Tết ấm trong những "ngôi nhà 1.000 đồng"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tuy chỉ góp mỗi ngày 1.000 đồng nhưng cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã giúp nhiều hộ nghèo có được căn nhà vững chãi. “Góp gió thành bão”, sự chung tay của cộng đồng đã giúp nhiều hộ nghèo được đón Tết trong căn nhà mới khang trang, tràn ngập niềm vui.
Đến thăm các hộ này vào những ngày giáp Tết, chúng tôi càng cảm nhận rõ thêm ý nghĩa nhân văn từ chủ trương của Ban Thường vụ Thị ủy Ayun Pa trong việc vận động quyên góp gây “Quỹ ủng hộ xây dựng nông thôn mới (NTM) và đô thị văn minh” (Quỹ 1.000 đồng) khi chứng kiến niềm vui hiển hiện trên gương mặt của mỗi người.
Tết ấm trong căn nhà mới
Anh Kpă Phương và chị Ksor Hyun (buôn Chư Băh A, xã Chư Băh) sống với nhau hơn 20 năm thì cũng ngần ấy thời gian gia đình họ thuộc diện hộ nghèo. Nhà chỉ có hơn 5 sào rẫy nhưng toàn sỏi đá, trồng mì không lớn nổi, mỗi năm thu hoạch chẳng đáng bao nhiêu, gia đình luôn thiếu trước hụt sau.
Cuộc sống khốn khó, vợ chồng phải đi làm thuê nhưng không đủ nuôi 4 đứa con. Cái đói, cái nghèo luôn đeo đẳng, lo bữa ăn hàng ngày đã khó thì lấy đâu ra tiền xây nhà. Vậy nên cả gia đình 6 người sống chen chúc trong căn lều tạm bợ chưa đầy 20 m2. Mọi sinh hoạt đều diễn ra từng ấy diện tích nên 2 vợ chồng anh thường xuyên ở lại rẫy, nhường chỗ ở cho 4 đứa con.
Cuối năm 2019, được hỗ trợ 32 triệu đồng từ nguồn “Quỹ 1.000 đồng”, dân làng giúp ngày công, vợ chồng anh chị xây được ngôi nhà sàn bằng gỗ, mái lợp tôn vững chãi với diện tích hơn 70 m2. “Nhờ Nhà nước hỗ trợ mà chúng tôi có được ngôi nhà đẹp đẽ, khang trang. Hiện gia đình tôi yên tâm làm ăn, cố gắng vươn lên thoát nghèo”-chị Hyun vui vẻ bày tỏ.
Theo chị Ksor Hyun, nhờ Nhà nước hỗ trợ, gia đình chị có được ngôi nhà khang trang. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo chị Ksor Hyun, nhờ Nhà nước hỗ trợ, gia đình chị có được ngôi nhà khang trang. Ảnh: Minh Nguyễn
Hoàn cảnh gia đình anh chị Nay Lưới-Ksor Mron (cùng buôn) còn khốn khó hơn. Lấy nhau hơn 13 năm, 3 đứa con lần lượt ra đời nhưng anh chị vẫn còn ở nhờ trên đất của người chú vợ. Căn chòi mà vợ chồng chắp vá tạm bợ để làm nơi chui ra chui vào giờ trở nên chật chội, không còn đủ sức che chắn, trống trước, hở sau mặc cho mưa tạt, gió lùa. Gia đình chỉ có 8 sào đất sỏi đá lại không có tiền đầu tư phân bón nên thu hoạch không đáng kể, chỉ đủ cho gia đình đắp đổi qua ngày.
Đầu năm 2020, căn nhà “Đại đoàn kết” hoàn thành với diện tích 60 m2 trong niềm vui của cả gia đình. Đặc biệt hơn, khi biết căn nhà mình được hỗ trợ xây dựng từ “Quỹ 1.000 đồng”, anh rất ngạc nhiên. Bởi theo anh nghĩ, với số tiền ít ỏi như thế thì biết bao giờ mới giúp xây được nhà. Nhưng khi hiểu ra, 1.000 đồng ai cũng đều thấy có vẻ ít nhưng nhiều người góp, tháng đi, năm lại, “tích tiểu thành đại” thì không chỉ hỗ trợ anh xây được nhà mà còn cho nhiều hộ khác trong làng.
“Lần đầu gia đình được đón Tết trong ngôi nhà mới, chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm. Bởi chưa bao giờ tôi dám nghĩ rằng có ngày mình được sống trong ngôi nhà đẹp đẽ, ấm áp thế này”-anh Lưới xúc động cho hay.
Căn nhà của gia đình anh chị Nay Loan-Ksor Doải (buôn Hliếp, xã Ia Sao) được hỗ trợ xây dựng từ nguồn “Quỹ 1.000 đồng”. Ảnh: Minh Nguyễn
Căn nhà của gia đình anh chị Nay Loan-Ksor Doải (buôn Hliếp, xã Ia Sao) được hỗ trợ xây dựng từ nguồn “Quỹ 1.000 đồng”. Ảnh: Minh Nguyễn
Đến thăm vợ chồng anh chị Nay Loan-Ksor Doải (buôn Hliếp, xã Ia Sao) vào những ngày giáp Tết này mới cảm nhận được niềm vui của những hoàn cảnh khó khăn khi chuẩn bị đón xuân trong ngôi nhà mới. Cả gia đình sống nhờ vào 6 sào mì nhưng cái nghèo cứ mãi đeo đẳng. Việc làm thuê, làm mướn chỉ đủ chạy gạo từng bữa, cả gia đình 6 nhân khẩu sống chen chúc trong căn nhà sàn vỏn vẹn 16 m2.
Năm 2019, được “Quỹ 1.000 đồng” hỗ trợ 32 triệu đồng, dân làng trợ giúp ngày công, vợ chồng anh dọn vào ở trong căn nhà sàn mới khang trang, rộng hơn 40 m2. “Nhờ địa phương quan tâm, hỗ trợ nên gia đình mới xây được nhà mới. Nếu để chúng tôi tự lo thì không biết đến khi nào mới có tiền để xây”-anh Nay Loan cảm động nói.
Theo ông Nguyễn Chí Cường-Bí thư Đảng ủy xã Ia Sao: Gia đình anh Nay Loan là 1 trong số 8 hộ nghèo của xã nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ, xây dựng nhà từ “Quỹ 1.000 đồng”. Trong số 400 triệu đồng hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn sửa chữa, làm nhà mới có hơn 30 triệu đồng là phần của cán bộ, công chức của xã, mỗi ngày góp 1.000 đồng.
“Việc làm này không chỉ giúp hộ nghèo có nhà ở khang trang sạch đẹp hơn mà tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành tiêu chí NTM về nhà ở dân cư. Mỗi ngày chỉ 1.000 đồng nên đa số cán bộ, công chức ủng hộ cách làm nhân văn này, nhiều người nộp nhiều hơn số quy định. Thời gian tới, chúng tôi hướng đến việc xây dựng xã NTM nâng cao, nếu khó khăn về kinh phí chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất hoặc triển khai cách làm này ở xã”-ông Cường cho hay.
Sức lan tỏa từ “Quỹ 1.000 đồng”
Chỉ với 1.000 đồng ủng hộ mỗi ngày, nhưng đến nay, tổng số tiền từ nguồn quỹ “Quyên góp ủng hộ xây dựng NTM và đô thị văn minh” thu về được hơn 1,2 tỷ đồng. Sau gần 2 năm (từ tháng 2-2019 đến hết tháng 9-2020), Thường trực Thị ủy Ayun Pa phát động 83 cơ quan, đơn vị hoàn thành việc quyên góp với 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia, từ đó đã tạo nên sức lan tỏa lớn trong khối các cơ quan, đơn vị.
Số tiền vận động được đã hỗ trợ sửa chữa, làm mới 11 căn nhà cho hộ nghèo tại xã Ia Sao và Chư Băh hơn 400 triệu đồng; hỗ trợ Quỹ khuyến học Nay Der 150 triệu đồng; lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại các buôn làng các xã Chư Băh, Ia Sao, Ia Rtô, Ia Rbol hơn 100 triệu đồng; hỗ trợ nhà ở cho hộ người có công với cách mạng tại xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, nơi thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ thị xã Ayun Pa) 70 triệu đồng. Số kinh phí còn lại chưa sử dụng được bổ sung một phần vào Quỹ “Vì người nghèo” thị xã, đồng thời giao Phòng Tài chính-Kế hoạch quản lý số kinh phí 100 triệu đồng để chi hỗ trợ cho những nhiệm vụ đột xuất cần thiết phát sinh trên địa bàn.
Những đứa con của anh Kpă Phương và chị Ksor H’yun (buôn Chư Băh A, xã Chư Băh) vui mừng khi có được căn nhà mới rộng rãi
Những đứa con của anh Kpă Phương và chị Ksor H’yun (buôn Chư Băh A, xã Chư Băh) vui mừng khi được ở trong căn nhà mới rộng rãi. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Lê Hữu Thùy-Bí thư Đảng ủy xã Chư Băh-nhận định: Góp 1.000 đồng từng người mỗi ngày không lớn, nhưng cả năm thì rất nhiều. Ý nghĩa nhân văn lan tỏa rất lớn bởi đối tượng thụ hưởng là người nghèo. Được hỗ trợ kinh phí xây nhà giúp họ an cư, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống, đồng thời tỷ lệ hộ nghèo của xã theo đó cũng giảm xuống.
Đặc biệt, nguồn quỹ này còn giúp địa phương lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng từ trụ sở UBND xã đến buôn Chư Băh B; tại khắp các ngã ba ngã tư đường làng, đảm bảo an toàn giao thông an ninh trật tự, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. “Mục đích không chỉ mang lại nơi ăn chốn ở, nguồn quỹ của chương trình còn mong muốn có thể nâng cao đời sống cho người dân, giúp người nghèo có động lực vượt qua nghịch cảnh”-ông Thùy nói.
Trao đổi với P.V, ông Ksor Vinh-Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Ayun Pa-thông tin: Từ những tấm lòng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thị xã đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, chia sẻ khó khăn, chung tay cùng cộng đồng giúp đỡ các hộ nghèo tại các xã ổn định về nhà ở, vươn lên thoát nghèo bền vững, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
“Theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã thì phải đến năm 2020, địa phương sẽ hoàn thành xây dựng NTM. Tuy nhiên, nhờ có nguồn “Quỹ 1.000 đồng” này, thị xã đã về đích NTM sớm 1 năm so với dự kiến ban đầu. Thời gian tới, trong quá trình các xã xây dựng NTM nâng cao, nếu gặp khó khăn về nguồn lực, có thể chúng tôi sẽ khởi động lại “Quỹ 1.000 đồng” để tiếp tục hỗ trợ các xã hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương”-Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Ayun Pa khẳng định.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.