Ngày 4.10, kết quả bỏ phiếu đóng góp ý kiến của cử tri quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (TPHCM) cho thấy có đến hơn 92% đồng tình với việc thành lập Thành phố Thủ Đức. Thông tin về việc TPHCM thành lập TP.Thủ Đức (trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức) đang khiến cho thị trường bất động sản trên các địa bàn này cũng nóng sốt “ăn theo” việc thành lập thành phố này.
|
Giá đất tại khu vực phường Trường Thọ (quận Thủ Đức, TPHCM) đang nhảy múa sau khi có thông tin khu vực này sẽ là khu đô thị trung tâm của đề án Thành phố Thủ Đức trong tương lai. Ảnh: Hải Long |
“Bỏng tay” với giá đất
Trong thời gian hơn 2 tháng trở lại đây, tại khắp các con đường, các quán càphê ở các khu vực trung tâm quận Thủ Đức, quận 9 luôn bàn tán xôm tụ về câu chuyện săn lùng nhà đất đón đầu việc thành lập Thành phố Thủ Đức.
Các nhà đầu tư, dân môi giới đang đi khắp “hang cùng ngõ hẻm” để săn hàng. Một trong những điểm nóng đó chính là phường Trường Thọ của quận Thủ Đức, sau khi có thông tin về khả năng chính quyền TPHCM sẽ chọn phường Trường Thọ làm khu đô thị trung tâm của Thành phố Thủ Đức trong tương lai. Trong đó, để hướng tới đô thị sáng tạo trong tương lai, mới đây khu vực Trường Thọ đã được TPHCM đề xuất quy hoạch lại 3 ô đất A1, A2 và A5 với diện tích khoảng 8ha. Đây là khu đất thuộc Nhà máy Thép Thủ Đức. Và điều này cũng khiến giá đất tại khu vực này nhảy múa sôi động.
Anh Hạnh - Giám đốc một công ty môi giới tại quận 9 - cho biết, đang có làn sóng giới đầu tư rình rập săn các khu đất lân cận và có ảnh hưởng từ việc di dời nhiều nhà máy, xí nghiệp tại khu vực phường Trường Thọ. So với nhiều khu vực khác của quận này, Trường Thọ trước nay ít được chú ý, giá cả bất động sản cũng không quá đắt đỏ do địa thế có nhiều nhà máy, cụm cảng IDC Trường Thọ bao quanh, hạ tầng đường sá chưa được đầu tư đồng bộ và quan trọng là quỹ đất ở đây còn khá lớn.
Không chỉ vậy, các khu vực lân cận đó giá đất cũng sốt lên từng ngày. Theo các công ty môi giới ở các khu vực này, hiện mặt bằng giá ở các khu vực này hầu như không theo quy luật nào.
Một căn nhà phố từ 100m2 trước đây khi chưa có thông tin về đề án thành lập Thành phố Thủ Đức có giá rao bán từ 5-7 tỉ đồng tuỳ vị trí. Thế nhưng hiện nay đa phần đều rao bán trên 10 tỉ đồng, tương đương trên 100 triệu đồng/m2, thậm chí có chỗ còn đưa ra giá 150 triệu đồng/m2. Ngay cả nhà trong hẻm thuộc khu vực phường Trường Thọ cũng được rao bán với mức giá tầm 75-80 triệu/m2. Đây là mức giá cũng phải khiến cho dân đầu tư cũng phải đổ mồ hôi.
Ở phân khúc căn hộ, nhìn vào bảng giá chào bán của một vài dự án mới đang được các chủ đầu tư dự kiến mở bán sắp tới điều khiến dư luận và cộng đồng môi giới tranh luận với việc thiết lập một bằng giá khủng tầm từ 65 - 70 triệu đồng/m2. Đây là mức giá phá vỡ mọi kỷ lục về giá của một dự án căn hộ chung cư tại khu vực Thủ Đức và quận 9.
Nhiều nhà đầu tư bất động sản cũng đưa ra nhận định, đề án thành lập Thành phố Thủ Đức sẽ có tác động tới giá bán nhưng chưa tạo ra sự đột biến mạnh ngay tức thời. Việc giá nhà tăng khoảng 10 - 15% so với giá trị thật được xem là đắt, nhưng nếu quá 30% thì có thể xem là “ngáo giá”.
Cần chú ý nhà ở cho NLĐ trong quy hoạch
Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức sẽ còn là một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đang thật sự cảm thấy lo lắng với những diễn biến trên thị trường ở các khu vực này.
Theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - về quy hoạch, cần xác định hình thành đô thị gắn với phát triển thị trường bất động sản. Hiện tại thị trường bất động sản khu vực này đang xuất hiện tình trạng đầu cơ đẩy giá nhà đất lên cao. Đây không phải là mới, nhưng nó rất nghiêm trọng. Nếu không kiểm soát tốt những thông tin thì thị trường sẽ bị nhiễu loạn, giá nhà đất bị thổi lên.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam - cho rằng, việc chấp thuận chủ trương thành lập Thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM sẽ mang đến tác động tích cực lên toàn vùng. Thị trường bất động sản vốn rất “nhạy” quy hoạch nên giá sẽ còn tăng cả ở thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo, không thể loại trừ khả năng một số cá nhân hoặc chủ đầu tư lợi dụng thông tin để tăng giá, dù mức đầu tư không tương xứng với mức giá, từ đó gây ra những tác động tiêu cực đến mặt bằng giá bất động sản chung của cả khu vực. Mà cụ thể ở đây chính là khu vực này sẽ trở thành một khu đô thị của những người có điều kiện tài chính.
Dù thị trường chung trầm lắng, nhưng ở khu Đông hiện rất hiếm tìm thấy một dự án căn hộ có giá dưới 40 triệu đồng/m2. Dự án nhà ở vừa túi tiền khó có thể chen chân vào khu vực này. Điều này sẽ là vấn đề khi giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp. Chính vì vậy, trong quy hoạch Thành phố Thủ Đức ngay từ bây giờ phải chú ý đến chương trình nhà ở vừa túi tiền và nhà ở lần đầu trong cơ cấu mật độ dân cư - dân số và hạ tầng xã hội.
Hơn 92% cử tri ba quận đồng tình thành lập TP.Thủ Đức Ngày 4.10, UBND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức đã hoàn thành việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến người dân về đề án thành lập thành phố Thủ Đức. Theo kết quả từ UBND quận Thủ Đức, 97,89% người dân đi bỏ phiếu đồng tình với đề án thành lập Thành phố Thủ Đức, trong đó hơn 97% số phiếu tán thành giữ nguyên tên gọi đơn vị hành chính mới là Thành phố Thủ Đức. Tại quận 2, kết quả tổng hợp cho thấy hơn 82% người dân đi bỏ phiếu đồng thuận với việc sáp nhập 3 quận để thành lập Thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, hơn 76% đồng thuận với việc lựa chọn Thủ Đức là tên gọi của thành phố mới. Tại quận 9, có 97,89 % số người bỏ phiếu đồng ý thành lập Thành phố Thủ Đức và 97,51% số người dân đồng ý tên gọi Thành phố Thủ Đức. Trao đổi với Báo Lao Động, hầu hết lãnh đạo 3 quận đều cam kết sẽ đề xuất hướng giải quyết thuận lợi nhất về mặt giấy tờ, thủ tục cho người dân. Trước mắt, sau khi sáp nhập sẽ đề xuất thành lập các tổ tư vấn, hỗ trợ người dân làm nhanh các thủ tục thay đổi, cập nhật thông tin trên giấy tờ nhà đất, hồ sơ ngân hàng, chứng minh nhân dân, hộ khẩu... Ông Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Quận ủy Thủ Đức - cho biết quận có hơn 99% người dân tham gia đóng góp ý kiến cho Thành phố Thủ Đức thể hiện sự quan tâm lớn của toàn quận đối với đề án này. “Sự đồng thuận rất cao của cử tri chính là sự tin tưởng mà cử tri hướng về Thành phố Thủ Đức trong tương lai gần” - ông Cường chia sẻ. Ông Cường cho biết quận Thủ Đức sẽ đề xuất hướng giải quyết thuận lợi nhất về mặt giấy tờ, thủ tục cho người dân khi sáp nhập. Tinh thần là cơ quan nhà nước sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để đổi cho dân, chứ không để người dân đi lại nhiều lần. Tương tự, ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND quận 9 - cho biết bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ gây ra xáo trộn trong một thời gian nhất định. Nhưng trong trường hợp này là sự xáo trộn cần thiết để tiến tới một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả. Ông Bảy cho biết khi tiến hành các bước sáp nhập, quận 9 sẽ hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đối với người dân và doanh nghiệp. “Sẽ có đội ngũ cán bộ đến hỗ trợ người dân điều chỉnh các loại giấy tờ liên quan một cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất” - ông Bảy khẳng định. Theo kế hoạch của UBND TPHCM, nếu có trên 50% tổng số cử tri ở phường tán thành, HĐND các cấp liên quan thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp. HĐND TPHCM họp cho ý kiến vào ngày 12.10. UBND TPHCM chính thức trình đề án lên Bộ Nội vụ trước 25.10. Minh Quân |
GIA MIÊU - ANH QUANG (LĐO)