Sức sống ở đô thị mới Ia Ly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từng là chiến trường ác liệt, bao phủ bởi chất độc da cam/dioxin trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) bây giờ đã trở nên trù phú. Bà con nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Sau nhiều năm gặp lại, ông Rơ Châm Khớp (75 tuổi, thương binh hạng 3/4, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Păh, hiện ở làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông) già đi nhiều. Nhắc đến chiến trường Ia Ly thuở nào, ông lặng người hồi lâu như tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh, rồi chậm rãi nói: “Chiến trường Ia Ly năm xưa bao gồm làng Kênh, làng Tum, làng Yút nay thuộc xã Ia Phí; làng Mun, làng Vân, làng Blo, làng Yăh nay thuộc thị trấn Ia Ly; làng Dip, làng Dôch nay thuộc xã Ia Kreng; làng Kép, làng A Mơng, làng Phung nay thuộc xã Ia Mơ Nông... Thời đó, Mỹ-ngụy càn quét, đánh phá ác liệt lắm. Căm thù giặc nên tôi đi theo bộ đội làm cách mạng, góp phần bảo vệ dân làng. Tôi rất vui vì được sống trong hòa bình, no ấm”.  
Trò chuyện với chúng tôi, ông Rơ Châm Bol (gần 80 tuổi, ở làng Yút, xã Ia Phí) bộc bạch: “Nhà mình, làng mình trước đây thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly. Thời chống Mỹ, nhà mình là cơ sở cách mạng. Khi xây dựng thủy điện Ia Ly, nhà mình, làng mình chấp hành chủ trương chung, dời nhà lên xã Ia Phí để ở. Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, bà con có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.  
Ngày 23-12-2001, xã Ia Ly được thành lập. Đến 23-12-2013, thị trấn Ia Ly được thành lập. Thị trấn hiện có gần 1.850 hộ với hơn 6.600 người thuộc 14 dân tộc anh em, trong đó, đồng bào người Jrai chiếm 45% dân số. “Những năm qua, bà con nơi đây luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng thị trấn ngày một phát triển. Đặc biệt, khoảng 300 hộ là cán bộ, công nhân xây dựng Nhà máy thủy điện Ia Ly năm xưa, nay tiếp tục ở lại đóng góp xây dựng thị trấn, hướng đến đô thị cấp vùng Tây Nguyên”-ông Rơ Châm Vân-Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly phấn khởi cho biết.
Trung tâm thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh. Ảnh: Hoàng Cư
Trung tâm thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh. Ảnh: Hoàng Cư
Thị trấn Ia Ly hôm nay có hệ thống đường sá thông thoáng, nhiều nhà tầng kiên cố, khang trang dọc hai bên đường. Anh Lê Văn Tuấn (thôn 3) cho hay: Bố mẹ anh là công nhân tham gia thi công Nhà máy thủy điện Ia Ly. Anh sinh ra và lớn lên ở thị trấn này. Xác định gắn bó lâu dài, gia đình anh chăm chỉ lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng địa phương ngày một phát triển. 
Còn chị Rơ Châm H’Nga (làng Yăh) thì vui mừng bộc bạch: “Nhờ có cách mạng mà dân làng mình có nhiều cái mới, cái hay. Vụ Đông Xuân vừa qua, nhờ có kênh mương thủy lợi mà nhà mình thu hoạch hơn 3 tấn lúa. Nhiều nhà không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn mua sắm phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt”.
Niềm vui của cán bộ, người dân thị trấn Ia Ly càng nhân lên khi Dự án Nhà máy thủy điện Ia Ly mở rộng được thi công. Dự án này có quy mô 2 tổ máy công suất 360 MW, sản lượng phát điện trung bình mỗi năm 233 triệu kWh, tổng mức đầu tư gần 6.400 tỷ đồng. Dự kiến đến quý II-2024, Dự án sẽ hoàn thành, góp phần cung cấp thêm nguồn điện, giải quyết việc làm, tạo điều kiện phát triển thị trấn Ia Ly. Ngày 24-5-2021, UBND tỉnh có Quyết định số 320/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Ia Ly đến năm 2030. Theo đó, toàn bộ hơn 4.687 ha đất tự nhiên thuộc thị trấn Ia Ly là trung tâm phát triển khu dân cư đô thị, trung tâm kinh tế, văn hóa-xã hội, thương mại-dịch vụ phía Tây huyện Chư Păh, kết hợp phát triển du lịch-dịch vụ theo hướng cấp vùng Tây Nguyên và công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối cấp quốc gia.
Ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-tin tưởng: “Theo hướng quy hoạch mới, huyện, thị trấn đã có kế hoạch phát huy nội lực, phát triển thương hiệu đặc sản địa phương như: cá thác lác, cá lăng, các sản phẩm OCOP như đông trùng hạ thảo Trung Phúc, cà phê Xuân Dương...”.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.