(GLO)- Những tháng đầu năm nay, tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp như nhiệt độ xuống thấp, lạnh kéo dài, nắng nóng gay gắt. Bên cạnh đó, giá vật tư tăng cao trong khi giá các mặt hàng nông sản không ổn định đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh cùng các địa phương vẫn tìm ra những hướng đi phù hợp với thực tiễn, giúp nông dân yên tâm tái đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Ảnh: Hồng Diệp |
Những khó khăn do thời tiết gây ra trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đầu vụ sản xuất Đông Xuân 2013-2014 nhiệt độ xuống thấp, cộng với lạnh kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất. Đến giữa vụ một số địa phương lại gặp nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng. Đặc biệt, sự bấp bênh và thiếu ổn định về giá cả các mặt hàng chủ lực như cao su, cà phê cùng với các loại cây ngắn ngày như rau, dưa rớt giá đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Dù vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn có những điểm sáng ghi nhận. Tổng giá trị sản xuất từ đầu năm đến nay ước đạt trên 1.681 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch và bằng 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành trồng trọt đạt giá trị lớn nhất trên 1.405 tỷ đồng; chăn nuôi đạt 269 tỷ đồng.
Đạt được kết quả trên là nhờ gieo trồng vụ Đông Xuân 2013-2014 hầu hết các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng diện tích đạt 62.572 ha, vượt 4.266 ha. Đặc biệt, năng suất các loại cây trồng đều tăng cao như lúa nước đạt 57 tạ/ha, tăng 3,83%; bắp 38 tạ/ha, thuốc lá 22 tạ/ha, rau dưa các loại đạt 140 tạ/ha, tăng 9,64 tạ/ha… Tổng sản lượng lương thực bình quân ước đạt trên 167.987 tấn, đạt 96% kế hoạch và tăng 16.261 tấn so với vụ Đông Xuân 2012-2013. Riêng sản lượng thóc ước đạt 152.160 tấn, đạt 98,5% kế hoạch, tăng 13.614 tấn. Một trong những tiền đề đưa ngành Nông nghiệp phát triển ổn định là sự chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở các vùng thường xuyên thiếu nước tưới chuyển sang trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, cơ cấu cây trồng đã có sự chuyển biến rõ nét. Cơ cấu cây thực phẩm tăng từ 20,8% lên 22%, cây lương thực giảm từ 50,6% xuống còn 48,7%, cơ cấu cây lúa giảm từ 44% xuống còn 42,1%... Công tác phòng-chống các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được phát hiện và ngăn chặn kịp thời không để lây lan trên diện rộng. Nhờ đó góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trước những khó khăn này trong thời gian tới ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tập trung các giải pháp như phòng-chống thiên tai. Rà soát và lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương để phát triển. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững. Ưu tiên các chương trình như tái canh cây cà phê, cao su. Kết nối với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Nhất là tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách tốt nhất.
Nguyễn Diệp