Thực tế, vấn đề trên không hề xa lạ, có thể xếp vào loại: "biết rồi khổ lắm nói mãi". Nhưng dù "nói mãi" năm này qua năm kia thì tình trạng trên gần như không được cải thiện đáng kể. Thậm chí, tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi những đối tượng vi phạm bản quyền khai thác các nền tảng trực tuyến.
Ngay cả các cơ quan báo chí chính thống cũng trở thành "nạn nhân" của tình trạng xâm phạm bản quyền, mà ở đây thủ phạm không đâu khác chính là một số trang thông tin tổng hợp. Nhiều bài viết, phóng sự điều tra được thực hiện công phu nhưng chỉ sau khi có bản điện tử thì dễ dàng bị sao chép để đăng lại. Thậm chí, nhiều khi chỉ mới có bản in và chưa đưa lên trang điện tử, thì nhiều trang mạng đã "quét" bản in để chuyển thành bản điện tử rồi công khai vi phạm bản quyền một cách trắng trợn.
Thế nhưng, các "nạn nhân" đều mệt mỏi vì gần như rất khó được giải quyết triệt để mà nguyên nhân bao hàm cả các thủ tục, cũng như sự chưa đầy đủ của hệ thống pháp lý về sở hữu trí tuệ. Cứ thế, tình trạng xâm phạm bản quyền ngày càng đáng lo ngại. Hội thảo trên dẫn số liệu nghiên cứu vào năm 2022 của Công ty nghiên cứu thị trường Media Partners Asia cho thấy VN đứng thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Philippines, về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Nếu tính theo đầu người, VN còn đứng đầu, với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát 348 triệu USD.
Đây là vấn đề đáng lo vì trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc bảo vệ bản quyền nói riêng, hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, trở thành thước đo quan trọng để đánh giá về thị trường, nền kinh tế của một quốc gia.
Tất nhiên, một khi tỷ lệ xâm phạm bản quyền hay sở hữu trí tuệ càng cao thì mức độ hấp dẫn của nền kinh tế càng thấp đi trong đánh giá của giới đầu tư cũng như các đối tác. Cho nên, nếu không giải quyết triệt để bằng những biện pháp mạnh mẽ dựa trên pháp luật cùng với sự quyết tâm của cơ quan chức năng, thì không chỉ các nhà xuất bản, tác giả hay cơ quan báo chí gánh hậu quả, mà thậm chí nền kinh tế của đất nước cũng bị ảnh hưởng.
Chính vì thế, nếu những nỗ lực hữu hiệu để đối phó nạn vi phạm bản quyền, bao gồm cả việc chậm hoàn thiện các quy định và biện pháp cần thiết, thì hậu quả sẽ ngày càng đáng tiếc hơn. Càng chậm trễ chừng nào thì càng đáng lo chừng ấy!
Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục để mọi người đều có ý thức trong việc tôn trọng công sức lao động, trí tuệ của người khác để không sử dụng những sản phẩm vi phạm bản quyền. Thậm chí, có thể đưa ra các biện pháp chế tài đối với những trường hợp như vậy - đây là cách mà nhiều nước đã áp dụng.