Rót cho cạn mưa miền Thượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mưa thế này thì nỗi buồn cũng hóa lỏng, thành dòng, gửi về thung lũng. Trên miền Thượng là thế, nước đã rơi thì không tí tách, chỉ có rầm rào. Chiếc dù nước thiên nhiên không kích cỡ kia cứ thế trùm xuống sự mênh mông…
Vạn vật nín thinh, đón nhận, và chịu đựng. Sự hoan hỉ đâu đó có thể bay lên, sự đau khổ đây đó có thể gục xuống. Những ngọn núi biếc kiêu hùng của ta đâu mất rồi. Hơi nước đã nuốt chửng những gì nhô lên. Hoặc chính nó cố tình che giấu để núi biếc đi vào huyền bí, huyễn hoặc. Tấm voan nước như gấp lại thành những nếp nhăn lớn mỗi khi sà xuống một dãy núi. Ánh nhìn nào cũng dính nước. Những mảnh rừng nữa, tắm mù sa đi, để ta lọt thỏm vào trong đó. Và mặt đất kia, cây nào to cứ hút nước nhiều, cây nào nhỏ cứ nhâm nhi như kẻ cơ hàn này khi uống rượu. Trời đất vào mùa máu lạnh, không nhân nhượng giữa khí-nước-đất vận chuyển. Yếu tố lửa thì tạm rời bỏ xứ sở. Mưa đến, mưa đi, mưa trở lại, rồi đi, rồi trở lại. Xứ sở mù mờ, mù mờ, và tới lui cứ thế hoài.
*
*   *
Nước rơi, cái gốc cây khô trên đồi hình như cũng cựa mình. Mới hôm nào những đồi trọc còn bề bộn, lem nhem đất, cuội, xác thảo mộc, cùng mùi khét thổ khí. Giờ thì mọi thứ sần sùi được tạo hóa giấu đi. Mặt đất đã thành mặt cỏ. Xanh bất cứ chỗ nào có đất. Thượng đế đã tung những hạt mầm kia chứ có ai rải giống cỏ ra đâu. Vũ trụ lạ thật, có chút ẩm ướt là sự sống bung ra. Ta rít vào, như nuốt từng ngụm xanh. Dưới chân ngọn đồi, những mạch đường đất le lói trong muôn thảm xanh tự nhiên. Cỏ phủ ra hai bên, nên màu đỏ giữa lối đi cứ như khép lại, khép theo phương thẳng hình học. Nó cứ như muốn nuốt trọn những con đường.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nước mưa đang tấu ca về sự sống, hoặc nó đang đánh đố những gì chung sống với nó. Mưa núi là thứ mưa hoang vu, mang “gen” thâm u. Mưa chạm đến tầng cao trời, hoặc mặt đất và trời xanh không còn khoảng cách. Mưa dài đến đâu, nỗi nhớ nắng non dài đến đó, kéo rê cả 6 tháng. Hiếm hoi mới có được một ngày nắng ấm trong một đống ngày dằng dặc đó.
Chỉ có thể ở cao nguyên mới thấy trời mênh mông mưa. Mưa thu nhỏ ta lại. Ta chỉ còn là cái chấm như đầu bút. Có những lúc ta nhìn mưa như nhìn vào quá vãng nào đó trong thiên nhiên. Là những lúc ta lạnh run vì nước đổ. Là những lúc ta thấy thân thể dịu mát vì nước từ trời cao. Là những khi ta đưa tay vuốt nước mưa trên mặt để bám sát cái nhìn vào những ngọn đồi và hy vọng những gì trên đó không biến mất trong khói nước. Những cánh rừng không còn tên gọi có tội lỗi của những ước mơ. Khi những khát vọng ác lên ngôi là nó đang tôn vinh và xây lâu đài tinh thần cho sự cao thượng, thanh lương nào đó. Bạo chúa xây đền bằng vật liệu vật chất, còn thánh nhân xây đền bằng vật liệu hư vô.
*
*   *
Ta không thể ở lại một ngọn đồi nào cả, bởi cái bao la tuyệt cùng mới là quê hương của ta. Những chỗ xa xôi, heo hút đã đầy ắp sa mù. Những ngả núi, cung đường dài ngắn cũng vậy, từ cao nguyên MNông qua cao nguyên Đak Lak, vắt sang cao nguyên Jrai, chạm vào miền hạ Lào ở xứ Kon Tum. Ta như giọt mưa lăn. Phố thị nào cũng đã vô nghĩa. Núi đồi còn cô đơn trong mưa huống chi thị trấn, thành phố. Mưa về, cao nguyên thành một cõi riêng rồi. Mù mây là lãnh đạo tinh thần của trùng trùng đồi núi, cỏ cây, vạn vật đây. Trong mưa, ta luôn nhắc ta đây là thế giới mình đang sống.
Lá cỏ va vào nhau tạo ra âm thanh rất nhỏ. Chắc bởi sức nặng của nước lặn trong thân. Chỉ có tiếng mưa trên lá là rộn vang. Khứu giác ta phúc đáp về mùi ngây ngây của đất và mùi thơm tho của lá thở. Trong thảm cỏ, chúng làm sao mà không chuyện trò với nhau bằng thứ ngôn ngữ thiên nhiên nào đó... Thảo mộc là đứa con thừa tự của đất. Ta mắng vào kẻ nào bảo thảo mộc không hữu tình. Bởi bọn họ quên mất là chúng sinh sinh ra trong nhân quả và chết đi cũng trong nhân quả. Hoa do nhân duyên mà thành trái, thành hạt; hạt do duyên mà thành cây; cây do duyên mà được sinh được tử, được trẻ được già, được ủ trong đất, được lăn lóc trên đồi, được trỗi lên khi có nước, được đau khổ và thăng hoa; được cao được thấp, được dày được mỏng, được biến chuyển, được quy hồi. Ý niệm nhân quả mà con người mượn từ thực vật để nói về những quy luật của tạo vật đã nói lên vai trò thâm sâu căn bản của cỏ cây. Ta cúi đầu ca tụng cho giống loài nào còn biết rưng rưng khi mưa gợi niềm chan chứa những giờ phút sống.                              
*
*   *
Có ngày mưa đủng đỉnh, có ngày mưa lê thê, có ngày mưa chơi vơi, có ngày mưa muốn sập núi, sập rừng, sập nương, sập rẫy, sập bon, sập plei... Có những ngày mưa như thơ, có những giờ mưa hung bạo. Mưa thế mà thoáng chút ngưng mưa là nước biến đâu mất hút. Cao nguyên lại hiện ra bao la. Biến ảo như một cuộc chơi lớn có tổng bằng không. Là mưa núi chứ không phải mưa duyên hải, là mây núi chứ không phải mây đồng bằng. Có thứ nước đã tìm về vực sâu, có thứ nước đang nhởn nhơ trên trời.
Có lúc ta đội mưa lên đồi. Có lúc ta trú trong một chòi canh trên núi sâu ngó mưa. Có lúc ta ngồi trong những quán cóc xa lạ bên đường dõi ra màn nước. Có lúc ta mắc mưa nơi xa lộ thảm nhựa. Nhưng không miền mưa nào lưu dấu chân ta. Ta ban cho ta lòng hiên ngang lên đồi, hiên ngang xuống vực. Cứ âm thầm qua khe, âm thầm vào những chỏm cây rừng lơ thơ cô đơn còn lại đi. Cứ ngốc dại thả mình trong những thảm xanh vô chủ lẫn hữu chủ. Trạng thái mưa của trời đất là một trú xứ của ta lúc này. Ta đang chủ động sống cuộc đời của một sinh vật, sát và thật, như trời đất tạo ra ta, không để những quan niệm của loài người chi phối. Vì biết những tầng tầng lớp lớp quan niệm của loài người là thứ chỉ có ở quy ước lý trí và thỏa hiệp giữa họ với nhau. Dưới vòm trời này, muôn loài bình đẳng, mà đại diện là cỏ dại.
Ta đang hoan lạc trong hoan lạc của mưa núi, thảo mộc.
Hỏi vì sao mưa rề rà mê man như thế. Thì là bởi núi cao, và dưới kia là đại dương bao la quá. Giọt mưa nào trên núi mà chẳng liên quan đến lòng đại dương...
 NGUYỄN HÀNG TÌNH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

(GLO)- Khi tôi và nhà thơ Hương Đình “mở tiệc” chia tay Đỗ Tiến Thụy ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du thì anh là Thượng úy, công tác tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Ấy là năm 2002. Tháng 11 năm nay, khi trở “về nhà”, anh đã mang hàm Đại tá, Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

(GLO)- Ngày 16-12, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định Phê duyệt kết quả cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu” thuộc dự án Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.