(GLO)- Có thể nói sự chia nhỏ, phân cấp và phối hợp về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giữa các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công thương đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Mặc dù chỉ mới tiếp nhận vài năm trở lại đây song với trách nhiệm của mình, ngành Công thương Gia Lai đã triển khai tốt công tác tuyên truyền, quản lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý.
Tăng cường công tác quản lý
Ảnh: Lê Lan |
Nhằm tăng cường công tác quản lý vấn đề an toàn thực phẩm, trong đó việc xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (viết tắt là GCNATTP) là cơ sở quan trọng để chứng minh việc đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm đối với một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nắm được vấn đề này, thời gian qua Sở Công thương đã tích cực vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đến làm hồ sơ xin cấp GCNATTP, nhờ vậy, số lượng cơ sở có GCNATTP đã tăng theo hàng năm. Nếu như năm 2012 chỉ có 5 cơ sở được cấp GCNATTP, thì năm 2013 có 39 cơ sở được cấp GCNATTP và từ đầu năm 2014 đến nay có 19 cơ sở được cấp GCNATTP.
Tuy nhiên so với thực tế thì đây vẫn là con số quá nhỏ so với tổng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Sở trên địa bàn. Ông Nguyễn Duy Lộc-Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương Gia Lai cho rằng: Quy định của Bộ Công thương là cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô từ 3 người trở lên mới bắt buộc có GCNATTP trong khi thực tế rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chỉ có 1 hoặc 2 người đứng tên sản xuất hoặc bán hàng.
Bên cạnh đó, quy định về quy tắc một chiều (tức là đầu vào phải đi một đường và đầu ra của sản phẩm phải đi một đường khác, không được đi chung đường) cũng rất khó khăn hoàn tất thủ tục của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ như sản xuất, kinh doanh bánh mỳ, bún, phở… Bởi sản xuất các mặt hàng này chủ yếu là các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, nhiều hộ xây dựng theo kiểu nhà ống, nhà phố (chỉ có một đường vào duy nhất vừa mang nguyên liệu vào vừa bán sản phẩm ra). Theo bà Nguyễn Ngọc Nga-Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương thì cái vướng hiện nay của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ yếu là cơ sở vật chất không đảm bảo, đặc biệt là vị trí sản xuất, kinh doanh khó tuân thủ theo quy tắc một chiều, quy tắc này chỉ có thể áp dụng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, chẳng hạn như nhà máy sản xuất tinh bột sắn… còn các cơ sở nhỏ như sản xuất bánh mì, sản xuất bún, phở… rất khó, ngay cả các bếp ăn tập thể tại các trường mầm non cũng khó tuân theo quy tắc này.
Trước thực trạng trên, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, sở thường xuyên tham gia, phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của sở trên địa bàn. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp đến cơ sở kiểm tra và hướng dẫn các thủ tục hoàn tất hồ sơ xin giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tích cực tuyên truyền về an toàn thực phẩm
Kiểm tra niêm yết giá tại Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Lê Lan |
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề phức tạp, nhức nhối trong xã hội ngày nay, bên cạnh sự kiểm tra gắt gao của cơ quan chức năng thì quan trọng nhất vẫn là vấn đề đạo đức, lương tâm của người sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, nâng cao kiến thức, nhận thức của người sản xuất kinh doanh là hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Duy Lộc-Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương Gia Lai cho biết: Ngay khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn đến các địa phương và các chủ thể sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Triển khai công tác tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã tổ chức được 7 lớp tập huấn cho 782 học viên là giám đốc các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhân viên, công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh... tại huyện Chư Pah, Krông Pa, Phú Thiện, Mang Yang, thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và TP. Pleiku. Nội dung tập huấn không chỉ tập trung vào các kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm mà còn đưa ra các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, các mối nguy hiểm liên quan đến an toàn thực vật, sinh học, hóa học và vật lý. Đặc biệt, sở đã mời các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn đến các lớp tập huấn giảng giải, phân tích và cảnh báo những chất cấm không được sử dụng trong sản xuất bún, bánh phở, bánh mì…
Lê Lan