Chọn TP.HCM để lập nghiệp nhưng sau 10 năm, chàng trai 8X quyết định về quê làm du lịch.
Mùa hoa cải vàng thu hút du khách du lịch tại làng văn hóa Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Ảnh: Hoàng An |
Không chỉ giúp quê hương phát triển du lịch, anh chàng 8X Hoàng Văn Hoàn, (hay còn gọi là Hoàng An) 34 tuổi, là người dân tộc Tày, ngụ huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, còn hỗ trợ nhiều người dân bản địa có thêm nguồn thu nhập.
Khởi nghiệp ở tuổi 30
Vào năm 2006, anh Hoàn vào TP.HCM học tập và làm nhiều công việc khác nhau từ pha chế, tiếp thị sản phẩm cho đến thành lập một công ty nhỏ phân phối dược phẩm nhưng cuối cùng anh nhận lại sự thất bại vì kinh doanh không hiệu quả.
Năm 2016, anh lâm vào tình trạng "trắng tay" và quyết định về quê.
Bỏ phố về quê, chàng trai đổi đời nhờ làm du lịch. Ảnh NVCC |
“Ngày tôi về lại Bắc, người thân, bạn bè nói nhiều lắm. Họ bảo 'bao nhiêu năm chẳng làm nên trò trống gì', 'vào Nam đi làm, mà không đâu vào đâu'. Tuy nhiên, khi trở về quê, tôi có dịp lân la khắp các bản làng, khám phá nét đẹp chưa từng chiêm ngưỡng ở nơi mình sinh ra, chẳng hạn cao nguyên đá Đồng Văn, với vẻ đẹp hoang sơ, rất thơ mộng. Lúc đó, tôi phải thốt lên "Tại sao quê hương mình đẹp như vậy mà phải bỏ đi bao nhiêu năm nay?". Thế là tôi ấp ủ khởi nghiệp với du lịch tại địa phương”, anh kể.
Nét đẹp bình dị ở miền cực Bắc. Ảnh NVCC |
Về quê, để không dựa dẫm vào gia đình cũng như có kiến thức về lữ hành, anh Hoàn đi làm làm thuê cho một cơ sở du lịch tại TP.Hà Giang với nhiều đầu việc như dọn dẹp phòng, chở khách đi tham quan. Sau đó, anh học thêm những lớp về quản trị và hướng dẫn viên du lịch tại quê nhà.
Tranh thủ những thời gian rảnh, anh lân la khắp các nẻo đường ở Hà Giang, ghi lại từng khung cảnh đẹp, cuộc sống, sinh hoạt của bà con địa phương. Sau đó, anh truyền tải những hình ảnh ấy lên các trang, nhóm mạng xã hội với hy vọng nhiều người biết đến. Chẳng hạn, nhóm "Amazing things in Ha Giang" trên Facebook do anh quản lý đến nay thu hút hơn 80.000 người tham gia. Đây cũng là nơi giúp chàng trai người Tày tìm được nhiều khách du lịch.
"Tôi còn trau dồi thêm các kiến thức kỹ năng về lĩnh vực mình chọn, xây dựng mối quan hệ và mạng lưới kết nối bền vững. Thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, tôi thu hút được nhiều người đến Hà Giang đi du lịch nhờ việc tư vấn du lịch miễn phí một cách chân thành, nhiệt tình", anh nói thêm.
Anh Hoàn về quê khởi nghiệp ở tuổi 30. Ảnh NVCC |
“Mỗi khi rảnh là tôi xách xe chạy lang thang trên cao nguyên đá. Đi để kiếm tìm những góc chụp đẹp. Đi để gặp gỡ những người dân, những đứa trẻ đứng bên đường vẫy tay chào… Đi để biết những nẻo đường xem có hoa, cảnh gì đẹp gì còn về tư vấn cho khách biết chỗ này hay chỗ khác nên đến, nên dừng lại”, anh chia sẻ.
Tạo việc làm cho người dân địa phương với lương trung bình 500.000 đồng/ngày
Năm 2018, anh Hoàn bắt đầu xây dựng chương trình tour xe máy cho khách đầu tiên đến tham quan du lịch tại Hà giang. Theo đó, 1 khách sẽ có 1 người chở đi khám phá cao nguyên đá Đồng Văn.
"Tôi vẫn nhớ như in cảm giác sung sướng đến rơi nước mắt khi nhận được cuộc điện thoại của những vị khách đầu tiên", anh bộc bạch.
Những đứa trẻ tại Lũng Cẩm. Ảnh: Hoàng an |
Theo anh Hoàn, với hành trình trải nghiệm trên xe máy như thế, du khách có thể trực tiếp tận hưởng phong cảnh hữu tình, tự do khám phá con người và cuộc sống tại địa phương mà không cần bó buộc mình trong những chiếc xe khách đông người. Họ cũng không phải mệt mỏi lái xe và tìm đường như các phượt thủ.
“Với nền tảng là tạo công việc cho những anh, em người dân tộc bản địa tại Hà Giang. Tôi luôn muốn xây dựng đội ngũ hướng dẫn “xe ôm" chuyên nghiệp, ngoài vấn đề là người chở khách đi chơi họ còn biết truyền tải sâu sắc nhất về văn hoá các dân tộc tại Hà Giang…. ", anh hào hứng nói.
Người chở khách còn phải truyền tải về văn hóa Hà Giang. Ảnh NVCC |
Đến năm 2019, chàng trai 8X thành lập công ty lữ hành Gió Hà Giang Travel. Với vai trò giám đốc, anh kết nối nhiều homestay để hợp tác làm du lịch, từ đó tạo ra công việc cho hơn 60 người nông dân địa phương.
"Với vai trò hướng dẫn viên, những người nông dân địa phương có thu nhập trung bình 500.000 đồng/ngày. Và hơn 10 triệu đồng/ tháng", anh nói.
Anh Hoàn chia sẻ: "Trước khi khách khởi hành một chuyến du lịch, phía công ty sẽ tư vấn, lên lịch trình cho từng ngày và báo giá. Du khách sẽ được bố trí homestay, khách sạn riêng ở từng địa điểm khác nhau. Lịch trình sẽ nêu rõ cụ thể những địa điểm ăn uống, nghỉ ngơi nhất định. Vì thế, du khách sẽ không phải lo lắng về việc bị ăn uống tạm bợ giữa đường hay rơi vào tình trạng chán nản do các điểm đến của tour bị hạn chế".
Khách du lịch hòa mình với cuộc sống với người dân bản địa. Ảnh NVCC |
Tuy nhiên, công ty anh Hoàn phải tạm ngưng hoạt động vào năm 2021 vì dịch Covid-19. "Nhiều người đã phải chuyển nghề để đi làm thuê, thợ xây, chở hàng… Đồng thời tôi vẫn cố gắng kiếm thêm việc cho anh, em làm như bán hoa quả, những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương qua những kênh khách du lịch sẵn có", anh Hoàn cho biết.
Cuộc sống bình dị ở Hà Giang. Ảnh NVCC |
Chàng trai 8X cho hay: “Từ đầu năm 2022, công ty đã bắt đầu hoạt động trở lại, cùng hơn 10 người nhân viên làm việc liên tục. Với những tiềm năng sẵn có của du lịch Hà Giang, tôi tin rằng khách du lịch sẽ sớm trở lại. Tôi luôn vững tin sẽ tạo ra nhiều công việc hơn nữa cho những người dân nơi đây”.
Không chỉ là một giám đốc, anh Hoàn còn kiêm luôn hướng dẫn viên. Ảnh NVCC |
“Chẳng nơi đâu bằng quê hương mình. Tình người, tình thân ấm áp. Hà Giang đẹp vô ngần. Tôi hay nói muốn làm du lịch Hà Giang thì trước tiên hãy yêu Hà Giang, yêu quê hương của mình trước đã. Trau dồi thật nhiều kiến thức để truyền tải nhiều nhất về Hà Giang", anh bộc bạch.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và du lịch tỉnh Hà Giang, cho hay anh Hoàn mới đầu khởi nghiệp gặp khá nhiều khó khăn cả về kinh nghiệm và nguồn lực… nhưng biết cách biến khó khăn, thử thách thành cơ hội, cùng các bạn trẻ khác ở quê hương mình làm nên sự nghiệp, tạo sinh kế, tăng thu nhập và đã tập hợp được mọi người cùng đam mê làm du lịch. "Tôi đánh giá cao sự đóng góp của anh Hoàn trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Hà Giang trên các phương tiện và mạng xã hội", bà Tình nói. Vị lãnh đạo này còn cho biết: “Sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, hoạt động du lịch của tỉnh Hà Giang đã thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh, mọi hoạt động du lịch đã trở lại hoạt động ngay sau khi tình hình được kiểm soát". |
Theo Tấn Đạt (TNO)