Suốt một đời con mắc nợ mẹ, mẹ ơi!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đào An Duyên là nhà giáo và nhà thơ. Niềm vui, niềm đam mê của chị là dạy học và làm thơ. Chị quê gốc ở Thái Bình, sinh sống tại Pleiku. Nặng sâu giữa hai đầu thương nhớ ấy là tâm trạng của một người con mang nỗi buồn xa xứ, nhớ mẹ và luôn hoài vọng nơi chôn nhau cắt rốn của mình. 
Tất cả những tâm trạng ấy chị đem gửi gắm vào thơ. "Dưới thềm cũ rêu phong" là một trong những bài thơ thể hiện tâm trạng đó của Đào An Duyên. Bài thơ được in trong tập thơ "Một ngày khác ta", Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2018 của tác giả.
Đây là bài thơ hay viết về mẹ của một người con ly hương xa mẹ dằng dặc tháng năm dài, giờ về lại mái nhà xưa, đứng nghẹn ngào dưới thềm cũ rêu phong rưng rưng thương mẹ tuổi già hiu quạnh, còn mình thì bé nhỏ, mong manh trước bao la lòng mẹ: “Con lại về bên bậc thềm xưa/Náu bóng râm dưới vành nón mẹ/Thời gian chỉ khiến con thấy mình nhỏ bé/Mỗi lần về một lần thấy mong manh”.
Thời gian là nhân chứng vô hình, nhưng có sức mạnh vô địch rút gần khoảng cách của hiện thể đời người trên dương thế. Và con người là chủ thể ý thức nhận ra điều đó một cách gấp gáp và day dứt nhất. Thời gian là phạm trù được Đào An Duyên đem đo đếm giữa tuổi mỗi năm một già của đời mẹ và tuổi mỗi năm một khôn lớn của đời con: “Mẹ ngóng con. Ngóng thứ quả ngọt lành/Cứ dần chín là dần rời xa mẹ/Những bước chân vừa đi vừa ngã/Để con nhận ra mỗi trở về là một bao dung”.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Dưới thềm cũ rêu phong
Con lại về bên bậc thềm xưa
Náu bóng râm dưới vành nón mẹ
Thời gian chỉ khiến con thấy mình nhỏ bé
Mỗi lần về một lần thấy mong manh
Mẹ ngóng con. Ngóng thứ quả ngọt lành
Cứ dần chín là dần rời xa mẹ
Những bước chân vừa đi vừa ngã
Để con nhận ra mỗi trở về 
là một bao dung
Đêm nằm gối lên hương gió đồng
Nghe nhịp thở của mình cũng khác
Chỉ những nếp thời gian hằn in khó nhọc
Khiến con chẳng an lòng
Mẹ suốt đời quẩn quanh 
bên bếp lửa dòng sông
Nhóm cho con ấm mùa đông xa xứ
Bao nhiêu năm áo cơm phường phố
May có mẹ và bậc thềm xưa 
gìn giữ gốc quê cho con
Bậc thềm xưa phủ dấu rêu phong
Rêu phong cả nắng mùa đông 
cả mưa mùa hạ
Mỗi lần trở về con lại thêm 
một lần mắc nợ
Thèm như hạt mưa
Thanh thản rơi xuống thềm
Bên mẹ những mùa xuân...
ĐÀO AN DUYÊN

Trước sự ra đi xuẩn ngốc đó của thời gian, giúp con người khôn ngoan nhận ra sự giàu có của mình từ tình yêu thiêng liêng của mẹ, từ khát vọng bơi ngược dòng sông thời gian để mộng mơ vào những điều hằng cửu tốt đẹp cho hiện tại và tương lai, kể cả khi mình không còn có mặt trên đời. Mỗi cuộc ra đi cũng chính là sự trở về giàu có, tin yêu: “Để con nhận ra mỗi trở về là một bao dung”. Mỗi cuộc trở về trong hiện thực và trong tâm tưởng đối với chị đều là một bao dung. Ở đó, chị được gối đầu “lên hương gió đồng” và nhận ra nhịp thở và thời gian “hằn in khó nhọc”. Từ đó, biết mình xa xót, chẳng an yên trước mẹ, trước chính từng hồng cầu sinh học của mình: “Đêm nằm gối lên hương gió đồng/Nghe nhịp thở của mình cũng khác/Chỉ những nếp thời gian hằn in khó nhọc/Khiến con chẳng an lòng”. Câu thơ “Đêm nằm gối lên hương gió đồng” là câu thơ hay của Đào An Duyên. Tác giả đã hữu hình hóa cái vô hình để hiện lên sự hợp lý về tình cảm và suy tư cho những câu thơ sau.

Cảm thức hoài vãng lây lan trong từng hình ảnh và sự vật thân thuộc thuở ấu thơ mà ở đó mẹ là người neo buộc mọi vui buồn, nguồn cội cho con. Bậc thềm cũ rêu phong là vật chứng cho sự hiện hữu cội nguồn đó của mẹ và của chính đứa con xa xứ. Gốc quê là nơi con người không được phép bội bạc, vong thân. Đào An Duyên đã nói hộ mọi người ly hương cảm niệm thiêng liêng này rất rõ: “Mẹ suốt đời quẩn quanh bên bếp lửa dòng sông/Nhóm cho con ấm mùa đông xa xứ/Bao nhiêu năm áo cơm phường phố/May có mẹ và bậc thềm xưa gìn giữ gốc quê cho con”.
Bậc thềm xưa bao năm đằng đẵng xa quê có mẹ sớm hôm quạnh hiu gìn giữ. Rêu phong dày lên xác thời gian qua bao mùa mưa nắng để hiện tại người con nhận ra bao mắc nợ với cuộc đời, với mẹ và với quê hương. Vì vậy mà hàng năm, dù “ăn đâu, làm đâu”, mùa xuân con cũng về với mẹ, về với nguồn sống dạt dào tình quê và tình mẫu tử như những hạt mưa xuân thắm tràn mặt đất bậc thềm xưa.
Thơ hay là thơ nói được tình cảm chân thành của chính người thơ và nội cảm tình cảm chân thành đó trong lòng người đọc. “Dưới thềm cũ rêu phong” là bài thơ đạt được phẩm chất đó. Đào An Duyên đã từ hoàn cảnh và tâm trạng có thật của mình để nghĩ về quê hương, về mẹ thiêng liêng và xúc động. Và với một cạnh khía ý nghĩa phổ quát, nó có khả năng đánh thức con người nguồn cội, con người xa xứ trong mỗi chúng ta khi Tết đến, xuân về.
HỒ THẾ HÀ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

“Mưa giải thưởng” văn học nghệ thuật

“Mưa giải thưởng” văn học nghệ thuật

(GLO)- Năm 2024 được xem là năm “mưa giải thưởng” của văn học nghệ thuật (VHNT) Gia Lai tại các liên hoan, cuộc thi khu vực và toàn quốc, trong đó có nhiều giải cao. Đây là ghi nhận xứng đáng cho sự đầu tư, nỗ lực trong lĩnh vực đòi hỏi sức sáng tạo không ngừng của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Họa sĩ Lê Hùng và tập sách ảnh vừa xuất bản. Ảnh: P.D

Họa sĩ Lê Hùng: Tìm chốn riêng sắc màu

(GLO)- Cây bàng cao lớn nghiêng tàng lá xuống ngôi nhà nhỏ (64A Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) được họa sĩ Lê Hùng chọn làm nơi đặt phòng tranh cá nhân. Sau hơn 40 năm gắn bó với cây cọ, ông mới có một chốn riêng để trưng bày tác phẩm mà mình dày công sáng tác.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.