Sốt đất vì "đón gió"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau một thời gian bị “siết chặt” do giãn cách phòng chống dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng sốt đất đang quay trở lại tại nhiều tỉnh, thành phía Nam. 

Nhà đầu tư cá nhân “săn đất” tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Nông Ngân
Nhà đầu tư cá nhân “săn đất” tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Nông Ngân
Giá đất bật tăng do… tin đồn
Cuối tháng 11-2021, thị trường bất động sản (BĐS) khu vực huyện Bình Chánh (TPHCM) nhộn nhịp hẳn bởi nhiều nhà đầu tư đổ về đây để “săn đất”. Thông tin cho rằng huyện Bình Chánh sẽ lên quận, thậm chí lên “thành phố” khiến cho BĐS nơi đây trở thành tâm điểm của giới đầu tư.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, đầu năm 2021, tại huyện Bình Chánh, giá nền đất “sổ đỏ” khu vực các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B ở mức 30-35 triệu đồng/m2; giá đất ở xã Phong Phú 40-45 triệu đồng/m2; giá đất ở xã Bình Hưng khoảng 65-80 triệu đồng/m2… Nhưng qua ghi nhận, giá đất ở các địa phương này hiện đã tăng 30%. Không chỉ đất thổ cư mà đất trồng lúa, đất vườn cũng tăng. Cách nay chừng 2 tháng, 1.000m2 đất trồng lúa ở xã Bình Lợi có giá 1,2 tỷ đồng, nay được sang tay với giá 1,8 tỷ đồng. Anh Nguyễn Hữu Lộc, môi giới nhà đất tại huyện Bình Chánh, chia sẻ: “Phần lớn khách vẫn thích mua đất vườn, đất trồng lúa hơn, vì tiền đầu tư ít mà được diện tích lớn. Một khi Bình Chánh “lên đời”, cơ hội chuyển đổi sang đất thổ cư sẽ rất lớn, được giá hời”.
Tại vùng Đông Nam bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu đang là địa phương “hot” nhất với thị trường đất nền. Dọc theo tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu, đặc biệt tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), lực lượng môi giới BĐS đổ về cắm bảng, phát tờ rơi chào mời, quảng cáo rầm rộ trên mạng. Gọi theo số điện thoại 090718xxxx  trên một tấm biển quảng cáo bán đất ở ấp An Hội, người phụ nữ tên N. cho biết, đang bán gần 40 thửa đất thổ cư có diện tích 5mx20m, 5mx25m, 5mx30m… nằm ngay sát mặt đường ven biển với giá 17 triệu đồng/m2. “Giá đất này đã bị đẩy lên gấp đôi so với gần 1 năm trước. Các khu đất lân cận, chưa đầy 2 năm cũng bị hét giá cao gấp 3 lần”, một “cò” đất thổ lộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng và ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo tại địa bàn; kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường, có giải pháp phù hợp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông gây bất ổn, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đời sống của người dân và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tại tỉnh Bình Thuận, sau khi tình hình sốt đất tại khu vực gần dự án sân bay Phan Thiết đang có dấu hiệu tạm lắng, thì thời gian gần đây, giới đầu tư từ TPHCM, Đồng Nai…, bất ngờ đổ về các khu vực vùng ven TP Phan Thiết như xã Hàm Liêm, Hàm Chính, Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc), xã Hàm Mỹ (huyện Hàm Thuận Nam)… để “săn” đất. Anh T.V.M., một “cò đất” cho biết, nhiều nhà đầu tư đổ về Bình Thuận tranh thủ gom đất “đón gió” dự án đường cao tốc Bắc - Nam đang triển khai. Một số khác lại gom đất vùng ven biển để xây nhà vườn, khu nghỉ dưỡng. Theo khảo sát, những khu đất nằm sâu trong hẻm ở những khu vực trên trước đây chỉ khoảng 300-350 triệu đồng/sào, nay đã tăng lên 450-600 triệu đồng/sào. Cá biệt, tại khu vực thôn 1 và thôn 3 của xã Hàm Liêm, giá đất trong những con hẻm bê tông trước đây chỉ 400-500 triệu đồng/sào, giờ đã tăng tới 1,2-1,4 tỷ đồng/sào.
Giá đất vùng ven các thành phố như Đà Lạt, Bảo Lộc hoặc các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, Đạ Huoai (Lâm Đồng) cũng đã tăng trở lại sau khi các địa phương gỡ bỏ hầu hết giới hạn đi lại. Dọc tỉnh lộ 725 tại xã Tà Nung (TP Đà Lạt), nhiều khu đất được rao bán. “Khoảng 1 sào nhưng chưa có sổ thì giá 1,5 tỷ đồng, nếu có sổ thì cao hơn nhiều”, một người dân cho biết. Trước đây, khu này chỉ trồng cây ăn quả, nhưng nhờ xung quanh có một số nhà đầu tư làm homestay nên đẩy giá đất tăng theo. Xuôi xuống huyện Bảo Lâm, nhiều khu đất được chia theo từng lô 500-700m2, có hạ tầng kết nối điện, đường, có sẵn căn nhà tại xã B’Lá được rao 1,7 - 2 tỷ đồng. “Giờ kiếm được đất phân lô khó lắm vì Lâm Đồng siết chặt tách thửa. Trước đây giá vài ba trăm triệu đồng nhưng giờ là tiền tỷ hết”, một “cò đất” phân bua.
Cần minh bạch thông tin quy hoạch
Theo các công ty nghiên cứu thị trường BĐS, tác động từ dịch Covid-19 làm nguồn cung mới và sức mua sụt giảm đáng kể, nhưng lại hình thành nghịch lý trên thị trường: sốt đất ảo xuất phát từ những thông tin vô căn cứ. 
Các chuyên gia BĐS nhận định, tình trạng sốt đất ảo có nguyên nhân rất lớn đến từ những nhóm đầu tư, môi giới với chiêu trò gom đất và thổi giá lên cao ngất ngưởng để thu lời. Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh cho rằng, thị trường BĐS đầu năm 2022 rất đặc thù, vì đây là thời điểm nhạy cảm của nền kinh tế đang gượng dậy sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ở thời điểm này, những biểu hiện của thị trường BĐS đang là bài toán đầu cơ chứ không phải đầu tư, vì nhiều người đang lo ngại thông tin lạm phát, đồng tiền sẽ mất giá, nên phải tìm chỗ nào để dòng tiền sinh lợi nhiều hơn. Trước tình trạng này, có thể giá BĐS sẽ bị đẩy lên, song dòng tiền đầu cơ không bền vững nên các nhà đầu tư cẩn trọng với dòng tiền của mình, vì không phải đất ở đâu bỏ tiền vào cũng thu lợi.
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản, thực trạng sốt đất hiện nay chủ yếu do giới đầu cơ “thổi giá”. Vì vậy, trách nhiệm vẫn là của chính quyền các cấp trong việc “cắt” các cơn sốt đất, bình ổn thị trường; sớm vào cuộc xử lý triệt để các vi phạm. “Chính quyền cần minh bạch các đồ án quy hoạch và nói rõ quy hoạch đó đang ở giai đoạn nào, nghiên cứu quy hoạch hay là xúc tiến đầu tư, chủ đầu tư là ai, lộ trình thực hiện dự án cũng cần được công khai rõ ràng. Làm như vậy để người dân có đầy đủ thông tin, tỉnh táo trước khi bị lôi cuốn vào “cơn bão đầu cơ” BĐS”, ông Nguyễn Đức Lập kiến nghị.
Siết tách thửa để ngăn chặn phân lô
Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa. Riêng đất nông nghiệp diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2 tại khu vực đô thị, 1.000m2 tại khu vực nông thôn (trước đây quy định chung diện tích tối thiểu là 500m2). Các điều kiện tách hợp thửa mới áp dụng cũng “siết” các điều kiện về hiến đất mở đường, đấu nối đường giao thông để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp.
Theo NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.