"Tay ngang" làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cụm từ “Trải nghiệm và chia sẻ” đã trở thành slogan được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá của du lịch Gia Lai. Và, những bạn trẻ như Nguyễn Quang Tưởng-quản trị viên của trang Gia Lai Discovery đang góp phần giúp hành trình trải nghiệm và chia sẻ được lan tỏa sâu rộng hơn.
1. Tôi biết Nguyễn Quang Tưởng trong một vài chuyến leo núi. Gia Lai có những ngọn núi rất lạ, rất đẹp. Hàng năm, chúng tôi thường có vài lần leo lên đó ngắm cảnh vào những thời điểm thiên nhiên đang độ kỳ thú nhất.
Tưởng rất am hiểu địa hình. Người gầy nhẳng, đen nhẻm nhưng khó ai vượt qua cậu ta về độ lì và nhanh nhẹn trên những cung đường núi. Từ thuở chưa nhiều người biết đến đỉnh núi Chư Nâm (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh), Tưởng đã xung phong dẫn chúng tôi chinh phục đỉnh núi cao nhất ở phía Tây này. Đó là một ngày mùa khô, khi những bông hoa dã quỳ vừa chớm nở và cỏ đuôi chồn rung rinh những sóng cỏ bất tận bao bọc dãy núi cao tạo nên bức tranh thiên nhiên vừa nên thơ, vừa choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi có dịp ngắm toàn cảnh núi lửa Chư Đang Ya từ độ cao như vậy với ấn tượng khó phai.
Nhà ở thị trấn Đak Đoa nhưng Tưởng am hiểu núi rừng các địa phương trong tỉnh như lòng bàn tay, từ thác 50 nằm giữa rừng già Kon Chư Răng (huyện Kbang) cho đến những ngọn thác nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên này như: Kon Bông, Kon Lôk… hay thác K’ty và một số thác không tên ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (thuộc địa bàn 3 huyện: Mang Yang, Kbang, Đak Đoa). Tất cả đều được Tưởng check-in trong những chuyến “xê dịch” của mình.
Có thời kỳ, người ta thấy cậu đi rừng, đi núi không khác gì… hành xác. Chuyến đi này về chưa kịp hồi sức đã thấy Tưởng đang giữa lưng chừng trời ở một ngọn núi nào đó, y như “trêu ngươi” những người thích xê dịch, mạo hiểm, khám phá. Trong khi phải sắp xếp công việc để mỗi năm có được vài chuyến leo núi thì những chuyến đi dày đặc của Tưởng khiến chúng tôi không khỏi ghen tỵ.
Nhưng nhờ có Tưởng, những người yêu thiên nhiên lại biết thêm vô số cảnh đẹp ở vùng đất mình sinh sống. Có người bạn đã đùa rằng, trekking hết cảnh đẹp của Gia Lai thì không cần phải đi đâu thêm nữa.
Tôi cũng là kẻ mơ mộng, hay đi nhưng so với Nguyễn Quang Tưởng chỉ xếp vào hàng… tôm tép. Tưởng kể có lần bị lạc khi tìm đường lên đỉnh Chư Jú-ngọn núi cao nhất trong dãy núi cùng tên nối liền huyện Krông Pa và tỉnh Phú Yên.
Lần khác, cũng vì mê mải cảnh rừng hoang dã mà cậu bị lạc trong một cánh rừng già Krông Pa. Để rồi, bù đắp cho sự khó nhọc này, Tưởng và bạn đồng hành thích thú phát hiện ra dòng thác đẹp như cổ tích giữa rừng. Nếu trước đó lạc đường là nỗi sợ hãi lớn nhất trong mỗi chuyến khám phá vùng đất mới thì với Tưởng giờ là chuyện cơm bữa.
Và sau những lần như vậy, kinh nghiệm xử lý sự cố của Tưởng ngày càng dày thêm. “Lạc đường nhiều khi lại mang đến những trải nghiệm đáng giá, những khám phá mới lạ mà nhiều khi đi đúng đường lại không có cơ hội để thưởng thức”-Tưởng đúc kết.
Nguyễn Quang Tưởng trong một chuyến xê dịch, khám phá các thắng cảnh Gia Lai. Ảnh: Minh Châu
Nguyễn Quang Tưởng trong một chuyến xê dịch, khám phá các thắng cảnh Gia Lai. Ảnh: Minh Châu
Đôi lần, cậu còn thử làm một du khách bình thường trên chính những nơi đã từng qua bằng cách bỏ tiền túi mua tour trải nghiệm của cư dân bản địa. Tưởng thích thú nhận ra những điều mới lạ và kết luận, có những vùng đất đi mãi không thấy chán, bởi thế giới tự nhiên thay đổi không ngừng. Đi nhiều, dịch chuyển nhiều để thấy cuộc sống thật thú vị, nhưng khi dừng lại mới thấy mọi sự chuyển động rõ ràng hơn. Đó là cảm xúc mà Tưởng cảm nhận từ mỗi chuyến đi.
“Có những chuyến đi tới những vùng khó khăn về giao thông lẫn kinh tế, tôi gặp những người dân bản địa rất thân thiện và thật thà. Thu nhập của họ chỉ dựa vào việc đi rừng bắt được vài tổ ong hoặc hái nấm vào mùa mưa. Họ thuộc đường rừng như lòng bàn tay. Cũng có vài lần nhờ sự giúp đỡ của họ mà tôi mới ra được khỏi rừng. Càng đi tôi càng thấy Gia Lai có quá nhiều điều để khám phá, từ cảnh đẹp tự nhiên đến văn hóa, lối sống của con người”-Tưởng chia sẻ.
2. Rồi một ngày đẹp trời, Nguyễn Quang Tưởng tuyên bố làm… du lịch. Không cần giới thiệu cũng biết đó là những tour trekking, hiking trải nghiệm, khám phá thắng cảnh Gia Lai. Cùng với đó, Tưởng lập nên trang Gia Lai Discovery giới thiệu sự kỳ thú của thiên nhiên trên quê hương mình. Quyết định này của Tưởng không gây ngạc nhiên, nhất là với những người từng đồng hành trong những chuyến “xê dịch” rừng núi cùng anh.
Gia Lai có nhiều địa điểm trekking tuyệt đẹp cần được quảng bá để thu hút du khách. Ảnh: Minh Châu
Gia Lai có nhiều địa điểm trekking tuyệt đẹp cần được quảng bá để thu hút du khách. Ảnh: Minh Châu
Nhưng Tưởng không làm du lịch vì tiền. Anh có một trang trại làm không hết việc. Anh còn có một xưởng rang xay cà phê với nhãn hiệu LeCafe. Nhà có 2 anh em trai, nhưng cả gia đình anh đã xuất gia, chỉ còn một mình Tưởng quản lý ruộng vườn. Anh không thiếu thốn để phải bươn chải làm thêm kiếm sống, trong khi đó du lịch là nghề “làm dâu trăm họ” với rất nhiều áp lực.
Lý do của Tưởng rất đơn giản: “Tôi thích việc mình làm, muốn quảng bá thắng cảnh Gia Lai vì có nhiều nơi, nhiều thắng cảnh tự nhiên cần khám phá mà nhiều người chưa biết đến. Hơn nữa, đã đến lúc mọi người cần hợp sức lại để thu hút du khách, phát triển du lịch ở địa phương hơn là chú trọng đưa khách trong tỉnh đi du lịch ở các địa phương khác”.
Đó cũng là lý do Tưởng kết hợp thêm với bạn trẻ Phùng Thị Thảo Nhung-một blogger trẻ đình đám trong giới du lịch phượt Việt Nam-khám phá thác 50 và văn hóa đặc sắc vùng Bắc Tây Nguyên trong những hành trình sắp tới. Thảo Nhung cũng là người con sinh ra ở Pleiku. Cô gái 9X này đã có hơn 60 chuyến đi qua hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện trang Phuotvivu.com của Nhung rất thu hút các bạn trẻ đam mê du lịch với những thông tin cực kỳ hữu ích.
Theo Tưởng, từ những bạn trẻ có tầm ảnh hưởng trên diễn đàn du lịch, hiểu về quê hương và giới thiệu vẻ đẹp đó bằng những chuyến trải nghiệm thực tế như Thảo Nhung, chắc chắn thắng cảnh Gia Lai sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, tiếp cận được nhiều du khách hơn.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Với diện tích hơn 413.511 ha, cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều thắng cảnh phù hợp cho du lịch sinh thái. (Ảnh đơn vị cung cấp).jpg

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng

(GLO)- Bên cạnh các giải pháp như xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường thì đẩy mạnh truyền thông là một trong những giải pháp hữu hiệu được đưa ra tại diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được tổ chức ngày 15-11 tại TP. Pleiku.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Vào dịp cuối năm, khu vực núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh)  khoác lên mình chiếc áo vàng óng ả của những vạt hoa dã quỳ bung tỏa. Năm nay, Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya với nhiều hoạt động thú vị đã thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm, check-in.