Qua miền cỏ cháy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa mưa năm 1983, tôi về Đội 4 (Công ty Cao su Chư Prông) thăm bạn. Từ trên triền dốc nhìn xuống, dãy nhà tập thể nửa mái chìm trong biển cỏ đuôi chồn. Mưa rả rích, những khóm cỏ trĩu nước choài ra lối đi như đan lưới. Trong ánh chiều chạng vạng, chợt nghe bâng quơ một cảm giác quạnh vắng đến nao lòng. 
Đã gần 40 năm qua, tôi vẫn còn ấn tượng với loài thảo dã đặc trưng của miền đất Gia Lai ngày ấy. Chẳng một khoảnh trống nào của đất lại không có sự hiện diện của cỏ. Ngay ở Pleiku, chỉ ra khỏi trung tâm một quãng, tầm mắt đã ngợp trong chân trời của cỏ đuôi chồn. Đuôi chồn là loại cỏ có thể cao tới ngang vai người. Chúng mọc thành từng khóm, thân hình ống phân thành đốt, lá thuôn dài hình lá lúa, mép hình răng cưa rất ráp. Bộ rễ chùm bám chắc vào đất. Hoa xốp như bông lau, màu nâu nhạt, trông giống đuôi con chồn, chứa hàng ngàn hạt nhỏ li ti. Trong muôn vàn loài cỏ, có lẽ cỏ đuôi chồn đứng đầu bảng về sức sống.
Ngày ấy, ai có dịp đến các vùng đất mới vỡ hẳn sẽ có một ý niệm đầy đủ về sức sống của loài cỏ này. Trên những khoảnh đất đã đốt dọn, chỉ 1-2 cơn mưa đầu mùa đã thấy cỏ xuất hiện. Thoạt đầu, chỉ vài khóm vẻ yếu ớt, vô hại, thế nhưng, chỉ sau vài trận mưa dầm, chúng đã bật dậy ngỡ như được đùn ra từ đất. Rồi cứ thế thảm nọ nối thảm kia, ùn ùn nuốt chửng vào lòng nó tất thảy những loài yếu thế. Ngạo nghễ, tung hoành cho tới khi những cơn gió mùa khô cuồng nộ nổi lên se sắt, chúng mới lả dần để lại những đám thân khô xác. Nhưng như một kẻ ranh mãnh, chúng chỉ thoát xác chờ những cơn mưa để lại tiếp tục bật dậy trong cái vòng sinh nở luân hồi.
Cỏ đuôi chồn. Ảnh: Thái Bình
Cỏ đuôi chồn. Ảnh: Thái Bình
Những năm Gia Lai-Kon Tum sôi động trong chương trình vỡ đất, dễ đã hàng chục lần, tôi từng từ xã Bình Giáo qua Công ty Cao su Chư Prông để về trung tâm huyện. Đây là vùng đất để lại trong tôi một dấu ấn đặc biệt về loài cỏ này. Giữa mênh mông chỉ đôi bóng cây kơ nia còi cọc, ngút mắt một sắc cỏ đuôi chồn. Chúng kết thành bức tường thành như để khẳng định riêng mình cái giang sơn hoang vu bất diệt. Vẫn biết cái ấn tượng ấy đã quá xa xăm, vậy mà ngày trở lại mấy năm về trước, mới chớm qua cầu Ia Drăng tôi đã không kìm được sự ngạc nhiên. Con dốc xưa lổn nhổn ngập trong bụi đỏ giờ san sát những căn nhà xây kiểu Thái mái tôn đỏ chót. Lối mòn ngợp cỏ năm nào giờ là con đường trải nhựa xuyên giữa 2 bức tường cao su tăm tắp. Từ đỉnh đồi phóng tầm mắt ra 4 phía thảy đều ngăn ngắt chân trời cao su. Khoảng trống duy nhất trên vùng đất hoang hóa bây giờ chỉ còn cái vệt đường băng sân bay dã chiến ngày trước của quân đội Mỹ. Đất chết giờ đã trở thành Nông trường Thống Nhất thuộc Công ty Cao su Chư Prông.
Đâu chỉ một vùng đất này cuộc sống đã vượt lên quá bao điều tôi nghĩ. Tôi nhớ làng Quen Grai (xã Ia Pia, huyện Chư Prông) với một con người khá đặc biệt-ông Puih Blang. Thời chống Mỹ, ông là Xã đội trưởng, là người đã dìu dắt rồi đưa người anh hùng nhỏ tuổi Kpă Klơng vào du kích. Một chiều mưa năm 1990, tôi tìm đến nhà ông để bòn chút tư liệu cho bài báo Tết. Lối vào làng ngập giữa 2 bức tường cỏ đuôi chồn. Từ nhà ông trông ra, 4 phía cũng thâm u một màu cỏ úa. Câu chuyện về Kpă Klơng hôm đó hóa ra chỉ chiếm một dung lượng nhỏ. Phần lớn thời gian, tôi đã nghe nỗi lòng đau đáu của ông. Đánh vật cạn lực với cỏ để giành hạt lúa mà hết mùa chưa đầy tháng, làng đã có người đói rồi. Hạt lúa thì mỗi lúc một gầy mà cỏ thì mỗi ngày mỗi khỏe… Về làng hôm nay với bạt ngàn cao su, cà phê xanh ngắt, những ngôi nhà xây khang trang, đi trên những con đường bê tông phẳng phiu, sạch sẽ, tôi đã từng tự hỏi: Có thể nào tin được đây từng là một ngôi làng nghèo đói đến xót xa?
Bao ngôi làng, tụ điểm dân cư và bao công ty, nông trường, cuộc sống hôm nay đã được xây trên nền thảo dã hoang vu như thế. Một ngày trở lại vùng đất xưa, cầm trong tay một bông cỏ đuôi chồn yếu ớt còn sót lại bên vệ đường, lòng chợt thấy bâng khuâng: Đã trở thành quá vãng những rừng cỏ đuôi chồn, thứ mà tôi muốn nói đến như “biểu trưng” của một thời vỡ đất gian nan. 
NGỌC TẤN
 

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.