Giải leo núi “Chinh phục đỉnh Đá trắng”: Cơ hội trải nghiệm ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối tuần này, những người đam mê thể thao và yêu thích vẻ đẹp núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ được thử thách với Giải leo núi “Chinh phục đỉnh Đá trắng” năm 2024.

Đây là hoạt động trải nghiệm đầy ý nghĩa đối với các vận động viên (VĐV) và là cơ hội đánh thức tiềm năng du lịch của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai.

Cùng với sự bùng nổ của phong trào chạy bộ, các loại hình chạy trail (địa hình) hay leo núi dần được nhiều người ưa chuộng. Trong xu thế đó, năm 2023, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh lần đầu tiên tổ chức cuộc thi leo núi “Chinh phục đỉnh Đá trắng”.

Trong lần đầu tiên tổ chức, sự kiện này đã thu hút sự tham gia của 107 VĐV đến từ các đơn vị như: Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Huyện ủy Mang Yang, Công đoàn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; UBND các xã: Ayun, Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang); Chi Đoàn phân trại 4 (Trại giam Gia Trung); Công đoàn Trường THCS Ayun và Câu lạc bộ Gia Lai Marathon.

dinh-da-trang-co-do-cao-1330-m-so-voi-muc-nuoc-bien-se-la-dich-den-cua-giai-leo-nui-anh-van-ngoc.jpg
Đỉnh đá Trắng có độ cao 1.330 m so với mực nước biển sẽ là đích đến của giải leo núi. Ảnh: Văn Ngọc

Đỉnh Đá trắng có độ cao khoảng 1.330 m so với mực nước biển. Từ nơi này có thể phóng tầm mắt bao quát khung cảnh rộng lớn dưới những tán rừng già xanh mướt. Tại đây, các nhà nghiên cứu có thể quan sát một số loài động-thực vật quý hiếm, trong đó có các đàn voọc chà vá chân xám-động vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam và nằm trong nhóm 25 loài linh trưởng quý hiếm cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.

Tham gia giải, các VĐV xuất phát tại rừng thông nơi chân núi men theo con đường mòn khúc khuỷu để vượt độ cao khoảng 600 m với cự ly 3 km trước khi cán đích tại điểm cuối cùng là đỉnh Đá trắng. Sự kiện đã diễn ra tương đối thành công khi những hình ảnh của cung đường dưới tán rừng được lan tỏa rộng rãi. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối khi không được tham gia cuộc thi đặc biệt này.

Tiếp nối thành công đó, năm nay, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh phối hợp với Công ty TNHH Giải pháp sự kiện và thể thao Tâm Nguyễn tổ chức giải một cách bài bản hơn. Theo đó, giải được mở rộng theo cơ chế xã hội hóa cho tất cả các đối tượng có thể tham gia và đăng ký bằng hình thức trực tuyến.

Mỗi VĐV đăng ký trả một khoản phí và nhận lại nhiều quyền lợi như bib đeo có gắn chip, áo thi đấu, huy chương hoàn thành cự ly và được hỗ trợ dọc đường cũng như các phần thưởng giá trị khi đạt giải. Năm nay, Ban tổ chức cũng nới rộng cung đường từ 3 km lên 4 km để thêm sự thử thách cho các VĐV.

Ông Nguyễn Thanh Tâm-Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp sự kiện và thể thao Tâm Nguyễn-cho biết: “Giải lần này tổ chức theo mô hình chuyên nghiệp của các giải chạy bộ hiện nay nhằm thu hút đông đảo VĐV trong cả nước. Chúng tôi cũng bố trí đội ngũ nhiếp ảnh gia dọc cung đường và đặc biệt tại đỉnh Đá trắng để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của các nhà leo núi. Hy vọng các VĐV có một trải nghiệm tuyệt vời khi đến với giải đấu lần này”.

cac-vdv-se-duoc-kham-pha-con-duong-mon-giua-rung-gia-kon-ka-kinh-anh-van-ngoc.jpg
Các VĐV sẽ được khám phá con đường mòn giữa rừng già Kon Ka Kinh. Ảnh: L.V.N

Giải diễn ra trong 2 ngày 23 và 24-11. Trong ngày 23, Ban tổ chức tiến hành phát bib cho các VĐV và khai mạc giải với nhiều hoạt động hấp dẫn như: biểu diễn văn nghệ, cồng chiêng, giới thiệu các gian hàng đặc sản, ẩm thực đặc trưng của địa phương. Ngày 24-11, các VĐV chính thức tranh tài. Ban tổ chức bố trí các gian hàng để VĐV thưởng thức ẩm thực địa phương với những món ngon đặc sản.

Điểm nhấn của giải là tối 23-11, khi các VĐV có thể cắm trại bên cạnh đập nước của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh với hoạt động đêm lửa trại giao lưu với người dân làng Đê Kjiêng và làng Hyêr (xã Ayun). Đây là 2 ngôi làng thuộc vùng đệm, dân làng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, kiểm tra cùng với lực lượng bảo vệ của đơn vị.

Ông Lê Văn Vinh-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Trưởng ban tổ chức giải-cho hay: Hiện đã có 240 VĐV trong cả nước đăng ký tham gia giải, trong đó có nhiều VĐV đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… Để các VĐV có được trải nghiệm trọn vẹn và thú vị nhất, đơn vị đã bố trí lưu trú tại nhà khách; lều, túi ngủ… dùng cho việc cắm trại ngay trong rừng.

“Chúng tôi phối hợp với các đơn vị chuẩn bị chu đáo các hoạt động đặc sắc giúp VĐV không chỉ thử thách bản thân chinh phục đỉnh Đá trắng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ mà còn được khám phá văn hóa cồng chiêng, ẩm thực của người dân bản địa.

Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi gây quỹ trồng cây xanh với hy vọng khơi dậy tình yêu thiên nhiên, chung tay bảo vệ môi trường của tất cả các VĐV, lan tỏa hình ảnh đẹp của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng”-ông Vinh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm