Điểm nhấn du lịch nông thôn Mang Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang) và làng Đê Kjiêng (xã Ayun) được UBND huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai lựa chọn xây dựng mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025.

Lợi thế để phát triển du lịch nông thôn

Làng Pờ Yầu nằm trên đỉnh Pờ Yầu với độ cao 1.171 m so với mặt nước biển gắn liền với biết bao khó khăn, cách trở, nhưng cũng đầy hấp lực. Làng gọi theo tên con suối Pờ Yầu trong khu rừng nguyên sinh như một nàng thơ với vẻ đẹp lãng mạn và hùng vĩ. Người Bahnar nơi đây vẫn giữ được nét đặc trưng trong văn hóa, ẩm thực lẫn tập quán canh tác.

Những người thích khám phá và thử thách bản thân có thể chọn lên đỉnh Pờ Yầu bằng cách đi bộ ngắm rừng nguyên sinh hay đi xe máy qua những con dốc dựng đứng. Cả 2 lựa chọn đều mang lại cảm giác phấn khích, tận hưởng đầy đủ không khí thiên nhiên trong lành và nhịp sống chậm rãi, bình yên.

lang-po-yau-nam-chon-von-tren-dinh-ngon-nui-trong-day-lo-pang-hung-vi-1807.jpg
Làng Pờ Yầu nằm chon von trên đỉnh ngọn núi trong dãy Lơ Pang hùng vĩ. Ảnh: M.C

Nằm ở nơi đầu nguồn sông Ayun, làng Đê Kjiêng có khả năng kết nối các tour du lịch sinh thái với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Từ năm 2017, UBND huyện Mang Yang đầu tư xây dựng Đê Kjiêng trở thành điểm du lịch cộng đồng. Làng được đầu tư làm nhà rông truyền thống, giọt nước, khôi phục nhiều ngành nghề truyền thống.

Đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên Đê Kjiêng có sức thu hút mãnh liệt, vì làng nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Người Bahnar ở đây được tạo điều kiện tham gia tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn làm du lịch dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, giảng viên các khoa, trường chuyên ngành. Đây cũng là điểm tựa để làng phát triển du lịch nông thôn.

canh-dong-lang-de-kjieng-noi-dau-nguon-song-ayun-826.jpg
Cánh đồng làng Đê Kjiêng nơi đầu nguồn sông Ayun. Ảnh: M.C

Tăng cường quảng bá

Triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2023-2025, huyện Mang Yang tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó phải kể đến thành công của Giải Việt dã “Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”.

Chị Nguyễn Thị Vững-Chuyên viên Phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho biết: Huyện xác định mục tiêu thông qua thể thao để quảng bá, giới thiệu hình ảnh làng Pờ Yầu, thu hút du khách, phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân.

“Trong lần đầu tiên tổ chức giải chạy vào năm 2022, chúng tôi gửi giấy mời tất cả công ty du lịch trên địa bàn tỉnh. Từ thành công của giải chạy các năm, công tác tổ chức dần bài bản, chuyên nghiệp, giúp các vận động viên và du khách có được những trải nghiệm thú vị với thử thách leo núi, thưởng thức ẩm thực truyền thống do bà con người Bahnar phục vụ ngay trên đích đến là đỉnh Pờ Yầu.

Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp lữ hành đồng hành cùng chính quyền địa phương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa điểm du lịch nông thôn này”-chị Vững chia sẻ.

giai-viet-da-chinh-phuc-dinh-po-yau-gop-phan-gioi-thieu-quang-ba-diem-du-lich-nong-thon-lang-po-yau-den-ban-ve-va-du-khach-anh-van-ngoc-226.jpg
Giải Việt dã "Chinh phục đỉnh Pờ Yầu" góp phần giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn làng Pờ Yầu đến bạn bè và du khách. Ảnh: Văn Ngọc

Để hỗ trợ huyện Mang Yang xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát làng Đê Kjiêng, làng Pờ Yầu và thác Pờ Yầu. Tham gia cùng đoàn khảo sát, đại diện các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đã có những đóng góp thiết thực. Các doanh nghiệp đánh giá cao điểm du lịch nông thôn đỉnh Pờ Yầu bởi khả năng kết nối các giá trị văn hóa, kinh tế, nhất là nâng cao thu nhập cho người dân.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Nguyễn Tấn Thành cho rằng: Thế mạnh lớn nhất của làng Pờ Yầu chính là cảnh quan tự nhiên, nguyên sơ. Đây là tài sản quý nhất cần giữ gìn nếu muốn thu hút du khách.

“Ở tuổi U70, tôi vẫn có thể chinh phục đỉnh Pờ Yầu, nghĩa là cung đường này không quá khó đối với du khách. Tuy nhiên, khoảng cách từ chân núi lên tới đỉnh là 4 km đường núi, nhiều chỗ dốc đứng, địa phương cần có phương án bố trí xe trung chuyển hợp lý để đưa du khách lên tới làng, nhất là với những người lớn tuổi”-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đề xuất.

thac-po-yau-la-mot-diem-trai-nghiem-cua-san-pham-du-lich-nong-nghiep-lang-po-yau-9644.jpg
Thác Pờ Yầu là một điểm đến của mô hình du lịch nông nghiệp làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang. Ảnh: M.C

Anh Lê Chí Nguyện-Giám đốc Công ty Du lịch Tây Nguyên Xanh (TP. Pleiku) cho rằng cung đường lên đỉnh núi có nhiều view rất đẹp để khách lưu giữ những khoảnh khắc đẹp. Sau các giải chạy, chắc chắn điểm du lịch nông thôn này sẽ ngày càng thu hút du khách.

“Khi lên tới đỉnh núi cần có xe trung chuyển xuống thác Pờ Yầu và khu nuôi cá tầm của Hoàng Anh Gia Lai. Ngoài ra, cần bố trí xe trung chuyển đến các điểm tham quan giúp khách có một hành trình trải nghiệm đầy đủ, thú vị. Tôi cho rằng đây là một điểm mạnh, đẹp nhất, ấn tượng nhất làm điểm nhấn cho du lịch địa phương”-anh Nguyện nói.

Có thể bạn quan tâm

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

Ngày 17/12/2024 đánh dấu cột mốc 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong suốt chặng đường dài, vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh Hạ Long vẫn luôn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.