Tăng tốc thi công các Dự án cao tốc Bắc-Nam để đạt 3.000km vào năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngoài việc tăng cường máy móc, nguồn nhân lực, các nhà thầu thi công Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 làm ngày, đêm, xuyên lễ, xuyên Tết để hoàn thành công trình.

Nhà thầu thi công lu nền đường Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công lu nền đường Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Triển khai phong trào “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”, thời gian qua, các nhà thầu đã liên tục bổ sung nhân lực, thiết bị, nghiên cứu phương án tổ chức thi công khoa học để đột phá về sản lượng tại các Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2).

Nhà thầu đua tiến độ ngày, đêm

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, sản lượng cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 thi công đạt 52%. Đặc biệt, một số dự án thành phần đang phấn đấu hoàn thành sớm từ 3 đến 6 tháng.

Là nhà thầu thi công tại Dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết hiện tại, tổng số máy móc, thiết bị được huy động hiện lên tới 1.750 đầu máy với 4.000 nhân sự trải dài trên 50 mũi thi công. Sản lượng xây lắp toàn dự án đạt hơn gần 6.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 45% giá trị các hợp đồng. Đối với hệ thống cầu, có 77 cầu đã thi công. Trong đó, có 27 cầu đã triển khai lắp dầm, thi công bản mặt cầu.

“Hạng mục nền đường đã cơ bản hoàn thành. Mục tiêu đến cuối năm nay, việc thi công bê tông nhựa sẽ đạt khoảng 20% chiều dài tuyến. Dự kiến, hết năm 2024 sản lượng dự án sẽ đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tương đương 60% tổng khối lượng xây lắp,” ông Huy cho hay.

Với các hầm xuyên núi ở dự án này, Tập đoàn Đèo Cả đề ra thời gian hầm số 1 và số 2 hoàn thành vào ngày 31/12/2024. Riêng hầm số 3 sẽ được đào thông vào ngày 30/4/2025, sớm hơn khoảng 7 tháng so với kế hoạch ban đầu (tháng 11/2025). Toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2025. Với kế hoạch trên, dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn sẽ về đích trước 8 tháng so với thời gian ký kết tại hợp đồng (tháng 8/2026).

Tập đoàn Đèo Cả thi công hạng mục hầm xuyên núi tại Dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tập đoàn Đèo Cả thi công hạng mục hầm xuyên núi tại Dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ở Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, theo báo cáo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), sản lượng thi công toàn dự án hiện đạt 42% kế hoạch.

“Ngày 21/9 vừa qua, chủ đầu tư đã tổ chức ký kết giao ước với các nhà thầu thi đua cao điểm ‘100 ngày đêm thi công hoàn thành công tác xử lý nền đất yếu, gia tải nền đường, cơ bản hoàn thành các cầu, giải ngân đạt 100% vốn được giao dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau,” ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nói.

Đánh giá việc hoàn thành công tác xử lý nền đất yếu và gia tải là tiền đề, điều kiện tiên quyết để hoàn thành được dự án vào cuối năm 2025, ông Thi yêu cầu đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công phải lập lại kế hoạch thi công chi tiết đối với các hạng mục còn lại của dự án một cách khoa học, đảm bảo bù được tiến độ bị chậm. Nhà thầu ưu tiên nguồn lực tài chính, huy động thiết bị, máy móc, nhân lực thi công “3 ca, 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, vào cuộc, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn thi công bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng của dự án.

Huy động gần 600 kỹ sư, công nhân và hơn 300 đầu máy tại Gói thầu XL2 của Dự án cao tốc Vân Phong-Nha Trang, Tập đoàn Sơn Hải đã duy trì tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, sản lượng thực hiện trung bình của nhà thầu hiện đạt 90 tỷ đồng/tháng, tăng 1,5 lần so với trước thời điểm phát động.

“Nhà thầu sẽ tăng cường thêm nhân lực, trang thiết bị máy móc, tranh thủ thời tiết thuận lợi để chạy đua tiến độ, đảm bảo thời gian cán đích của cao tốc Vân Phong-Nhà Trang vào dịp 30/4/2025,” đại diện Tập đoàn Sơn Hải nói.

Gỡ thủ tục cấp mỏ, nâng công suất khai thác vật liệu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu cung ứng vật liệu cho các dự án, các địa phương đã phối hợp cùng các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai các thủ tục liên quan đến cấp mỏ cho các dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá tiến độ triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Ngoài tỉnh Vĩnh Long đã cấp 1,1/3,4 triệu m3; tỉnh Tiền Giang còn thiếu 3,62/15,95 triệu m3; Bến Tre còn thiếu 1,77/7,37 triệu m3. Các địa phương này vẫn đang triển khai thủ tục cấp mỏ, bổ sung mỏ để đáp ứng nhu cầu thi công cho các dự án.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các cơ quan chủ quản chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu đắp, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Nguồn vật liệu cát đắp, gia tải nền đường cần được tháo gỡ về mỏ và nâng công suất khai thác, đáp ứng tiến độ nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nguồn vật liệu cát đắp, gia tải nền đường cần được tháo gỡ về mỏ và nâng công suất khai thác, đáp ứng tiến độ nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép trong tháng 9/2024 để cung ứng vật liệu bảo đảm đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ các dự án, ưu tiên trước cho các dự án cao tốc Bắc-Nam có kế hoạch hoàn thành năm 2025.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng và công suất đáp ứng tiến độ thi công các dự án; xây dựng kế hoạch tổ chức thi công hợp lý, phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt Dự án cao tốc Bắc-Nam nhằm đạt mục tiêu 3.000km trong năm 2025.

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án cầu, đường tại TP.HCM đang chạy đua về đích mừng năm mới. Đi kèm với đó là sự thở phào nhẹ nhõm, vui mừng phấn khởi của rất nhiều người dân TP nói chung và người dân khu vực đó nói riêng.