Tập trung giải tỏa hành khách sau Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau những ngày nghỉ Tết, một số người lao động, học sinh, sinh viên từ Gia Lai quay trở lại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế... để làm việc, học tập.

Từ tối mùng 4 Tết, các doanh nghiệp vận tải đã huy động tối đa phương tiện, nhân sự nhằm kịp thời giải tỏa lượng hành khách từ Gia Lai đi các tỉnh, thành.

Theo ông Đặng Văn Hiền-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai: Trước áp lực giải tỏa hành khách sau Tết, Công ty nhắc nhở đội ngũ lái xe chủ động trong việc quay đầu đón khách, đến bến sớm hơn để tránh việc dồn ứ hành khách. Tuy nhiên, tần suất các chuyến xe tăng cường từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh năm nay giảm 20% so với năm ngoái. Cụ thể, tối mùng 4 Tết (tức ngày 13-2), nhà xe chỉ xuất bến 10 chuyến đi TP. Hồ Chí Minh thay vì 12 chuyến như dự kiến. Số lượng xe đi ngày mùng 5 (tức 14-2) cũng chỉ tầm 10 chuyến, chưa khai thác hết công suất. Với tuyến đi Đà Nẵng, ngày mùng 4 Tết, nhà xe Thuận Tiến chỉ xuất bến 7 xe theo kế hoạch, đồng thời chỉ bố trí thêm 3 xe thay vì 7 xe theo kế hoạch tăng cường dịp sau Tết.

Theo các nhà xe, lượng khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2024 giảm 20% so với Tết năm ngoái. Ảnh: M.N

Theo các nhà xe, lượng khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2024 giảm 20% so với Tết năm ngoái. Ảnh: M.N

Ông Trần Văn Uông-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đức Đạt Thành-cho hay: Từ mùng 4 Tết, vào buổi tối, nhà xe có đến 14 chuyến từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, nhà xe tăng cường thêm 3 chuyến xe phục vụ hành khách đi lại vào ban ngày để vào học tập, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Riêng tuyến Đà Nẵng, nhà xe khai thác mỗi đêm 5 chuyến, ban ngày 1 chuyến.

Tuy vậy, ông Uông đánh giá, lượng khách năm nay không tăng so với năm ngoái. Căn cứ lượng vé bán ra thì lượng hành khách dịp cao điểm năm nay chỉ kéo dài đến ngày mùng 9 tháng Giêng là trở lại như thời điểm bình thường. Khách đi xe chủ yếu là học sinh, sinh viên, còn lượng người làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam thì chủ yếu đi lại bằng phương tiện xe máy, ô tô cá nhân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Hải-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải-thông tin: Hiệp hội Vận tải ô tô Gia Lai và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thống nhất thời gian và mức phụ thu giá cước vận tải hành khách chiều xe rỗng trong dịp Tết Giáp Thìn 2024. Cụ thể, đối với tuyến Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh, mức phụ thu tối đa không quá 60% từ mùng 4 Tết đến hết ngày 12 tháng Giêng (từ ngày 13-2 đến 21-2); đối với tuyến Gia Lai đi các tỉnh phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra) phụ thu tối đa 60% từ mùng 4 Tết đến hết ngày 14 tháng Giêng (từ ngày 13-2 đến hết ngày 23-2); tuyến Gia Lai đi Đà Nẵng và Gia Lai đi Thừa Thiên-Huế phụ thu tối đa 40% từ mùng 2 Tết đến hết mùng 9 tháng Giêng (từ ngày 11-2 đến 18-2)…

Trao đổi với P.V, ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: Sở đã yêu cầu tất cả các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh tăng cường tối đa phương tiện, nhân lực nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân sau Tết Nguyên đán 2024. Do vậy, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là lượng người từ Gia Lai đi các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước tăng cao so với ngày thường.

Mặt khác, Sở Giao thông-Vận tải cũng yêu cầu lực lượng Thanh tra Giao thông chủ động phối hợp với đơn vị liên quan kiểm tra thường xuyên, đột xuất tại các bến xe, kiên quyết không cho xe xuất bến nếu không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, lái xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện vận chuyển khách. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng phương tiện chạy không đúng tuyến, lịch trình, hành trình vận tải; xử lý nghiêm tình trạng đón trả khách không đúng nơi quy định và các hành vi như chở quá số người, chèn ép, sang nhượng hành khách.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.