Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến quyền, lợi ích của người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn thờ ơ, thậm chí không chấp hành các quy định của Nhà nước về chế độ chính sách đối với người lao động.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chây ỳ, không tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) dẫn đến quyền, lợi ích của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không đóng BHXH cho người lao động

Qua rà soát dữ liệu thuế năm 2023, toàn tỉnh có 1.637 đơn vị với 22.644 lao động, trong đó có 862 đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc tương ứng với 12.688 lao động và 775 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc đầy đủ cho 9.956 lao động.

Riêng TP. Pleiku có 752 đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc với 6.238 lao động; 450 đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc đầy đủ với 1.350 lao động.

Anh Đặng Quốc Đạt (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi đang làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Tiến Minh Gia Lai. Công ty rất quan tâm đến chế độ, chính sách đối với người lao động. Đặc biệt, Công ty tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Bên cạnh đó, người lao động nếu gặp sự cố gì liên quan đến các chế độ bảo hiểm thì được giải quyết kịp thời, thuận lợi”.

Không may mắn như anh Đạt, chị Nguyễn Thanh An (thôn 4, xã Chư Á, TP. Pleiku) cho biết: “Cách đây 5 năm, tôi vào TP. Hồ Chí Minh làm cho một công ty may mặc. Năm ngoái, công ty này giải thể nhưng do họ không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN nên tôi không được hưởng trợ cấp BHTN và các chế độ BHXH theo quy định”.

nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-quyen-loi-kho-khan-khi-giai-quyet-cac-che-do-chinh-sach-lien-quan-khi-don-vi-doanh-nghiep-tron-dong-cham-dong-bhxh-bhyt-bhtn-cho-nguoi-lao-dong-anh-nhu-nguyen-3976.jpg
Người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi, khó khăn khi giải quyết các chế độ, chính sách liên quan vì đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho họ. Ảnh: Như Nguyện

Năm 2023, số doanh nghiệp toàn tỉnh tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 3.258/5.830 đơn vị, chiếm 56% đơn vị đang hoạt động. Tuy nhiên, một số đơn vị tham gia chưa đầy đủ cho người lao động, còn có tình trạng tham gia dưới 14 ngày trong tháng để không đóng BHXH; vẫn còn tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Ông Nguyễn Công Danh-Trưởng phòng Quản lý thu-sổ-thẻ (BHXH tỉnh) thông tin: Việc người sử dụng lao động không tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN có thể gây ra tác động tiêu cực đối với người lao động.

Cụ thể là người lao động mất quyền lợi về BHXH, không được hưởng chế độ hưu trí nếu không đóng đủ số năm BHXH theo quy định.

Nếu đơn vị không tham gia BHXH, người lao động không thể hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, gây khó khăn trong trường hợp cần chăm sóc sức khỏe hoặc bảo vệ quyền lợi cá nhân; không được nhận các khoản trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp một lần khi nghỉ việc, trợ cấp thất nghiệp…

Ngoài ra, người lao động bị mất quyền lợi về BHYT, không được chi trả chi phí khám-chữa bệnh. Việc không được đóng bảo hiểm đầy đủ có thể khiến người lao động lo lắng về sự bấp bênh và bất ổn trong cuộc sống, giảm sự hài lòng và động lực làm việc.

Vận động các đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN TP. Pleiku phối hợp cùng BHXH tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề với các doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trên địa bàn.

Tại hội nghị, các đơn vị doanh nghiệp được phổ biến một số nội dung như: quy định về lao động, tiền lương, hợp đồng lao động, trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động; quy định pháp luật về các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN; tội gian lận và trốn đóng theo Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự; quy định về chia sẻ dữ liệu quyết toán thuế thu nhập cá nhân chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế; quy định về đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng, trách nhiệm tham gia, đóng BHXH, BHYT bắt buộc của đơn vị, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại diện BHXH tỉnh đã hướng dẫn đơn vị, doanh nghiệp kê khai, đăng ký, tham gia đóng BHXH, BHYT cho người lao động; thông tin các đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động.

Hội nghị cũng dành thời gian để các đơn vị, doanh nghiệp đối thoại về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN…

don-vi-doanh-nghiep-tham-gia-day-du-bhxh-bhyt-bhtn-cho-nguoi-lao-dong-se-giup-nguoi-lao-dong-yen-tam-cong-tac-anh-nhu-nguyen-5743.jpg
Doanh nghiệp tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN sẽ giúp người lao động yên tâm công tác. Ảnh: N.N

Tại hội nghị này, ông Trần Văn Lực-Giám đốc BHXH tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tỉnh đề nghị các sở, ngành của tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình và địa bàn được phân công phụ trách tích cực phối hợp, triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên lĩnh vực được phân công, phụ trách.

Đề nghị Ban Chỉ đạo TP. Pleiku tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Thường xuyên chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp, chia sẻ dữ liệu, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển người tham gia, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Giám đốc BHXH tỉnh đề nghị các doanh nghiệp khi có giao kết hợp đồng lao động thì tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ cho người lao động.

Cụ thể, hàng tháng thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN phần của đơn vị sử dụng lao động (21,5%), phần của người lao động (10,5%) đầy đủ, kịp thời, tránh trường hợp để số tiền chậm đóng lũy kế nhiều tháng, số tiền lớn, mất khả năng thanh toán.

Ban Chỉ đạo TP. Pleiku cần tăng cường chỉ đạo các thành viên phối hợp, chia sẻ dữ liệu, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển người tham gia, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.