(GLO)- Năm 2017-một năm mà dẫu là người thờ ơ nhất với đời sống chính trị cũng không thể ngồi yên trước những con số, sự kiện diễn ra hàng ngày được báo chí đưa tin, bình luận. Đặc biệt là thông tin về cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng. Trong bối cảnh đó, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong vụ đại án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) được xem là sự xác tín của dân vào quyết tâm chống tham nhũng tới cùng của Đảng.
Người ta bảo phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng có nhiều cái đặc biệt. Một trong những cái đặc biệt ấy là thời gian từ lúc khởi tố đến khi đưa ra xét xử chỉ trong vòng 1 tháng. Chưa hẳn vì ý muốn chủ quan của một ai đó, mà là vì những sai phạm đã quá rõ ràng, những sai phạm ấy phải được định đoạt bằng một bản án thích đáng để người dân thấy rằng, pháp luật luôn công bằng, có công thì được thưởng, có tội thì phải bị trừng phạt, luật pháp phải được thượng tôn.
Ảnh internet |
Người dân Việt Nam hẳn sẽ khó quên mới ngày nào, ông Đinh La Thăng được xem là một cán bộ năng động, quyết đoán. Ông xuất hiện ở đâu là y như rằng ở đó có chuyện, có người bị nêu tên, bị cách chức vì làm việc trì trệ. Từ khi là Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải cho đến khi là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nhìn vào ông, người dân kỳ vọng vào một luồng sinh khí mới ở lớp cán bộ nói đi đôi với làm, đã làm là làm quyết liệt, không vừa làm vừa run, nhìn trước nhìn sau, liếc ngang liếc dọc.
Nhưng rồi, ông đã tự đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của mình khi con đường từ vị trí lãnh đạo doanh nghiệp đến chiếc ghế lãnh đạo cao cấp của Đảng bị phơi bày với những sai phạm mang tính hệ thống. Vòng xoáy quyền lực và tiền bạc đã khiến ông từ chỗ là niềm hy vọng, trở thành nỗi thất vọng của người dân về những cán bộ thoái hóa, đánh mất mình trước cám dỗ vật chất và quyền lực.
Ông Đinh La Thăng và các đồng phạm bị đưa ra xét xử vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”. Cụ thể là ông đã sai khi chủ trì và ban hành nghị quyết chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật; ban hành nghị quyết tham gia góp vốn 20% vào OceanBank, gián tiếp gây thất thoát số tiền 800 tỷ đồng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Ông còn liên quan đến vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 với giá trị lớn.
Tuy nhiên, điều làm dư luận thắc mắc là vì sao những lình xình, những khuất tất của ngành dầu khí xuất hiện đã lâu; từng có nhiều người lên tiếng, đệ đơn đi nhiều nơi với mong muốn được các cơ quan chức năng có trách nhiệm tiến hành xác minh, điều tra. Nhưng rồi, họ đã cô đơn, lạc lõng ngay với những đồng nghiệp, đồng chí của mình. Tập thể Đảng bộ ngành dầu khí vẫn luôn “trong sạch vững mạnh”; đơn vị này, doanh nghiệp kia vẫn được khen thưởng đều đều, thậm chí còn được phong Anh hùng Lao động. Một số cá nhân vẫn lên chức, được cấp dưới “làm đơn xin”, được cấp trên “bổ” đi làm cán bộ chủ chốt tỉnh này tỉnh nọ…
Cho nên, cái mất lớn nhất ở vụ đại án này không chỉ là tiền bạc, mà là niềm tin của dân vào công tác cán bộ của Đảng ta. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 80 năm lãnh đạo, Đảng ta phải chấp nhận để một người nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị bị điều tra, truy tố trước pháp luật. Đó là sự mất mát vô cùng đau xót, là nỗi đau chẳng đặng đừng mà Đảng ta không thể không mạnh dạn cắt bỏ, nếu không muốn tiếp tục làm mất niềm tin trong nhân dân thêm nữa.
Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Quốc Khánh, Phùng Đình Thực, Lê Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Trầm Bê… rồi sắp tới sẽ là Vũ “nhôm” và những kẻ đứng sau giúp cho Vũ tác oai tác quái, dùng nhà cửa, xe cộ để tha hóa cán bộ, lũng đoạn chính quyền ở Đà Nẵng suốt mấy năm qua. Người dân chưa thể dự đoán được còn đối tượng nào nữa sẽ tiếp tục tra tay vào còng. Chỉ biết rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tấn công vào nhóm lợi ích, triệt hạ nhóm tư bản thân hữu đang ngày càng quyết liệt. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng cháy”.
Thái độ quyết tâm của Đảng trong việc xử lý tới cùng tội phạm tham nhũng được người dân đồng tình hưởng ứng. Nhân dân không muốn nhìn thấy ai đó bị xét xử, bị tù tội, thậm chí bị tử hình. Bởi suy cho cùng, cái chết của một tội nhân cũng không thể triệt tiêu được nạn tham nhũng. Điều người dân cần là việc làm cụ thể để công lý được thực thi; là bọn sâu mọt, phá hoại đất nước phải bị pháp luật trừng trị. Và hơn thế nữa, nhân dân muốn nhìn thấy hình ảnh những người lãnh đạo đất nước phải luôn là “khuôn vàng thước ngọc” trong cuộc sống.
Nguyễn Vân