Tấm lòng của dân với Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum là nơi sưu tầm, lưu trữ, bảo quản, trưng bày các vật mẫu và tài liệu liên quan đến Bác. Đây không những là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, mà đằng sau mỗi một kỷ vật của Bác đều có một câu chuyện chứa đựng những cảm xúc thiêng liêng. Thông qua những kỷ vật là những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh đọng mãi trong dòng hồi ức của các chứng nhân lịch sử, thể hiện tình dân với Bác và tấm lòng của Bác với nhân dân.

Khúc gỗ trắc được lưu giữ tại Bảo tàng.
Khúc gỗ trắc được lưu giữ tại Bảo tàng.

Một số hiện vật thể hiện tình dân với Bác đang lưu giữ tại bảo tàng như: Tượng Bác Hồ; bản Di chúc điêu khắc; thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku; tặng phẩm thơ “mừng tuổi Bác Hồ 114 tuổi”; tập thơ “Tên người là cả một niềm thơ”; băng tang; giấy bạc 50 đồng; báo Thống Nhất; tranh “Bác Hồ với đồng bào Tây Nguyên”;  tranh “Anh Nguyễn Tất Thành tham gia phong trài chống thuế ở Trung kỳ”; chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; khúc gỗ trắc…

Tiêu biểu là khúc gỗ trắc của ông Đinh Văn Đoàn. Ông Đoàn là người dân tộc Banah, cư trú tại làng Hà Rừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang. Sau khi có chủ trương của Trung ương về việc góp gỗ xây dựng lăng Bác Hồ, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã tích cực thực hiện chủ trương của Trung ương đồng thời cũng là thể hiện tình cảm của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đối với vị cha già dân tộc.

Tháng 3-1974, đồng chí Đinh A-Bí thư Tỉnh Đoàn lúc bấy giờ đã triệu tập các cấp cơ sở Đoàn trong tỉnh họp để bàn bạc về khai thác gỗ xây dựng lăng Bác. Ông Đinh Văn Đoàn lúc này là Bí thư xã Đoàn được mời tham gia cuộc họp. Sau đó, ông trở về động viên lực lượng thanh niên, bà con nhân dân tích cực tham gia khai thác gỗ. Tổ của ông đã khai thác được 35 khúc gỗ có đường kính 35-40 cm về tập kết tại Huyện đội Kbang, sau đó được đưa ra Bắc. Để giữ kỷ niệm việc góp công xây dựng lăng Bác, ông Đoàn đã để dành lại một khúc gỗ Trắc-coi đây cũng là kỉ vật quí của đời mình. Đến ngày 26-3-2016, ông tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum để lưu giữ và trưng bày.

 

Gói “muối cụ Hồ” được lưu giữ sau hơn 25 năm.
Gói “muối cụ Hồ” được lưu giữ sau hơn 25 năm.

Bên cạnh đó, hiện vật “Gói muối cụ Hồ” đã được ông Cha Ma Le Ría giữ gìn hơn 25 năm qua gắn liền với kỷ niệm với Bác, với Đảng.

Trước đó vào tháng 8-1952, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Thuận chuyển một số muối gọi là “Muối cụ Hồ” lên vùng đồng bào dân tộc Rắc Lây, huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận để tặng đồng bào dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Lúc bâý giờ, gia đình ông Cha Ma Le Ría được nhận một phần muối nói trên nhưng ông không ăn mà để dành. Hoà bình lập lại năm 1954, gia đình ông cùng buôn làng về làm ăn ở núi Ray thuộc xã Phước Chính, số muối được chia cũng được ông chuyển về để trong hũ đất đặt trong hang đá núi Ray.

Đầu năm 1957, Mỹ-Diệm thực hiện chính sách dồn dân lập ấp chiến lược, trong đó gia đình ông Cha Ma Le Ría cũng vào sống tập trung trong khu chiến lược cùng với những người dân khác trong buôn nhưng ông không mang theo “Muối cụ Hồ” về vùng địch mà để nguyên trong hang núi Ray. Năm 1960, trước sức mạnh của phong trào đồng khởi ở Nam bộ, nhân dân huyện Bác Ái cũng đồng loạt đứng lên phá ấp chiến lược để trở về buôn cũ. Sau 3 năm bị địch dồn vào khu tập trung nay trở về núi Ray, số “Muối cụ Hồ “đã bị chảy nước nhiều, ông Ría lấy số muối còn lại cô khô rồi cho vào ống tre gác lên đai bếp. Năm 1962, gia đình ông Ría chuyển về làm ăn tại suối Rô. “Muối cụ Hồ” cũng được chuyển theo.

 

Từ năm 1962 đến năm 1974, nhân dân huyện Bác Ái cũng như gia đình ông Cha Ma Le Ría trong cuộc sống hàng ngày không có muối ăn, phải dùng thứ khác thay cho muối nhưng ông vẫn quyết không đem “Muối cụ Hồ” ra ăn, chỉ khi nào ông ốm đau nặng mới dùng muối đó ăn chút ít rồi lại cất đi. Ông già Ría nghĩ rằng “Muối cụ Hồ” trở thành một vị thuốc trong đời ông.

Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Ría đã đem số muối đó tặng cho đoàn cán bộ Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cũng như kể lại quá trình lưu giữ gói muối. Năm 2014, để nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên hiểu hơn về "Muối cụ Hồ", Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum đã làm việc với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam để phục chế hiện vật này nhằm trưng bày và truyền tải câu chuyện xúc động này đến các tầng lớp nhân dân.

Ông Hoàng Văn Nam-Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum cho biết: Mục đích của Bảo tàng là tuyên truyền cho thế hệ mai sau được hiểu và biết đến những kỷ vật của thời kỳ trước, trong đó là những tư liệu liên quan đến Bác và đặc biệt đó là kỷ vật của người dân đối với Bác. Mỗi kỷ vật đều ẩn chứa tấm lòng và tình cảm sâu đậm của mỗi tầng lớp nhân dân đối với vị cha già dân tộc. Với những kỷ vật thiêng liêng về tình dân được lưu giữ một cách cẩn trọng, khách tham quan và thế hệ mai sau sẽ hiểu biết thêm về các hiện vật, tỉnh cảm của dân với Bác và tấm lòng của Bác đối với dân.

Ông Nam cho biết thêm, hiện nay, nguồn tài liệu, hiện vật có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ trong dân không nhiều. Thế hệ những người được gặp Bác Hồ, những người cất giữ những kỉ vật về Bác đã nhiều tuổi, không còn minh mẫn hoặc đã mất. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho sưu tầm còn hạn hẹp, đội ngũ cán bộ làm công tác sưu tầm mỏng dẫn đến khó khăn cho việc khai thác thông tin, lúng túng trong việc sưu tầm những hiện vật có giá trị cao, có lúc để vuột mất những hiện vật quý. Vì vậy, Bảo tàng sẽ cố gắng sưu tầm và lưu giữ các hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đỗ Hằng-Ngọc Thu
 

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.