Bảo vệ môi trường: Phải kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường từ sớm từ xa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Để kiểm soát ô nhiễm môi trường từ sớm từ xa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thực hiện bảo vệ môi trường theo hướng phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế phát thải.

Tình trạng đột rơm rạ sau mùa vụ diễn ra phổ biến ở các huyện ngoại thành Hà Nội. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Tình trạng đột rơm rạ sau mùa vụ diễn ra phổ biến ở các huyện ngoại thành Hà Nội. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam đã xác định quy hoạch môi trường theo hướng chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường từ sớm, từ xa; không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Hạn chế tác động xấu tới môi trường

Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh để bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới với bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước có nhiều thay đổi, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó xác định bảo đảm tính “mở” và linh hoạt, phòng ngừa các vấn đề môi trường từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa kiểm soát, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường nhằm hạn chế tác động tới môi trường và sức khỏe con người.

Quy hoạch trên cũng xác định mục tiêu ngăn chặn sự suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý; thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế-xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, hài hòa với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông tin thêm về Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số nội dung chính của dự thảo kế hoạch thực hiện, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết quy hoạch này đã xác định các mục tiêu cụ thể đối với 4 nhóm đối tượng của quy hoạch.

Theo đó, về phân vùng môi trường, quy hoạch trên định hướng phân vùng môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo tiêu chí yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật.

Thứ hai, quy hoạch định hướng bảo tồn giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên nhằm phục hồi và duy trì các hệ sinh thái tự nhiên, ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học trên cơ sở củng cố, mở rộng, thành lập mới và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên. Theo đó, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu hécta.

Thứ ba, quy hoạch định hướng đến năm 2030 sẽ hình thành được tối thiểu 2 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, tối thiểu 7 khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng, tối thiểu 1 khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh, thành phố.

Thứ tư về mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường, quy hoạch định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường quốc gia tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, tập trung quan trắc tại các khu vực trọng yếu, khu vực có ý nghĩa quan trọng về bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia phải có tính đồng bộ, liên kết với các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh.

Hướng tới đưa phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Hướng tới đưa phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

“Ngoài ra, quy hoạch cũng xác định tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm môi trường sống trong lành cho nhân dân; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên, đất nước phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp nhằm hướng tới đưa phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050; bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững,” ông Hiền nhấn mạnh.

Thúc đẩy các mô hình tăng trưởng bền vững

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng trên, tại Hội nghị công bố “Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra sáng 15/11, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết quy hoạch này đã xác định các nhiệm vụ cần thực hiện bao gồm: Phòng ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thúc đẩy các mô hình tăng trưởng bền vững.

"Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành," ông Thành nhấn mạnh.

Theo đó, về phân vùng môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo hướng phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiệm ngặt, hạn chế phát thải; bảo đảm không gây tác động đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật trên cơ sở hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong kỳ quy hoạch.

Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cần thực hiện kế hoạch và lộ trình đối với định hướng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được nêu tại quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với các khu xử lý chất thải tập trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thực hiện kế hoạch và lộ trình hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại để thu hồi giá trị tài nguyên từ chất thải, công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu và kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp trực tiếp đối với chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường; khuyến khích hợp tác, liên kết xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm thức ăn gia súc, gia cầm và phân bón hữu cơ…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất thực hiện kế hoạch và lộ trình triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh được nêu trong quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất huy động đa dạng nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án triển khai quy hoạch (bao gồm nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật); khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa cho truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; duy trì hệ thống thông tin, dữ liệu quan trắc và giám sát môi trường, đa dạng sinh học; đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất thực hiện các khu xử lý chất thải quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh.

“Với các mục tiêu, giải pháp trên, trong thời gian tới cần thiết phải có sự chủ động, quyết tâm vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức cộng đồng và mỗi người dân, để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước và nâng cao chất lượng sống của người dân,” đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

(GLO)-Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.

Xã Ia Tôr đạt chuẩn nông thôn mới

Xã Ia Tôr đạt chuẩn nông thôn mới

(GLO)- Chiều 26-11, tại xã Ia Tôr (huyện Chư Prông) đã diễn ra lễ công bố Quyết định số 594/QĐ-UBND ngày 14-10-2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai về việc công nhận xã Ia Tôr đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Kbang quan tâm hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo

Kbang quan tâm hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã quan tâm hỗ trợ sinh kế giúp nhiều hộ gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo.

Tập trung cải thiện chỉ số xanh

Tập trung cải thiện chỉ số xanh

(GLO)- Tuy cả 4 chỉ số thành phần đều tăng điểm nhưng Gia Lai vẫn chưa thể lọt vào top 30 tỉnh, thành dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Hiện tỉnh đang tập trung cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần PGI năm 2024.