Tạ Chí Tào: Thơ là điểm tựa, niềm vui

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Viết trên giường bệnh và giã từ cuộc sống khi trang viết còn dang dở không phải là chuyện xưa nay hiếm. Nhà giáo Tạ Chí Tào mang bệnh ung thư, phải rời công việc trước khi về hưu. Tưởng mọi chuyện đã kết thúc, nhưng rồi, nàng thơ dường như đã nâng bước để anh vui sống.
Tôi biết Tạ Chí Tào-nguyên Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê từ khi anh còn trẻ. Những năm sau thời kỳ bao cấp ấy, ở Chư Sê, ngoài Tạ Chí Tào còn có nhà giáo Bùi Quang Thông, cũng là người viết nghiệp dư. Nếu nhà giáo Bùi Quang Thông (đã mất) mê mải cả văn lẫn thơ, cặm cụi viết rồi chủ yếu gửi đăng trên báo Gia Lai thì anh Tạ Chí Tào “chuyên canh” thơ rồi thỉnh thoảng thẹn thùng đọc cho bè bạn gần gụi nghe. Chuyện làm thơ của Tạ Chí Tào ban đầu khá… ngộ. Thơ anh, mỗi bài đều có ý nhưng tứ thường chưa hội đủ hoặc còn non.
Thế nhưng, chỉ vài năm trở lại đây, nhà giáo Tạ Chí Tào tặng tôi 5 tập thơ và 5 trường ca được xuất bản gần như liên tục: “Mắt sóng” (2016), “Một, một nữa” (2017), “Cờ đào Tây Sơn” (2019), “79 bài thơ viết về Người” (2020), “108 lục bát hai câu viết về Người”, tập 1 (2021), “108 lục bát hai câu viết về Người”, tập 2 (2022).
Những ngày dài nằm trên giường bệnh và di chuyển định kỳ để hấp thu đủ 60 tia xạ trị đã khiến Tạ Chí Tào có sự thay đổi trong nhận thức. Trước kia, thơ anh thiên về tình yêu đôi lứa, về cảnh sắc thiên nhiên hay những chiêm nghiệm cuộc đời. Mấy năm nay, Bác Hồ là chủ đề yêu thích nhất của anh. Trong 7 tập sách đã và sắp in, anh dành cho người mà mình kính trọng nhất đến 4 tác phẩm, trong đó có 1 trường ca. Tập 2 “108 lục bát hai câu viết về Người” vừa mới xuất bản gần đây là một ví dụ.
Bìa tập thơ “108 lục bát hai câu viết về Người” của tác giả Tạ Chí Tào. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Bìa tập thơ “108 lục bát hai câu viết về Người” của tác giả Tạ Chí Tào. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ở trong tập 2 này, từng cặp câu lục bát được Tạ Chí Tào xem là một đơn vị thơ và tất cả chúng đều không có tiêu đề. Bù lại, phần lớn các đơn vị thơ ấy gắn thêm phần dẫn giải, chú thích. Chẳng hạn, khi viết: “Lời cha: Đại hiếu dặn con/Tất Thành, Nguyễn Trãi mãi còn gương soi”, tác giả giúp bạn đọc hiểu đại hiếu, tiểu hiếu là gì, hai cụ Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Sinh Sắc đã dặn dò những người con của mình là Nguyễn Trãi, Nguyễn Tất Thành ở đâu, bao giờ. Không khó để nhận ra, đây là dạng thơ minh họa các nhân vật, sự kiện lịch sử. Dù vậy, trong tập thơ, bên cạnh những dòng “Người thăm Pắc Bó đầu nguồn/Bác trồng khóm trúc xanh khuôn viên rừng”, “Bốn nghìn năm nghĩa nhà nông/Bác Hồ tát nước giữa đồng cùng dân”... người đọc cũng bắt gặp những hình ảnh cảm động lần đầu được thơ hóa: “Núp thương nhớ Bác đi xa/Để râu, tóc: tục Bahnar-trăm ngày”. Đây chính là câu lục bát anh Tạ Chí Tạo nhắc lại một chuyện có thật nhưng chưa nhiều người biết: Tháng 9-1969, trong Căn cứ địa Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang), khi nghe tin Bác Hồ mất, Anh hùng Núp đã không cắt tóc, cạo râu đúng 100 ngày để tỏ lòng thương nhớ Người.
Sinh năm 1957, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, ngày nối ngày đang oằn mình chống lại căn bệnh nan y nhưng anh Tạ Chí Tào vẫn nặng lòng với chữ nghĩa, hết mực tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này thật đáng quý, đáng trân trọng. Và, khi tôi viết đôi dòng về anh, một người bạn mang trọng bệnh, người từng 27 năm giữ chức Phó Trưởng phòng cấp huyện, một người mê thơ và hồn nhiên làm thơ không ngại lời khen chê thì anh Tạ Chí Tào đã hoàn thành bản thảo tập thơ tiếp theo: “108 lục bát hai câu viết về Người”, tập 3, dự định sẽ in trong năm tới. Mong rằng những trang viết mới này tiếp tục là điểm tựa để anh vui sống.
NGUYỄN QUANG TUỆ

 

Có thể bạn quan tâm

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Thông tin liên lạc xưa và nay - Bộ tem như tái hiện quá trình phát triển của ngành viễn thông và báo chí, đưa chúng ta quay trở về những ký ức từ thưở sơ khai với con tem đầu tiên dán trên bức thư tay gói giấy cho đến các hình thức liên lạc, các loại hình báo chí hiện đại như ngày nay.

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu” và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV diễn ra vào chiều 17-6 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

100 năm đồng hành cùng dân tộc

100 năm đồng hành cùng dân tộc

(GLO)- Chúng ta tự hào đã có một nền Báo chí cách mạng với thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, với hơn 500 nhà báo là liệt sĩ, nhiều nhà báo mang thương tật suốt đời nhưng vẫn không ngừng lao động, cống hiến cho đất nước, Nhân dân.

Báo chí trong thời đại AI

Báo chí trong thời đại AI

(GLO)- Sẽ không quá khi nói rằng, chúng ta đang ngày ngày hít thở trong bầu không khí “số”. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa các ngành nghề vào cuộc chạy đua để không bị tụt hậu. Báo chí càng không ngoại lệ.

 Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

(GLO)- Phát thanh viên là người góp phần làm nên chiều sâu cảm xúc cho khán thính giả. Có những giọng đọc qua năm tháng đã trở thành ký ức trong lòng người nghe. Trong số đó, biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Bahnar Siu Thu của Báo Gia Lai được ví là “giọng đọc không tuổi”.

null