nếu thêm nhiều hãng bay mới sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Từ đó, gây thất thu, lãng phí và nhà nước cũng khó thu thuế từ các hãng bay.  Vì thế, việc Chính phủ và Bộ GTVT chủ trương ngừng cấp phép hãng bay mới trong vài năm tới là hợp lý. Đặc biệt, về lâu dài cần đẩy nhanh xã hội hóa, thay đổi thế độc quyền cảng hàng không, tạo sự cạnh tranh lành mạnh để các hãng giảm chi phí, tăng cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ…", ông Tống nói.
Ong Lý (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.