Chống rác thải nhựa: Cần chiến lược truyền thông rộng rãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và ni lông mang lại nhiều tiện ích song rác thải nhựa cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Vì vậy, các ngành, địa phương cần có chiến lược truyền thông rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tiến tới loại bỏ hoàn toàn túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần.

TS. Trần Bá Dung nêu một vài số liệu thống kê về RTN trên một bài báo. Ảnh: LN

TS. Trần Bá Dung nêu một vài số liệu thống kê về RTN trên một bài báo. Ảnh: LN

Kể từ khi được phát minh đến nay, các sản phẩm bằng nhựa và túi ni lông đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống con người. Với sự tiện dụng, bền chắc, chịu được ảnh hưởng thời tiết và giá thành thấp, nhựa và túi ni lông được sử dụng ở hầu hết mọi nơi, từ các siêu thị, trung tâm thương mại đến các khu chợ buôn bán nhỏ lẻ, hộ gia đình và trên nhiều lĩnh vực.

Cũng vì thế, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa (RTN) đang là vấn đề lớn mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc, hàng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó chỉ sử dụng một lần; trong số đó, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính khoảng 19-23 triệu tấn RTN thải ra môi trường nước mỗi năm. Tại Việt Nam, trong khoảng 1,8 triệu tấn RTN thải ra môi trường mỗi năm chỉ có 27% được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Riêng ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, RTN thải ra môi trường lên đến 80 tấn/ngày.

Tại hội nghị tập huấn “Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống RTN, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức sáng 15-8 tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) dành cho mạng lưới tuyên truyền viên, báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Thạc sĩ Dương Thị Phương Anh-Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường-thông tin: Tỷ lệ sử dụng nhựa tăng từ 3,8 kg/người (năm 1990) lên 81 kg/người (năm 2019). Nếu tiếp tục đà này, đến năm 2025, ở đại dương cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn RTN.

Đến năm 2050, lượng RTN sẽ nhiều hơn lượng cá. Hầu hết các loại nhựa không phân hủy sinh học và phải mất hàng trăm năm, thậm chí đến cả ngàn năm để phân hủy. Nhựa khi phân hủy sẽ thành các mảnh vi nhựa làm ô nhiễm nguồn nước, đất và đi vào chuỗi thức ăn của con người, gây nguy hại đến sức khỏe con người và cuộc sống của khoảng 800 loài động vật sống dưới đại dương.

Rác thải nhựa đe dọa cuộc sống của con người và thiên nhiên (ảnh minh họa)

Rác thải nhựa đe dọa cuộc sống của con người và thiên nhiên (ảnh minh họa)

Các con số trên cảnh báo khủng hoảng môi trường xảy ra nếu không sớm được khắc phục tình trạng RTN. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông, Tiến sĩ Trần Bá Dung-nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) cũng đã gợi ý một số giải pháp và kỹ năng, kinh nghiệm.

Theo ông, các nhà báo viết về mảng môi trường cần lưu ý 8 chữ: tuyên truyền (sử dụng tài liệu tin cậy, ưu tiên hình ảnh trực quan, dùng mạng xã hội tạo sức lan tỏa); phản ánh (phát hiện bất cập, thúc đẩy thực thi chính sách); phản biện (trong đánh giá chính sách, sử dụng ý kiến chuyên gia và sử dụng công cụ điều tra dư luận, đánh giá bằng công cụ trực tuyến) và nêu gương (điển hình, mô hình tốt, cách làm hay).

Cũng theo Tiến sĩ Trần Bá Dung, để theo đuổi lĩnh vực này, các nhà báo cần tự đào tạo, học hỏi thường xuyên kiến thức về môi trường bởi đây là mảng có nhiều kiến thức chuyên ngành, khó viết, khó hấp dẫn. Chưa hết, họ còn phải là nhà giáo dục công chúng về môi trường với mục tiêu giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi của công chúng. Đi kèm với đó là vai trò cảnh báo về tác hại, nguyên nhân trước những vấn đề liên quan đến môi trường nhằm ngăn ngừa.

Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022, từ ngày 1-1-2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50x50 cm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch. Sau ngày 31-12-2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Cùng với chính sách chống RTN, việc truyền thông để thay đổi, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất và hành vi người tiêu dùng chính là nhiệm vụ của đội ngũ làm công tác tuyên truyền. Truyền thông bền bỉ, sáng tạo cho người dân hiểu và thực sự mong muốn tiến đến lối sống xanh, hài hòa với thiên nhiên, góp phần gìn giữ tương lai cho thế hệ mai sau.

Có thể bạn quan tâm

Làm giàu đừng bất nhẫn

Làm giàu đừng bất nhẫn

(GLO)- Có những người làm giàu được cả xã hội nể phục, bởi không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn góp sức để cộng đồng cùng phát triển. Họ chia sẻ lợi nhuận để làm công tác xã hội, giúp người nghèo, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Tạo giá trị mới cho trụ sở dôi dư

Tạo giá trị mới cho trụ sở dôi dư

Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, các địa phương trên cả nước đang gấp rút sắp xếp đơn vị cấp cơ sở và sáp nhập tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. 

Mệnh lệnh vì sự phát triển

Mệnh lệnh vì sự phát triển

8 lần tới công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thị sát, kiểm tra, động viên và trong lần cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra thời hạn về đích cụ thể cho tuyến cao tốc này là ngày 19.12 tới.

Vì việc chọn người

Vì việc chọn người

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác, liên quan đến vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp.

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Quỹ phát triển nhà ở quốc gia được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập hồi đầu năm nay, nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã vào cuộc triển khai nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật để thực hiện.

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.