Giải đáp thấu đáo các vấn đề cử tri quan tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 1-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động trong tỉnh và Quân đoàn 3 trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. 

Tại đây, cử tri đã kiến nghị nhiều vấn đề và được các cơ quan, đơn vị trả lời cụ thể, thấu đáo.

Tham gia tiếp xúc cử tri gồm các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Rơ Châm H’Phik-Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Chư Păh.

Cùng dự buổi tiếp xúc có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành và tương đương cùng cán bộ Công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Tham dự buổi tiếp xúc tại Quân đoàn 3 có lãnh đạo, cán bộ của các đơn vị: Quân đoàn 3, Binh đoàn 15, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

1-3959.jpg
Nhân dịp tiếp xúc cử tri, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đức Thụy

Những kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách

Tại các buổi tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Siu Hương đã báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp dự kiến khai mạc vào ngày 21-10-2024 và bế mạc vào ngày 30-11-2024 tại Hà Nội (đợt 1: từ ngày 21-10 đến 13-11; đợt 2: từ ngày 20-11 đến 30-11-2024).

Căn cứ các quy định của pháp luật, trên cơ sở xem xét đề nghị của cơ quan hữu quan và tình hình chuẩn bị thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Về công tác lập pháp, Quốc hội xem xét, thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật. Kỳ họp sẽ xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; 15 nhóm nội dung về xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.

z5885783258731-f7160d8847d8f503803b4ccb8e072ab1-2943.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Siu Hương thông tin về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Đ.T

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri là cán bộ Công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 8. Đồng thời, cử tri bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất đối với các chế độ chính sách cũng như tình hình đời sống, việc làm.

Cử tri Nguyễn Thị Kim Cúc (Công đoàn Trường THPT Pleiku) đề xuất: Đề nghị Quốc hội, tỉnh, huyện và ngành quan tâm tuyển dụng, bổ sung biên chế; đồng thời, có chính sách đãi ngộ đặc thù đối với giáo viên ở các khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần có chính sách hỗ trợ phương tiện đi lại cho các em học sinh cách xa điểm trường hoặc tổ chức bán trú tại trường cho học sinh mẫu giáo, tiểu học để đảm bảo thu hút 100% học sinh trong độ tuổi đến trường.

Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao tặng 20 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Cử tri Đào Duy Thức (Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra, huyện Mang Yang) cho rằng: Hiện nay, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải thường xuyên làm việc 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ và dịp lễ, Tết; công việc luôn phải đối mặt với hiểm nguy, bệnh nghề nghiệp.

Thu nhập và chế độ đãi ngộ thấp nên chưa thu hút, giữ chân lực lượng quản lý bảo vệ rừng; việc thiếu hụt nhân lực khiến nhiệm vụ giữ rừng càng thêm khó khăn.

Từ các vấn đề trên, cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu bổ sung nghề quản lý bảo vệ và phát triển rừng vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm để có cơ sở đề nghị chính sách đãi ngộ đối với viên chức, lao động làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

z5885396321193-7010eaa13b12be226a8ce5f393c9d1a4-5614.jpg
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri tại Quân đoàn 3. Ảnh: Đ.T

Tại buổi tiếp xúc ở Quân đoàn 3, cử tri công tác tại các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh bày tỏ sự tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ họp cuối năm 2024 khi mà Quốc hội sẽ xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Cử tri cũng nêu 14 ý kiến, kiến nghị liên quan đến Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ công tác và chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị quân đội.

Đại tá Tô Văn Thái-Trưởng phòng Cán bộ (Cục Chính trị, Quân đoàn 3) nêu ý kiến: Quá trình thực hiện Luật còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam chưa quy định chức vụ đối với sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý là cấp phó. Tuổi sĩ quan với cấp úy, cấp tá, đặc biệt là trung tá trở xuống khi nghỉ hưu hầu như chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội quy định để hưởng mức lương tối đa 75% nên sẽ gặp khó khăn.

Giải đáp thấu đáo

Tại các buổi tiếp xúc, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh đã phản hồi, làm rõ các ý kiến, kiến nghị của cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động theo thẩm quyền. Các đại biểu Quốc hội cũng đã thông tin, giải trình và làm rõ một số nội dung cử tri góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Trả lời ý kiến của cử tri Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Bá Công cho biết: “Gia Lai là tỉnh có diện tích rộng, nhiều địa bàn còn gặp khó khăn. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 46,22% số lượng học sinh toàn tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến công tác giáo dục, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số. Việc đầu tư xây dựng các trường nội trú, bán trú đã góp phần tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số được đến trường, ăn ở sinh hoạt tại các trường và hưởng các chế độ chính sách đặc thù. Ngành Giáo dục tỉnh được giao chỉ tiêu 1.241 biên chế để đáp ứng công tác giảng dạy”.

2-2144.jpg
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động trong tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Đối với ý kiến của cử tri về chế độ chính sách dành cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không được xếp vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và không được hưởng các phụ cấp khác như phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp đặc thù theo nghề, công việc.

Theo Bộ luật Lao động, người lao động làm việc không quá 48 giờ/tuần, không quá 8 giờ/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đang phải làm việc, sinh hoạt tại các tổ quản lý bảo vệ rừng 24/24 giờ, 5 ngày/tuần. Trong khi đó, chế độ chi trả tiền làm thêm giờ theo quy định của pháp luật còn thấp. Những kiến nghị này đã được báo cáo lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến.

Với những ý kiến tại buổi tiếp xúc ở Quân đoàn 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh cũng đã thông tin, trao đổi với cử tri về một số nội dung thuộc thẩm quyền.

z5885396309020-fbfdf5438995b8b458dd74649dfaf834-70.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch giải đáp ý kiến của cử tri. Ảnh: Đ.T

Phát biểu kết luận buổi tiếp xúc tại Quân đoàn 3, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn, nhất là những kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ gửi Bộ Quốc phòng và trình ra kỳ họp thứ 8 để Quốc hội xem xét về tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng bày tỏ vui mừng trước thành tích nổi bật trong hoạt động của các đơn vị lực lượng vũ trang trong thời gian qua, góp phần củng cố quốc phòng-an ninh và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, tới đây, sau khi sáp nhập, Quân đoàn 34 tiếp tục đồng hành với tỉnh trong giữ vững quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn cũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng mà cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động tỉnh nhà đạt được trong thời gian qua.

Đến thời điểm này, 14/17 chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao đã đạt và vượt; đạt và vượt 12 chỉ tiêu do Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh giao; hỗ trợ 7 doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; tỷ lệ doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đã ký kết thỏa ước lao động tập thể trong toàn tỉnh đạt 78,7%.

Hội nghị đã có 20 ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó có nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng đã được cử tri thẳng thắn nêu ra tại hội nghị, một số ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị trả lời cơ bản thấu đáo, phù hợp.

Đối với các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp để phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết, trả lời theo thẩm quyền.

Có thể bạn quan tâm

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

(GLO)- Sáng 19-12, tại Hội trường 19-5, HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 17 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm vận động người dân chung tay thực hiện mô hình “Đường cờ Tổ quốc”. Ảnh: V.C

Ia Pa nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã cụ thể hóa phong trào bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.